Lực lượng chức năng vừa phát hiện điểm nấu tái chế nhôm không đăng ký kinh doanh và không có hồ sơ về bảo vệ môi trường.
- Hải Dương: Phát hiện, thu giữ hơn 3.700 đồ ăn vặt giá rẻ cho học sinh, nghi nhập lậu từ Trung Quốc
- Nóng: Tiêu hủy 850.000 con tôm hùm giống nhập lậu, trị giá 34 tỉ đồng ở Khánh Hòa
Theo thông tin báo Pháp Luật TP.HCM, tối 24/5, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết Phòng An ninh kinh tế vừa phối hợp với Công an xã Thạnh Thới Thuận (huyện Trần Đề) kiểm tra, phát hiện một điểm nấu tái chế nhôm không có giấy phép hoạt động.
Cụ thể, qua công tác nắm tình hình, ngày 20/5, lực lượng Công an bất ngờ kiểm tra hộ ông TNA tại ấp Thạnh Nhãn 1 (xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề).
Thời điểm kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện tại đây có nhiều bao tải chứa phế liệu, như: IC nhôm, bã nhôm, giấy nhôm, bột nhôm… tổng khối lượng hơn 4,8 tấn. Ngoài ra, Công an còn phát hiện có 68 thanh nhôm được tái chế, tổng khối lượng khoảng 418kg.

Theo Công an tỉnh Sóc Trăng, các phế liệu, vật liệu trên đều chưa rõ nguồn gốc cũng như chủng loại. Ngoài ra, lực lượng Công an còn phát hiện tại địa điểm trên có một hố được xây dựng để nấu phế liệu và có phát sinh chất thải trong quá trình tái chế nhôm là tro, xỉ lò đốt.
Theo báo Lao Động, làm việc với cơ quan chức năng, ông A trình bày vào khoảng tháng 4.2025, ông được một người tên T, ngụ tại TP Hồ Chí Minh thuê để nấu và tái chế nhôm từ các loại phế liệu như bột nhôm, IC nhôm, bã nhôm... do ông T cung cấp. Sau khi nấu phôi nhôm thì ông T cho người chở nguyên liệu xuống nhà ông A và thu lại thành phẩm. Toàn bộ nguyên liệu đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Đến thời điểm hiện tại, số tiền công từ hoạt động gia công của ông A gần 23 triệu đồng. Điểm tự phát này do ông A trực tiếp điều hành, đồng thời thuê thêm 2 lao động để sản xuất nhưng không có giấy phép đăng ký kinh doanh và không có hồ sơ về bảo vệ môi trường.
Hiện vụ việc đang được bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.