9X Việt kiều chia sẻ 4 điều trước khi niềng răng

Katherine Trần từng chung sống với 'hàm răng sắt' suốt 3 năm và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình làm phụ tá cho nha sĩ tại Mỹ.

Niềng răng là một trong những phương pháp làm đẹp ngày một phổ biến. So với bộ nha xỉn màu, mọc lộn xộn thì một hàm răng trắng sáng, mọc đều tăm tắp chắc chắn sẽ giúp nâng tầm nhan sắc. Không chỉ giải quyết mặt thẩm mỹ, niềng răng còn giúp điều chỉnh tình trạng sai lệch khớp cắn, định hình chân răng... giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng tốt hơn.

Katherine Trần, 23 tuổi, định cư tại San Jose, California đã có những chia sẻ về chủ đề chỉnh nha nhận được sự quan tâm của nhiều người. Tiết lộ với Ngoisao.net, Katherine cho biết cô đang theo học điều dưỡng nha khoa và có 3 năm kinh nghiệm trong việc làm phụ tá cho một nha sĩ tại địa phương. Bản thân Katherine cũng là người từng đeo niềng răng suốt 3 năm và hiện vẫn sử dụng hàm duy trì để bảo vệ, giữ gìn răng sau khi chỉnh.

Sau khoảng một năm tháo niềng, Katherine đang sử dụng hàm duy trì để giữ răng sau khi chỉnh hình.

9X Việt kiều chia sẻ 4 điều trước khi niềng răng - Ảnh 1

Katherine sau khi tháo niềng răng và đang sử dụng hàm duy trì.

Thời gian niềng răng

Điều này sẽ phục thuộc vào tình trạng răng của từng người. Đối với tình trạng hô, móm vừa phải sẽ mất từ 2 năm rưỡi đến 3 năm. Trường hợp răng có khiếm khuyết phức tạp, thời gian niềng sẽ kéo dài khoảng 3 năm rưỡi đến 4 năm. "Nếu bạn bị móm, trước khi đeo niềng bác sĩ sẽ cấp cho bạn một thiết bị chuyên dụng để đeo vào mặt, nhằm đẩy bớt hàm dưới của bạn vào. Bạn có thể phải đeo vài tháng cho đến khi bác sĩ thấy được thì mới bắt đầu niềng cho bạn", Katherine cho biết.

Có phải nhổ răng trước khi niềng hay không?

"Câu trả lời là có. Nếu răng bạn không đủ chỗ để răng di chuyển, cũng có vài trường hợp như răng thưa thì sẽ không cần. Thông thường, bác sĩ sẽ nhổ 4 cái, 2 cái hàm trên và 2 cái hàm dưới để có chỗ trống kéo khít răng vào. Đó cũng là lý do niềng răng xong cấu trúc cơ mặt của bạn sẽ thay đổi".

Niềng răng có đau không?

Từng chung sống với 'hàm răng sắt' suốt 3 năm nên Katherine hiểu rõ hơn ai hết về cảm giác đau nhức, khó chịu khi có thêm vật lạ trong khoang miệng: "Có đau nhưng đau trong mức chịu đựng được. Khi mới đeo niềng cảm giác đầu tiên sẽ là khó chịu. Mình thấy như răng bị hô ra, mọc thêm một lớp răng nữa vậy, khó khép môi và hay bị vướng môi vào mắc cài sắt. Trong tuần đầu, do răng đang thích nghi với dụng cụ niềng nên rất đau. Lúc này bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc giảm đau. Sang tuần thứ 2, không còn đau nhiều và không thấy khó chịu nữa. Với bản thân mình thì sau 2 tháng là quen rồi. Mỗi tháng đều phải đi thay dây chun và siết răng chặt hơn, đây là lúc răng khít lại nên sẽ khá đau".

Katherine cũng cho biết trong kỹ thuật niềng răng thường có 3 kiểu dây chun với 2 cách cột khác nhau nhằm tránh tình trạng lệch hàm, tương ứng với từng tình trạng răng và giai đoạn niềng.

9X Việt kiều chia sẻ 4 điều trước khi niềng răng - Ảnh 2

Retainer giúp cố định hàm, hạn chế xô lệch răng sau khi chỉnh hình.

Khi nào được tháo niềng?

"Để xác định có tháo niềng hay không, bác sĩ sẽ dùng một que thẳng, đo từ giữa nhân trung xuống kẽ răng giữa 2 răng cửa hàm trên và 2 răng cửa hàm dưới. Nếu các điểm này tạo thành đường thẳng thì bạn sẽ được tháo niềng", Katherine khẳng định.

Một năm đầu sau khi tháo niềng sẽ phải đeo hàm duy trì 24/24 (tháo ra khi ăn) để tránh răng bị xô lệch. Sau một năm thì chỉ cần đeo trong lúc ngủ.

Cách chăm sóc răng niềng

Không nên ăn đồ cứng, nên cắt miếng nhỏ để ăn. Khi cắn mạnh mắc cài có thể bị tuột, thay mắc cài cũng giống thay dây mới, đồng nghĩa với việc quá trình niềng răng của bạn sẽ bị kéo dài thêm.

Nên đánh răng bằng bàn chải điện, dùng chỉ nha khoa, tăm nước... vì khi đeo niềng đồ ăn rất dễ bám. Nếu là răng bình thường thì 6 tháng cần đến nha khoa vệ sinh một lần nhưng khi đeo niềng cần vệ sinh định kỳ 3 tháng một lần.

Cô gái Việt kiều cũng đưa ra lời khuyên: "Quan trọng nhất là đừng tự ti khi đeo niềng răng, dù có bị ai nói gì đi chăng nữa thì hãy nhớ là bộ niềng đó tuy xấu xí nhưng sẽ giúp răng bạn đẹp cả đời. Bên này trẻ em răng mọc đủ là niềng ngay bởi để càng lớn sẽ càng khó chỉnh. Có nhiều người nhìn bên ngoài thấy răng khá đẹp nhưng phải chụp hình toàn bộ hàm mới thấy được chân răng mọc như nào. Niềng răng không những cải thiện mặt thẩm mỹ mà còn tốt cho răng sau này, chân răng thẳng thì răng mới vững khỏe được".

Bạn muốn sở hữu hàm răng trắng khỏe, hãy dừng ngay những thói quen xấu này

Men răng là chất bảo vệ mạnh nhất trong cơ thể chúng ta. Dù thế, nếu chúng ta không giữ gìn vệ sinh răng miệng đúng cách, tiếp tục duy trì thói quen xấu thì men răng sẽ bị bào mòn theo thời gian.