Bé 12 tháng tuổi nuốt cây kim băng dài 3cm đã bung đầu nhọn

Sức khỏe 04/07/2025 10:40

Gia đình phát hiện bé một tuổi ngậm kim băng, trong lúc hoảng hốt tìm cách lấy ra đã vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn trong họng trẻ.

Theo thông tin từ báo VnExpress, Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) vừa tiếp nhận ca cấp cứu nguy kịch: bệnh nhi P.P.K. (12 tháng tuổi, tỉnh Đồng Nai), nhập viện trong tình trạng đau đớn và nguy cơ thủng thực quản do nuốt một cây kim băng dài khoảng 3 cm.

Trong lúc bé đang chơi, gia đình phát hiện cháu ngậm một cây kim băng. Hoảng hốt, người thân cố móc dị vật ra nhưng hành động này vô tình đẩy cây kim băng vào sâu hơn trong họng. Sau đó, bé được đưa đến bệnh viện tuyến cơ sở, rồi chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 vào giờ thứ 9 kể từ thời điểm xảy ra tai nạn.

Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ tiến hành thăm khám và nội soi khẩn cấp. Kết quả cho thấy cây kim băng đã bung ra hình chữ L, đầu nhọn ghim vào thành thực quản gây nguy cơ thủng, xuất huyết và nhiễm trùng nặng. Đây là tình huống đòi hỏi xử lý nhanh chóng, chính xác và cẩn trọng để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của bệnh nhi.

Ngay lập tức, ê-kíp liên chuyên khoa gồm Tiêu hóa - Tai Mũi Họng - Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM được huy động để hội chẩn và triển khai phương án can thiệp. Sau quá trình xử lý nội soi tỉ mỉ, các bác sĩ đã lấy được dị vật mà không cần phẫu thuật mở. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, ca cấp cứu đã diễn ra an toàn, bé được cứu khỏi một tình huống nguy hiểm.

Bé 12 tháng tuổi nuốt cây kim băng dài 3cm đã bung đầu nhọn - Ảnh 1
Hình ảnh kim băng trong họng em bé trên phim chụp - Ảnh: Báo Lao Động

Theo thông tin từ báo Lao Động, BS.CKII Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Dị vật đường tiêu hóa là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong các kỳ nghỉ lễ hay dịp trẻ ở nhà nhiều, ít được người lớn giám sát. Những dị vật nguy hiểm mà chúng tôi thường gặp bao gồm: pin nút áo, nam châm, vật sắc nhọn, các vật có kích thước lớn (trên 2,5 cm với trẻ dưới 5 tuổi và trên 5 cm với trẻ lớn hơn)”.

Cũng theo bác sĩ Thủy, nhiều trường hợp trở nên nghiêm trọng hơn do người lớn xử trí sai cách. Khi nghi ngờ trẻ nuốt dị vật, cha mẹ tuyệt đối không nên cố móc họng lấy ra, bởi hành động này dễ khiến dị vật trượt vào sâu hơn hoặc làm tổn thương vùng hầu họng. Ngoài ra, không được gây nôn vì nguy cơ dị vật đi lạc vào đường thở, gây hít sặc và nguy hiểm đến tính mạng.

Cách xử trí đúng là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử lý kịp thời bằng các phương pháp phù hợp như nội soi hoặc phẫu thuật nếu cần thiết.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo phụ huynh cần chú ý loại bỏ những vật nhỏ, sắc nhọn, dễ nuốt khỏi tầm tay trẻ; không để trẻ chơi với những vật có thể tháo rời, dễ rơi rớt linh kiện và luôn giám sát trẻ, nhất là trong giai đoạn tập bò, tập đi khi trẻ có xu hướng khám phá thế giới bằng miệng.

Bị ong vò vẽ đốt hơn 30 vết, cụ ông nguy kịch do sốc phản vệ nặng

Ngày 2/7, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (xã Núi Thành, TP Đà Nẵng) cho biết, đơn vị vừa cấp cứu thành công một trường hợp sốc phản vệ độ 3, nguy kịch do ong vò vẽ đốt.

TIN MỚI NHẤT