Không để thuốc kháng sinh, giảm đau giả, kém chất lượng "lộng hành"

Xã hội 22/04/2018 07:44

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhận định, các mặt hàng dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, cần mở đợt cao điểm đấu tranh chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Không để thuốc kháng sinh, giảm đau giả, kém chất lượng 'lộng hành' - Ảnh 1

Vụ việc phát hiện sản phẩm Vinaca ung thư Co3.2 làm bằng than tre khiến dư luận phẫn nộ

 Chỉ tính riêng trong lĩnh vực dược phẩm, thời gian gần đây, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cùng các lực lượng chức năng, các địa phương liên tục phát hiện, xử phạt hay yêu cầu đình chỉ, thu hồi các loại thuốc giả, kém chất lượng. Thực tế này phần nào khiến tâm lý người dân hoang mang…

Công ty dược tên tuổi cũng bị... xử phạt

Đầu tháng 4 này, người dân rất lo ngại trước thông tin cơ quan chức năng phát hiện trên thị trường Hà Nội, TP.HCM có lưu hành kháng sinh Zinnat giả. Đây là loại kháng sinh rất phổ biến, dùng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn cho cả trẻ em, người lớn. Kết quả kiểm nghiệm mẫu thuốc có tên Zinnat 500mg Film Tablet, trên nhãn in “Sefuroksim aksetil 20 film table”; số GP:14209/QLD-KD ngày 30/3/2013 do Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương công bố cho thấy, mẫu không có phản ứng định tính của Cefuroxime acetyl.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Đỗ Văn Đông nêu rõ, việc sử dụng thuốc Zinnat không có Cefuroxime acetyl như vậy không những không có tác dụng điều trị mà nguy hại hơn còn làm cho bệnh nhân mất cơ hội điều trị bệnh, chưa kể có thể còn có các chất có hại trong sản phẩm không được kiểm soát, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

 

Hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm theo hướng dẫn tại Điều 194, Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ: “Tùy theo trị giá của lô hàng giả, hành vi sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 120 triệu đồng; hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng…”. 

Chỉ vài ngày sau, Cục Quản lý Dược tiếp tục có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán sử dụng thuốc mang tên “Nhức khớp tiêu bại hoàn” với lý do loại thuốc này chưa được cấp phép lưu hành nhưng đã sản xuất, bán trên thị trường. Cụ thể, trên nhãn thuốc này ghi tên cơ sở Đông nam dược Đại An (40 Trần Phú, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Trước đó, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM đã lấy mẫu kiểm nghiệm loại thuốc trên, kết quả đây là đông dược nhưng lại có chứa tân dược paracetamol.

Không chỉ thuốc nhập khẩu hay thuốc lưu hành “chui” mà trong 1 tháng qua, Cục Quản lý Dược còn xử phạt tới 4 công ty dược tên tuổi trong nước với số tiền lên đến trên 300 triệu đồng do sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cụ thể gồm: Công ty cổ phần dược phẩm Tipharco, Công ty cổ phần Dược Trung ương 3, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 2, Công ty cổ phần BV Pharma. Rộng hơn, trong quý I năm 2018, Cục quản lý Dược đã công bố danh sách 51 cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng buộc phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc nhập khẩu vào Việt Nam…

Cơ quan chức năng cảnh báo, ngoài một số thực phẩm chức năng thì các nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, thuốc trị một số bệnh đường tiêu hóa… bị làm giả phổ biến nhất và rất khó nhận dạng. Song bức xúc và gây phẫn nộ dư luận hơn cả là vụ việc cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng mới đây đã phát hiện một cơ sở sản xuất sản phẩm Vinaca ung thư Co3.2 làm từ than tre với những lời quảng cáo rằng sản phẩm có tác dụng hỗ trợ chữa trị ung thư.

Dù ngày 18-4, Bộ Y tế đã lên tiếng khẳng định Vinaca ung thư Co3.2 làm từ than tre không phải là thuốc, cũng không phải mỹ phẩm mà là sản phẩm thực phẩm chức năng giả, bản thân cơ sở sản xuất sản phẩm này cũng không có giấy phép sản xuất thực phẩm chức năng, song không vì thế mà bức xúc của người dân được giải tỏa.

Không để thuốc kháng sinh, giảm đau giả, kém chất lượng 'lộng hành' - Ảnh 2

Cơ quan chức năng mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm…

 Rà soát toàn bộ khâu cấp phép, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng

Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, trong khi số lượng mặt hàng thuốc được sản xuất và lưu hành trên thị trường ngày càng tăng, nhiều dạng bào chế mới, hoạt chất mới với hơn 1.000 hoạt chất thì hệ thống kiểm nghiệm mới kiểm tra được khoảng 500 hoạt chất. Trong khi đó, việc kiểm soát dược liệu nguồn gốc, chất lượng dược liệu sử dụng trong sản xuất thuốc chưa thực sự tốt do nguồn lực đầu tư để nâng cao năng lực kiểm nghiệm dược liệu cũng như thiết lập chuẩn còn rất hạn chế…

Về xử lý, với những vụ việc phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng như nêu trên, Cục Quản lý Dược đều chỉ đạo xử lý ngay như đình chỉ lưu hành, yêu cầu thu hồi hay xử phạt hành chính. Đồng thời, cơ quan này cũng có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ của thuốc giả; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành; yêu cầu thông báo về Cục và các cơ quan liên quan…

Thế nhưng theo nhận định của chính Bộ Y tế, các mặt hàng dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt trong thời gian gần đây mặt hàng dược phẩm giả, kém chất lượng được các cơ quan chức năng phát hiện có xu hướng tăng mạnh.

Trước thực trạng trên, ngày 19-4, Thứ trưởng kiêm Trưởng ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đã ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phối hợp chỉ đạo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế. Ở công văn này, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, hàng giả là thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm. Tập trung rà soát các hoạt động cấp phép sản xuất, nhập khẩu, hợp quy, kiểm tra chất lượng các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền giả. 

Cùng đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng đề nghị các cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tại các địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ như: Thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền. Đặc biệt, tăng cường công tác chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm; chủ động kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định.

 

Nữ bệnh nhân chết bất thường sau khi chích thuốc chữa dị ứng

Vào bệnh viện An Sinh khám vì bị dị ứng gây ngứa, nổi mề đay nhưng chỉ sau 3 mũi chích, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu liên tục và tử vong sau đó.

TIN MỚI NHẤT