Thanh tra dự án ‘băm nát’ quy hoạch, tranh cãi đặt cọc 50 triệu đồng

Nhà đất 10/06/2019 06:00

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cho thanh tra, rà soát lại quy hoạch các dự án phá nát quy hoạch; tranh cãi mức đặt cọc 50 triệu đồng; TP.HCM thúc tiến độ hàng loạt dự án ngàn tỷ… là những thông tin đáng chú ý nhất tuần qua.

Thanh tra các siêu đô thị phá nát quy hoạch

Trong phiên chất vấn của Đại biểu Quốc hội ngày 5/6, trả lời về việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội đang rất bức xúc về tình trạng điều chỉnh quy hoạch đô thị tùy tiện, chạy theo nhà đầu tư.

Việc nâng tầng cao, tăng mật độ xây dựng làm gia tăng dân số, giảm không gian công cộng… khiến hệ thống hạ tầng quá tải. Điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Thanh tra dự án ‘băm nát’ quy hoạch, tranh cãi đặt cọc 50 triệu đồng - Ảnh 1

“Về biện pháp khắc phục, yêu cầu Bộ Xây dựng cùng các địa phương cho thanh tra, kiểm tra, rà soát lại các quy hoạch điều chỉnh. Xem xét xử lý nghiêm với các quy hoạch điều chỉnh nhưng vi phạm về quy chuẩn và tiêu chuẩn quy hoạch. Cho dừng điều chỉnh quy hoạch với những quy hoạch vi phạm chưa thực hiện, đang

thực hiện. Có các giải pháp đầu tư hạ tầng để đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong điều chỉnh quy hoạch không đúng quy chuẩn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tranh cãi mức đặt cọc 50 triệu đồng

Để ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp, đầu nậu lợi dụng bộ Luật Dân sự để huy động vốn trái phép, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã kiến nghị bổ sung chế định mức đặt cọc khi ký hợp đồng mua bán.

Theo đó, HoREA đề nghị bổ sung chế định về đặt cọc vào điều 57 của Luật Kinh doanh bất động sản với số tiền không quá 50 triệu đồng trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nói rằng kiến nghị này đưa ra nhằm mục tiêu kiểm soát tình trạng phân lô bán nền, lợi dụng luật dân sự để huy động vốn trong khi luật kinh doanh bất động sản không quy định.

Đánh giá về kiến nghị của HoREA, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group nói rằng ông ủng đề xuất đặt cọc khi ký  hợp đồng mua bán . Tuy nhiên, nó không nên giới hạn số tiền bao nhiêu. Đối với những chủ đầu tư uy tín, họ huy động dưới 30% là được. Còn mức cọc bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào chuyện lợi nhuận giữa đôi bên.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành TP.HCM nói rằng không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động các doanh nghiệp với khách hàng bởi đó là hoạt động dân sự. Đề xuất đặt cọc không quá 50 triệu với những dự án nhỏ thì không sao nhưng với những dự án cao cấp thì con số 50 triệu như “muối bỏ biển”.

TP.HCM thúc tiến độ hàng loạt dự án ngàn tỷ

 Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm của thành phố, UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở ngành xác định thứ tự ưu tiên các dự án, hình thức đầu tư và thời gian thực hiện của từng dự án.

Cụ thể, đối với dự án đầu tư khép kín đường Vành đai 2, thành phố yêu cầu lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công theo hướng ngân sách đảm nhận phần giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư đối với phần xây lắp đoạn 1 và đoạn 2 để UBND TP trình HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 7/2019.

Đồng thời, rà soát hợp đồng dự án đối với đoạn 3 đang được nhà đầu tư triển khai thi công theo hình thức PPP (Hợp đồng BT). Cạnh đó, lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công đối với đoạn 4 để UBND TP trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2019. 

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, Sở Giao thông vận tải được giao phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông vận tải để tham mưu UBND TP.HCM đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Đối với các dự án cửa ngõ và dự án xây dựng nút giao thông An Phú, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông được giao lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công, báo cáo Thường trực UBND TP vào giữa tháng 7/2019.

Lộ diện đại gia vô đối ở siêu dự án Sa Pa

UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành quyết định 1439 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Đông Bắc Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Trong đó nêu rõ nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Công ty CP đầu tư và phát triển Sa Pa Lào Cai và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco.

Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 9.099 tỷ đồng với diện tích hơn 160ha. Trong đó đất dự kiến giao nhà đầu tư kinh doanh là gần 747.000m2. Thời hạn và tiến độ thực hiện dự án là 81 tháng kể từ ngày hợp đồng dự án có hiệu lực. 

Trước đó, cách đây khoảng 3 tháng (2/2019), UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Đông Bắc Sa Pa. Nhà đầu tư được lựa chọn theo hình thức chỉ định với phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ.

Chủ đầu tư “xẻ thịt” khu công nghiệp Minh Phương Đình Vũ

Được Ban quản lý Khu kinh tế (BQLKKT) Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 02221000057 ngày 18.4.2012 để thực hiện Dự án Khu công nghiệp (KCN) Minh Phương Đình Vũ có quy mô diện tích 231ha, vốn đầu tư trên 992 tỉ đồng, nhưng Cty CP đầu tư bất động sản Minh Phương đã không thực hiện theo đúng giấy chứng nhận đầu tư, cố tình “xẻ thịt” dự án, gây bức xúc cho các đối tác đầu tư trong KCN.

TIN MỚI NHẤT