Dỗ cháu bằng cách cho xem hoạt hình trên điện thoại, ông bà vô tình khiến cháu 3 tuổi bị cận thị nặng

Bài học làm mẹ 14/11/2019 01:00

Trong lần kiểm tra sức khỏe trước khi vào học mẫu giáo, cả nhà "ngã ngửa" khi nghe bác sĩ thông báo thị lực của bé đã bị giảm nghiêm trọng.

Trẻ nhỏ rất hiếu động, chúng không bao giờ chịu ngồi yên dù chỉ một phút. Thế nhưng, chỉ cần đưa cho trẻ một cái điện thoại thông minh thì các bé sẽ sẵn sàng ngồi ngoan cả ngày để cho cha mẹ và mọi người tha hồ làm việc. Tuy nhiên, các bác sĩ nói rằng nếu dùng smartphone làm "cô giữ trẻ" thì sẽ gây hại rất lớn cho sức khỏe của trẻ.

Bằng chứng là mới đây, một bé gái tên Đồng Đồng (3 tuổi) sống ở Tân Châu, Trung Quốc đã gặp phải vấn đề nghiêm trọng về mắt. Vì Đồng Đồng là một đứa trẻ hiếu động và sôi nổi, nên ông bà cảm thấy cháu mình rất nghịch ngợm, hay gây ồn ào. Do vậy, cứ mỗi khi cháu khóc, ông bà sẽ ngay lập tức mở phim hoạt hình trong điện thoại và đưa cho bé xem. Cô bé sẽ nín khóc ngay rồi chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại để theo dõi các nhân vật hoạt hình.

Dỗ cháu bằng cách cho xem hoạt hình trên điện thoại, ông bà vô tình khiến cháu 3 tuổi bị cận thị nặng - Ảnh 1

Cứ mỗi khi cháu khóc, ông bà sẽ ngay lập tức mở phim hoạt hình trong điện thoại và đưa cho Đồng Đồng xem (Ảnh minh họa).

Mãi cho đến tháng 9 vừa qua, khi đưa cô bé đi kiểm tra sức khỏe trước khi vào học mẫu giáo, cả nhà của Đồng Đồng "ngả ngửa" khi nghe bác sĩ thông báo thị lực của bé chỉ còn 0,2 và bắt buộc phải đeo kính để mắt không bị giảm thị lực thêm nữa. Điều này có nghĩa là đứa trẻ này đã cận khoảng 200 độ (tương đương khoảng 2 diop).

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia năm 2018, tỷ lệ cận thị của trẻ em dưới 6 tuổi ở Trung Quốc là 14,5%, của học sinh tiểu học là 36%, của học sinh trung học cơ sở là 71,6%, và của học sinh trung học là 81%.

Dỗ cháu bằng cách cho xem hoạt hình trên điện thoại, ông bà vô tình khiến cháu 3 tuổi bị cận thị nặng - Ảnh 2

Theo số liệu thống kê thì tỷ lệ trẻ em bị cận thị ngày một gia tăng (Ảnh minh họa).

Kim Tiểu Cầm, giám đốc Khoa Nhãn nhi làm việc tại Bệnh viện Mắt Vũ Hán cho biết, sự phát triển thị lực của trẻ em sẽ trải qua ba giai đoạn: viễn thị sinh lý, thị lực bình thường và cận thị.

Trong trường hợp bình thường, trục mắt của trẻ sơ sinh ngắn và cả hai mắt đều ở trong tình trạng nhìn xa. Đây được gọi là viễn thị sinh lý. Khi bé lớn, kích thước của trục mắt dần dần đạt đến mức trưởng thành và chứng viễn thị sinh lý này về cơ bản sẽ biến mất. Lúc này, mắt của bé có thị lực bình thường. Sau đó, nếu trẻ có những thói quen không tốt cho mắt như nhìn vào màn hình điện thoại quá nhiều, đọc sách nơi thiếu ánh sáng… mắt sẽ giảm dần thị lực, dẫn đến cận thị.

Nói cách khác, viễn thị giống như số tiền tiết kiệm được gửi trong ngân hàng. Một đứa trẻ 3 tuổi nên có viễn thị dự trữ từ 200 đến 250 độ, và một đứa trẻ 8 tuổi nên có viễn thị dự trữ khoảng 150 độ. Do đó, nếu viễn thị dự trữ này được lấy ra dùng trước, thì mắt của trẻ sẽ bị cận thị sớm.

Hiện tại, Đồng Đồng bắt buộc phải đeo kính thì mới có thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh. Nhưng nếu ông bà của bé vẫn tiếp tục cho cháu mình sử dụng thiết bị di động thì đứa bé có thể sẽ bị biến chứng mắt nghiêm trọng trong tương lai như bệnh tăng nhãn áp, thậm chí là mù lòa.

Vậy làm thế nào để phòng tránh cho con không bị cận thị?

Để con có một đôi mắt khỏe mạnh, cha mẹ hãy quan tâm và hướng dẫn trẻ làm những điều dưới đây:

- Cho mắt nghỉ ngơi hợp lý: Hãy áp dụng quy tắc 20-20-20 cho mắt. Nghĩa là cứ học bài hay làm việc được 20 phút, thì lại nhìn vào một vật cách xa 20 feet (khoảng 6m) trong vòng 20 giây.

- Chú ý đến ánh sáng: Phòng học của con cần đầy đủ ánh sáng, ưu tiên ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng cũng cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như không quá sáng, không bị khuất bóng, không chiếu trực tiếp vào mắt…

Dỗ cháu bằng cách cho xem hoạt hình trên điện thoại, ông bà vô tình khiến cháu 3 tuổi bị cận thị nặng - Ảnh 3

Cha mẹ nên thường xuyên cho con ra ngoài trời chơi để giúp mắt thư giãn, hạn chế được nguy cơ mắc tật khúc xạ (Ảnh minh họa).

- Khoảng cách: Khoảng cách đọc sách và viết với học sinh là 35 - 40cm.

- Thường xuyên vui chơi ngoài trời: Cha mẹ nên thường xuyên cho con ra ngoài trời chơi để giúp mắt thư giãn, hạn chế được nguy cơ mắc tật khúc xạ.

- Khám mắt định kỳ: Đây là cách để phát hiện sớm tật khúc xạ mắt. Với trẻ chưa bị cận thì khoảng 1 năm cha mẹ cho bé đi khám 1 lần, và 6 tháng/lần đối với bé đã bị cận.

- Bổ sung dưỡng chất cho mắt: Cha mẹ hãy bổ sung các dưỡng chất tốt cho mắt như vitamin A, E, C, và các chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá, trứng giúp tăng khả năng điều tiết, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về mắt.

Vừa nấu ăn vừa gọi điện thoại, mẹ lơ đãng khiến con bị chiếc nồi đang sôi trên bếp đổ ập vào người

Bác sĩ chẩn đoán đứa bé bị bỏng cấp độ 3 ở mặt, cổ, ngực, tay và chân, cần phải trải qua vài cuộc cấy ghép da.

TIN MỚI NHẤT