Thế giới phòng hoả hoạn cho chung cư như thế nào?

Thế giới 16/09/2023 09:28

Việc phòng chống hỏa hoạn trên thế giới là công việc thường xuyên và bắt buộc ở nhiều nơi. Đặc biệt, tại các khu chung cư nơi tập trung đông người sinh sống, công tác phòng cháy chữa cháy càng cấp thiết và là yêu cầu sống còn.

Hiện nay, không ít các hộ gia đình lựa chọn chung cư để sinh sống bởi sự tiện nghi, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, các tòa nhà dân cư cao tầng thường thiếu các tính năng an toàn thiết yếu. Ngoài ra, vật liệu được sử dụng trong xây dựng không có khả năng chống cháy và các quy định an toàn dường như vẫn còn quá lỏng lẻo. Không chỉ ở VIệt Nam mà vấn đề phòng cháy chữa cháy cho các căn hộ cao tầng cũng là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.

Nhật Bản

Nhật Bản luôn ưu tiên phòng cháy hơn chữa cháy. Quốc gia này thường xuyên tổ chức diễn tập cứu hỏa, đồng thời giáo dục kỹ năng phòng chống cháy nổ cho học sinh từ cấp mẫu giáo.

Thế giới phòng hoả hoạn cho chung cư như thế nào? - Ảnh 1
Nhật Bản luôn ưu tiên phòng cháy hơn chữa cháy.

Đối với các chung cư, Nhật Bản cũng có những quy định phòng cháy chữa cháy chặt chẽ. Theo Đạo luật Dịch vụ Phòng cháy chữa cháy của Nhật Bản, các tòa nhà cao trên 31 mét được coi là nhà cao tầng và phải tuân thủ nguyên tắc phòng cháy chữa cháy. Trong đó, thang cứu hỏa chỉ có thể cao tối đa 31 mét (tương đương chiều cao của tầng 11) nên các chung cư cao trên 11 tầng buộc phải có hệ thống phun mưa chữa cháy ở mỗi phòng.

Với các chung cư mới xây dựng cần đảm bảo kết cấu chống cháy, có 2 lối thoát hiểm, trong đó có 1 lối thoát hiểm ở ngay ban công thông xuống tầng dưới, có hướng dẫn chống cháy và đảm bảo lộ trình sơ tán.

Bên cạnh đó, các chung cư tại Nhật Bản phải đảm bảo đủ khoảng trống để sơ tán, nghiêm cấm đặt đồ vật chặn cửa thoát hiểm hoặc chất đồ khu vực ban công. Mỗi nhà, mỗi tầng đều phải trang bị bình cứu hỏa, gắn thiết bị báo cháy. Đồng thời, mỗi hộ gia đình cần phân loại rác rõ ràng và vứt rác theo ngày quy định, nơi quy định để tái chế cũng như phòng các nguy cơ cháy từ phòng rác.

Mỹ

Tại Mỹ hay các quốc gia phát triển khác, người dân không được phép phá bỏ ban công để mở rộng không gian bên trong.

New York cũng ban hành các hướng dẫn cụ thể về vật liệu được sử dụng trong xây dựng sàn và trần cho các tòa nhà, vật liệu lắp đặt thang máy, đường ống và số lượng nhân viên phòng chống thiên tai tối thiểu tùy theo quy mô của tòa nhà.

Thế giới phòng hoả hoạn cho chung cư như thế nào? - Ảnh 2
Mỹ quy định chặt chẽ về vật liệu xây dựng tại các tòa nhà để hạn chế cháy nổ.

Do lính cứu hỏa khó tiếp cận các tầng trên cao, giới chức đã ban hành quy định chặt chẽ về việc lắp đặt hệ thống phun nước chữa cháy và đầu báo khói tự động.

Tại các chung cư ở Mỹ, hệ thống báo cháy của tòa nhà tự động kích hoạt khi nhận được tín hiệu báo cháy. Hệ thống này được trang bị nhiều nơi và chỉ dừng phát cảnh báo khi cảnh sát PCCC có mặt và xử lý. Hệ thống điều hành này cũng do cảnh sát PCCC vận hành, kiểm soát chứ không thuộc về chủ đầu tư hay đơn vị quản lý tòa nhà.

Hệ thống điện cũng được thiết kế với các cầu dao tự ngắt khi sử dụng quá công suất. Ngoài ra, lối thoát hiểm phải được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi chủ nhà được cấp phép xây dựng.

Hàn Quốc

Tháng 10/2010, Hàn Quốc từng rúng động bởi tin tức về vụ cháy chung cư 38 tầng ở Haeundae, Busan. Tuy may mắn không có thương vong nào vì hầu hết người dân đã được sơ tán ngay sau khi đám cháy bùng phát nhưng vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng các tòa nhà cao tầng về cơ bản không có khả năng phòng tránh hỏa hoạn.

Thế giới phòng hoả hoạn cho chung cư như thế nào? - Ảnh 3
Vụ cháy chung cư 38 tầng ở Busan cho thấy các tòa nhà cao tầng gần như không có khả năng phòng tránh hỏa hoạn.

Bức tường bên ngoài khu chung cư này được trang trí bằng các tấm nhựa polyetylen phủ nhôm và sử dụng nhựa dẻo polystyrene để cách nhiệt. Cả hai vật liệu đều dễ cháy. Tuy nhiên, không có quy định nào về vật liệu được sử dụng bên ngoài các tòa nhà này.

Sau vụ việc, Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải Hàn Quốc đã ban hành một điều khoản mới trong Đạo luật Xây dựng, quy định chỉ sử dụng vật liệu không gây cháy cho mặt ngoài của các tòa nhà. Luật này được thi hành từ năm 2011. Tuy nhiên, luật không áp dụng cho các tòa nhà đã hoặc đang được xây dựng.

Ngoài ra, các tòa nhà chung cư mới thường không có ban công và bên ngoài được che phủ bằng vật liệu rất dễ cháy. Ban công có thể ngăn lửa và là nơi trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp.

Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất

Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất luôn khiến thế giới trầm trồ bởi những công trình hoành tráng, trong đó có tòa nhà Burj Khalifa cao 828 mét ở Dubai, hiện là tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới. Với vô số những tòa nhà cao "chọc trời", quốc gia này cũng có những biện pháp phòng chống thiên tai tối tân.

Thế giới phòng hoả hoạn cho chung cư như thế nào? - Ảnh 4
Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất có các biện pháp phòng chống thiên tai tối tân cho những tòa nhà "chọc trời".

Với những tòa nhà cao 160 tầng, 4 khu an toàn sẽ được xây dựng ở các tầng 42, 75, 111 và 138. Những khu trú ẩn này có thể chứa tới 6.500 người và có khả năng chống chịu được trong 2 giờ sau khi đám cháy bùng phát. Địa điểm này cũng được kết nối trực tiếp với trạm cứu hỏa, cùng với các tòa nhà cao 21 tầng trở lên khác. Do đó, lực lượng cứu hỏa sẽ được cảnh báo bằng báo cáo trực tiếp từ các địa điểm này.

Nhảy từ tầng 7 do cháy chung cư, mẹ vợ Việt cùng con rể Hàn tử vong, bé trai 4 tuổi bị thương nặng

Thấy ngọn lửa và khói đen đã bao trùm khắp căn nhà, cả 3 nạn nhân gồm anh A. (khoảng 40 tuổi), con trai anh A. (4 tuổi) và mẹ vợ anh A. (khoảng 50 tuổi, quốc tịch Việt Nam) đã ra ban công và nhảy xuống để thoát thân.

TIN MỚI NHẤT