Tiếp tục ghi nhận trường hợp nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người': Phát hiện bệnh sau 2 tháng phẫu thuật gãy xương

Tin y tế 14/12/2023 16:40

Ngay khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, CDC Đắk Lắk phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện Ea Súp và Trạm y tế xã Cư Kbang tiến hành điều tra dịch tễ, tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa bàn.

Theo thông tin từ VTV, từ báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm một trường hợp mắc bệnh Whitmore tại huyện Ea Súp.

Bệnh nhân là L.V.L., nam, sinh năm 1964, trú tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Theo bệnh nhân, khoảng 2 tháng trước bệnh nhân bị gãy xương cẳng chân phải và đã phẫu thuật. Đến ngày 4/12, vết thương còn dịch mủ nên bệnh nhân xin nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán nhiễm trùng vết thương cẳng chân (P) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.

Hiện tại sức khỏe bệnh nhân diễn tiến tốt và đang được tích cực chăm sóc, điều trị tại bệnh viện.

Tiếp tục ghi nhận trường hợp nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người': Phát hiện bệnh sau 2 tháng phẫu thuật gãy xương - Ảnh 1
Vi khuẩn ăn thịt người - Ảnh minh họa: Internet

Dẫn tin từ Tạp chí Tri thức, ngay khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, CDC Đắk Lắk phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện Ea Súp và Trạm y tế xã Cư Kbang tiến hành điều tra dịch tễ, tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa bàn.

Đồng thời, các cơ quan y tế cũng tích cực tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Whitmore theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Whitmore (bệnh Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.

Nhiều người lầm tưởng Whitmore là “vi khuẩn ăn thịt người”. Nhưng trên thực tế, đây là tên gọi dành cho Vibrio vulnificus, không phải Whitmore.

Whitmore xuất hiện nhiều chủ yếu tại Australia và khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 1925 và đến hiện nay vẫn xuất hiện rải rác ở một số địa phương.

Vi khuẩn này sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là những vùng ngập úng sau lũ lụt. Chúng xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi lội trong nước, bùn thời gian dài hoặc có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm vi khuẩn.

Triệu chứng phổ biến nhất của Melioidosis xuất phát từ nhiễm trùng ở phổi, tại đây hình thành một khoang chứa mủ.

Tình trạng bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng. Bệnh nhân sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực và đau nhức các cơ bắp. Bệnh còn có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) kèm với sốt và đau cơ.

Thêm 1 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, nhập viện trong tình trạng áp xe nặng vùng cổ gáy trái và lưng

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao, khối vùng cổ trái sưng đau, bề mặt căng, không đau ngực, không khó thở, không nôn.

TIN MỚI NHẤT