Cảm động cặp vợ chồng nghèo không sinh con, dành hết tình thương cho 3 đứa cháu khuyết tật

Xã hội 29/10/2017 13:44

Trong cảnh nghèo, họ gặp gỡ và nên duyên chồng vợ. Cuộc sống khó khăn, bảy năm trôi qua, họ không muốn sinh con và dành hết tình yêu thương cho những đứa cháu kém may mắn.

Thấu cảm, nên duyên từ cảnh nghèo

Anh Nguyễn Văn Nhân (34 tuổi, Đức Phổ, Quảng Ngãi) sinh ra trong gia đình nghèo khó. Năm 2002, anh vào Sài Gòn kiếm sống, làm công nhân ở khu công nghiệp Tây Bắc.

Tại đây, anh đã gặp người vợ hiện tại, chị Đinh Thị Hồng Hạnh (39 tuổi, ngụ tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM). Chị cũng là công nhân trong khu công nghiệp. Cũng như anh, gia cảnh của chị Hạnh vô cùng khốn khó. Cha mất để lại mẹ già và 3 đứa cháu khuyết tật đang tuổi ăn học, chị Hạnh trở thành trụ cột chính trong gia đình.

Trong mắt anh Nhân, chị Hạnh là cô gái ngoan hiền, chịu thương, chịu khó. Những lần đến nhà chị Hạnh chơi, chứng kiến cuộc sống vô vàn khó khăn của gia đình người yêu, anh càng thấy xót xa. Khi cha chị mất, anh càng thấm thía hết nỗi đau, sự thiếu thốn mà chị Hạnh và mẹ già phải vượt qua để nuôi 3 đứa cháu nhỏ.

Cái nghèo đã khiến hai con người, hai số phận có sự đồng cảm sâu sắc với nhau. Anh mạnh dạn ngỏ lời cầu hôn chị để cùng kề vai san sẻ gánh nặng gia đình.

Cảm động cặp vợ chồng nghèo không sinh con, dành hết tình thương cho 3 đứa cháu khuyết tật - Ảnh 1
Ảnh cưới của anh Nhân và chị Hạnh - Ảnh: Internet

Năm 2010, anh Nhân và chị Hạnh tổ chức đám cưới. Bảy năm trôi qua, anh chị vẫn không có ý định sinh con. Tất cả tình yêu thương, anh chị dành hết cho 3 đứa cháu.

Dành hết yêu thương chăm cháu tật nguyền

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Gái (67 tuổi), mẹ đẻ chị Hạnh có tất cả 6 thành viên: Vợ chồng chị Hạnh, bà Gái và 3 đứa cháu.

Cảm động cặp vợ chồng nghèo không sinh con, dành hết tình thương cho 3 đứa cháu khuyết tật - Ảnh 2
Bà Gái, vợ chồng chị Hạnh và 3 đứa cháu - Ảnh: Internet

Năm 2001, vợ chồng người con thứ 5 của bà chia tay nhau, để lại 2 đứa con còn đỏ hỏn. Từ đó, vợ chồng bà và chị Hạnh – con gái út chung tay nuôi cháu. Bé lớn Đinh Chí Thoại (17 tuổi) bị teo chân, đi không vững. Bé nhỏ Đinh Khánh Duy (16 tuổi) chậm phát triển, nói không rõ tiếng. Cả hai em đều sinh thiếu tháng, chỉ nặng 1 kg khi vừa sinh ra.

Đứa cháu thứ 3 là Đinh Long Hồ, con đầu lòng của con trai cả. Hồ được 9 tháng, bà ngoại đã khuyên mẹ em bỏ đi chỉ vì em bị dị tật tay và chân. Không đành lòng, bà Gái mang cháu về nuôi.

Thoại đã học đến lớp 12 và học rất giỏi. Không được như anh mình, Duy học đến lớp 10 rồi xin nghỉ đi học nghề. Còn Hồ, dù đã 28 tuổi nhưng không nói, không đi lại được, chỉ quanh quẩn bên bà.

Thời điểm chồng bà Gái còn sống, ông và con gái út quần quật làm ngày làm đêm để có tiền trang trải cho cuộc sống của cả gia đình. Năm 2006 chồng mất, gia đình bà Gái lâm vào hoàn cảnh kiệt quệ, không đủ sức nuôi nổi 3 cháu.

Học phí của Thoại và Duy tuy không nhiều nhưng vẫn là gánh nặng của gia đình bà. Đồng lương công nhân ít ỏi của cô út không đủ trang trải cuộc sống. Có giấy báo tiền học là chị phải đi vay nóng để có tiền cho các cháu tiếp tục việc học.

Thương con gái, bà chia sẻ: "Từ khi còn là con gái mới lớn cho đến bây giờ, đã gần 40 tuổi, Hạnh chưa hề biết qua son phấn trang điểm, quần là áo lượt. Cả ngày con đi làm, về nhà chui vào bếp nấu nướng lo cho mẹ và các cháu".

May mắn thay, dù muộn nhưng con gái bà cũng tìm được bến đỗ. Bà có được người con rể hết lòng yêu vợ, chăm sóc bà và 3 cháu nhỏ. Biết vợ chồng con gái quyết định không sinh con vì thương cháu, lòng người mẹ già càng thấy xót xa.

Cảm động cặp vợ chồng nghèo không sinh con, dành hết tình thương cho 3 đứa cháu khuyết tật - Ảnh 3
Anh Nhân yêu thương và chăm sóc những đứa cháu như con - Ảnh: Internet

 "Tôi phải may mắn lắm mới có được thằng rể như Nhân. Con rể đã cứu gia đình tôi trong lúc tưởng chừng như bi đát nhất. Đôi lúc cũng muốn Nhân và Hạnh có một đứa con cho vui cửa vui nhà nhưng tôi không dám nói. Thôi để các con tự quyết định", bà Hạnh ngậm ngùi chia sẻ với PV Vietnamnet.

Hiện tại, anh Nhân đang làm việc tại cơ sở chuyên sản xuất than đá gần nhà. Ngày làm 1 buổi, thời gian còn lại anh chăm sóc cho 3 cháu. Thu nhập chính vẫn do chị Hạnh chạy đôn chạy đáo lo toan. Khi nhà không còn một đồng, chị lại lo đi vay mượn đóng học phí cho cháu, trang trải sinh hoạt phí hàng ngày. Cứ thế suốt 7 năm qua, số nợ đã lên đến vài chục triệu đồng.

TIN MỚI NHẤT