Cách nấu mì vằn thắn ngon không kém ngoài hàng

Vào bếp 13/10/2019 17:03

Mì vằn thắn là một món ăn ngon được rất nhiều người yêu thích. Với cách nấu mì vằn thắn dưới đây bạn đã có thể trổ tài nấu một món ăn hấp dẫn để chiêu đãi cả nhà ngày cuối tuần.

Mì vằn thắn là gì?

Vằn thắn (hay còn gọi là hoành thánh hoặc sủi cảo) là một món ăn gốc Quảng Đông, Trung Quốc nhưng hiện nay phổ biến ở nhiều nước Á Đông. Ở mỗi nước lại có cách nấu mì vằn thắn riêng để phù hợp với khẩu vị người địa phương. Có người nói rằng món ăn này bắt nguồn từ thời nhà Thanh và được đích thân vua Càn Long đặt tên là yuntun (vân thốn) tức “nuốt mây” dựa ý câu thơ bạch vân thốn nguyệt (mây trắng uống trăng). 

Cách nấu mì vằn thắn ngon không kém ngoài hàng - Ảnh 1
Mì vằn thắn là món ăn có nguồn gốc Quảng Đông, Trung Quốc - Ảnh minh họa: Internet

Vằn thắn gồm 2 phần: phần nhân và phần vỏ. Phần nhân là thịt heo, hải sản và rau bằm nhỏ được gói lại trong vỏ bột mì rồi đem hấp chín lên. Khi vằn thắn chín, phần vỏ trở nên trong suốt có thể nhìn thấy được bên trong.

Món vằn thắn theo người Hoa du nhập vào Việt Năm vào khoảng những năm 1930 và đã được biến tấu đôi chút trở thành món mì vằn thắn, không còn giữ được nguyên bản món vằn thắn Quảng Đông gốc. Trong một tô mì vằn thắn của Việt Nam có vằn thắn (hay còn gọi hoành thánh hoặc sủi cảo) làm từ thịt nạc và tôm, xá xíu, trứng gà luộc, nấm hương, gan heo, cải xanh, lá hẹ, sợi mì. Nước dùng cho món mì này được hầm từ xương gà, xương heo, cá khô, vỏ tôm và một số vị thuốc bắc.

Cách nấu mì vằn thắn ngon không kém ngoài hàng - Ảnh 2

Vằn thắn gồm phần nhân và phần vỏ được gói lại, trước khi ăn được luộc chín hoặc chiên giòn - Ảnh minh họa: Internet

Hướng dẫn cách nấu mì vằn thắn

Cách nấu mì vằn thắn có hơi kỳ công, đòi hỏi sự chuẩn bị nguyên liệu công phu. Tuy nhiên thành quả ta gặt hái được lại rất đáng để bỏ công sức. Cuối tuần, cùng cả gia đình quây quần bên bàn ăn với món mì vằn thắn thơm nức, sợi mì dai dai, vằn thắn ngọt vị thịt heo và tôm tươi, cùng chút nước dùng thanh thanh, đảm bảo đó sẽ là một bữa ăn ngập tràn hương vị và hạnh phúc.

Cách nấu mì vằn thắn ngon không kém ngoài hàng - Ảnh 3

Nguyên liệu để làm mì vằn thắn khá công phu nhưng thành quả thu được sẽ khiến bạn hài lòng - Ảnh minh họa: Internet

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu (dành cho 4 người ăn)

A: phần nước dùng

Xương ống hoặc xương cục để ninh lấy nước dùng: 1kg

Tôm khô: 50gr

Củ cải trắng: 1 củ

Hành tây: 1 củ

B: phần hoành thánh(sủi cảo)

Vỏ bánh gối: 200gr

Thịt heo xay: 200gr

Tôm tươi bóc vỏ: 150gr

Củ cải trắng hoặc củ đậu: 50g

Hành tây: 30g

Mộc nhĩ: 2 cái

Nấm hương: 6-8 cái

Nước tương (xì dầu), muối, dầu vừng: mỗi loại ½ muỗng cà phê

Dầu hào, tiêu xay: mỗi loại 1 muỗng cà phê

Gia vị: hành, tỏi, gừng mỗi thứ một chút.

C: Phần thịt xá xíu

Thịt nạc dăm: 500gr

Đường mạch nha: 2 muỗng canh

Nước tương (xì dầu): 2 muỗng

Thìa dầu hào: 1,5 muỗng cà phê

Mật ong: 1 muỗng cà phê

Ngũ vị hương, hạt tiêu: ½ muỗng cà phê

Tỏi bằm nhuyễn: 3 tép

D: Các nguyên liệu khác

Gan heo: 200gr

Tôm tươi: 200gr

Trứng gà: 2 quả

Nấm hương

Mì trứng: 1 gói

Rau ăn kèm tùy sở thích: cải xanh, cải thìa, cải cúc...

Rau hẹ: 1 bó nhỏ.

Bước 2: Chế biến

Cách nấu nước dùng mì vằn thắn:

Trước tiên cần rửa sạch xương heo, chặt thành khúc rồi đem chần qua nước sôi 1-2 cho sạch bẩn. Đổ bỏ phần nước luộc đầu và rửa xương lại cho sạch bọt sau đó đổ lại vào nồi, thêm nước sao cho vừa lượng ăn của gia đình, đun tới sôi thì hạ lửa nhỏ lại. Lưu ý trong quá trình ninh xương bạn nên hớt bọt để nước dùng trong và thanh hơn.

Cách nấu mì vằn thắn ngon không kém ngoài hàng - Ảnh 4
Xương hầm lấy nước dùng nên chọn xương ống, nước dùng sẽ ngọt thanh hơn - Ảnh minh họa: Internet

Phần tôm khô rửa sạch, củ cải trắng rửa, gọt vỏ rồi cắt thành miếng tròn dày khoảng 0,5-1cm. Cho 2 nguyên liệu này vào nồi ninh cùng với hành khô, hành tây và để lửa nhỏ. Củ cải trắng vừa làm nước dùng trong, vừa tăng độ ngọt.

Thời gian hầm nước dùng rất lâu nên trong khi chờ nước dùng bạn có thể tranh thủ thực hiện các công đoạn khác.

Cách làm vằn thắn(sủi cảo)

Khâu làm vằn thắn là công đoạn rất quan trọng trong cách làm mì vằn thắn sủi cảo. Vì món ăn này cần thực hiện rất công phu nên bạn có thể mua vỏ vằn thắn làm sẵn ngoài chợ sẽ tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều.

Cách nấu mì vằn thắn ngon không kém ngoài hàng - Ảnh 5
Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể mua vỏ vằn thắn được làm sẵn ngoài chợ - Ảnh minh họa: Internet

Về phần nhân vằn thắn:

Trước tiên ta thái hạt lựu các nguyên liệu tôm, củ cải trắng, hành tây. Mộc nhĩ, nấm hương ngâm cho nở mềm rồi thái chỉ. Các gia vị tỏi, gừng, hành khô bóc vỏ bằm nhuyễn. Sau đó đem trộn tất cả nguyên liệu trên cùng gia vị gồm nước tương, dầu hào, dầu vừng, muối, tiêu. Tiến hành công đoạn gói vằn thắn, chú ý không nên cho quá nhiều nhân sẽ khó gói và dễ bị bục.

Có nhiều kiểu gói vằn thắn nhưng đơn giản nhất là gấp đôi miếng vỏ rồi miết phần mép nơi tiếp giáp với phần nhân thật kỹ cho dính lại rồi túm các mép bột để tạo hình lượn sóng.

Cách nấu mì vằn thắn ngon không kém ngoài hàng - Ảnh 6
Có nhiều cách tạo hình miếng vằn thắn, đơn giản nhất là tạo hình lượn sóng - Ảnh minh họa: Internet

Sau khi gói vằn thắn xong chúng ta bắt tay vào chiên hoặc luộc tùy theo sở thích của mỗi người:

Luộc: đun sôi một nồi nước lớn, thêm vào chút nước tương và dầu ăn rồi đun sôi. Nước vừa sôi cho vằn thắn vào luộc tới khi nổi lên tầm 1-2 phút. Không nên cho quá nhiều cùng lúc vì vằn thắn sẽ dễ bị dính vào nhau. Khi vớt vằn thắn ra nên thả vào tô nước lạnh thêm 1 phút sẽ giúp vỏ vằn thắn giòn ngon hơn.

Chiên: chọn loại chảo sâu lòng hoặc nồi nhỏ, đổ ngập dầu đun sôi rồi thả vằn thắn vào. Giữ lửa vừa, chiên tới khi miếng vằn thắn vàng đều là được.

Làm thịt xá xíu:

Rửa thịt thật sạch, thấm khô rồi cắt miếng thịt thành 2-3 phần.

Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi (trừ thịt) đun nhỏ lửa tới khi được một hỗn hợp đặc sánh thì tắt bếp để nguội. Ướp thịt với hỗn hợp vừa thu được trong vòng 1-2 tiếng cho thịt ngấm gia vị sau đó nướng thịt bằng lò ở 220 độ đến khi chín. Lấy miếng thịt ra để nguội rồi thái mỏng.

Nếu không có lò nướng bạn nên mua thịt xá xíu được chế biến sẵn. Như vậy sẽ giúp tiết kiệm thời gian chế biến hơn.

Cách nấu mì vằn thắn ngon không kém ngoài hàng - Ảnh 7
Thịt xá xíu là nguyên liệu không thể thiếu trong bát mì vằn thắn - Ảnh minh họa: Internet

Chế biến các nguyên liệu khác:

Trứng gà đem luộc chín, bóc vỏ và thái múi cau thành 4 hoặc 8 miếng. Gan heo nên ngâm sữa tươi trước khi chế biến 30 phút, vừa giúp khử độc vừa khử mùi hôi. Sau khi ngâm đem rửa thật sạch cho hết máu, luộc chín rồi thái mỏng. Tôm tươi luộc chín bóc vỏ. Rau cải làm sạch trụng qua nước sôi.

Mì trứng đem luộc vừa chín tới sau đó vớt ra xối qua nước lạnh giúp sợi mì dai hơn. Để sợi mì không bị dính vào nhau, bạn hãy trộn thêm 1 muỗng dầu ăn. Lá hẹ rửa sạch cắt khúc vừa ăn.

Bước 3: Trang trí và thưởng thức

Sau khi chế biến tất cả các thành phần của tô mì vằn thắn thì phần nước dùng cũng đã ninh xong. Ta đun sôi lại rồi nêm nếm cho vừa ăn. Xếp mì, thịt xá xíu, vằn thắn, gan, trứng, rau, lá hẹ vào tô rồi chan nước dùng đang sôi cho ngập tất cả. Thêm vài lát ớt và vài giọt chanh sẽ tăng thêm hương vị cho tô mì vằn thắn.

Cách nấu mì vằn thắn ngon không kém ngoài hàng - Ảnh 8
Xếp tất cả các nguyên liệu vào tô, chan nước dùng và thưởng thức - Ảnh minh họa: Internet

Nếu không muốn ăn cùng nước dùng, bạn có thể biến tấu một chút bằng cách làm mì vằn thắn trộn. Để làm mì vằn thắn trộn, tất cả nguyên liệu và cách chế biến tương tự như trên. Nhưng khi thưởng thức thay vì chan nước dùng thì ta thay bằng chút nước tương thêm vài lát ớt và trộn đều là ta đã có món mì vằn thắn khô cũng khá lạ miệng rồi.

Trên đây là cách nấu mì vằn thắn ngon không kém ngoài hàng, bạn có thể tham khảo để thêm vào thực đơn của ngày cuối tuần. Chúc bạn thực hiện thành công!

Biến tấu chả giò sushi thơm nức, cả nhà tròn mắt vì thấy vừa lạ vừa ngon

Chỉ vài phút đơn giản là bạn đã có ngay món ăn vừa lạ vừa quen này cho cả nhà thưởng thức rồi.

TIN MỚI NHẤT