Cảnh báo: Gia tăng trẻ mắc viêm phổi M.pneumoniae, dễ nhầm lẫn với cảm cúm

Tin y tế 13/07/2023 10:16

Thời gian gần đây, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều ca mắc M.pneumoniae chiếm 30-40% số bệnh nhân viêm phổi phải nhập viện điều trị tại trung tâm.

Theo thông tin từ báo An ninh thủ đô,ThS.BS Đỗ Hoàng Hải, Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi ngày tại Trung tâm Hô hấp của Bệnh viện tiếp nhận từ 150-160 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó các ca nhiễm vi khuẩn Mycoplasma Pneumoniae chiếm khoảng 30%, đồng nghĩa là hàng ngày có khoảng 30-40 bệnh nhân nằm điều trị, đặc biệt là ở trẻ em.

Cảnh báo: Gia tăng trẻ mắc viêm phổi M.pneumoniae, dễ nhầm lẫn với cảm cúm - Ảnh 1
Điều trị bệnh nhân viêm phổi do M.pneumoniae tại Trung tâm Nhi khoa- BV Bạch Mai - Ảnh: Báo An ninh thủ đô

Bệnh phổ biến nhất ở trẻ trong độ tuổi đi học, nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Những trẻ sống và học tập trong môi trường đông đúc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Loại viêm phổi này còn được gọi là viêm phổi không điển hình bởi vì các triệu chứng của nó khác với các triệu chứng viêm phổi do vi khuẩn thông thường. Bệnh này có thể có biểu hiện nhẹ và có các triệu chứng không đặc hiệu.

Theo nguồn tin từ báo Sức khỏe & Đời sống, khi vi khuẩn Mycoplasma Pneumoniae xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 đến 3 tuần. Sau thời gian này, bệnh sẽ khởi phát và trải qua những triệu chứng: Ban đầu trẻ có những biểu hiện viêm long đường hô hấp: hắt hơi, sổ mũi, sốt. Trẻ em bị viêm phổi có thể bị sốt cao, sốt liên tục từ 39 đến 40 độ C. Ngoài ra trẻ còn ho nhiều, ho rũ rượi từng cơn, ho đi kèm khó thở, thở nhanh gấp gáp. Những trẻ lớn có thể có cảm giác đau ngực, đau đầu, đau cơ, cứng cơ…

Cảnh báo: Gia tăng trẻ mắc viêm phổi M.pneumoniae, dễ nhầm lẫn với cảm cúm - Ảnh 2
M.pneumoniae cũng là một trong những yếu tố khởi phát khò khè hoặc cơn hen ở trẻ - Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống

Đặc biệt, trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma có thể có biểu hiện những biến chứng ngoài phổi khác như có thể bị viêm kết mạc, nổi mày đay trên da, biến chứng tim mạch, biến chứng đường tiêu hoá, tiết niệu…

Điển hình, bệnh nhi L.D.T (10 tuổi, ở Thái Bình) được đưa đến Trung tâm Hô hấp trong tình trạng ho nhiều kèm sốt cao liên tục, đau ngực, khó thở, phát ban toàn thân đã điều trị tại bệnh viện tuyến dưới 9 ngày không đỡ. Sau khi nhập viện khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng, chụp X-Quang các bác sỹ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi thuỳ/tràn dịch màng phổi trái do Mycoplasma. Hiện tại sau hơn 10 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh táo, ăn tốt, không đau ngực, không khó thở và có thể ra viện trong một vài ngày tới.

Viêm phổi do vi khuẩn hay virus nói chung và viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae nói riêng con đường lây truyền tiếp xúc qua đường giọt bắn, cho đến nay chưa có vaccine phòng Mycoplasma.

Vì vậy, để đảm bảo dự phòng cho trẻ cha mẹ cần đảm bảo một số nguyên tắc như rửa tay bằng xà phòng, đảm bảo cho trẻ sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát, không tiếp xúc với những trẻ có những biểu hiện ho, sốt. Ngoài ra, phụ huynh cho trẻ có những chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Thức ăn có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, đảm bảo đầy đủ vitamin và khoáng chất.

Các bác sỹ khuyến cáo, phụ huynh nếu thấy trẻ có những biểu hiện như viêm long đường hô hấp, sốt cao, ho khó thở và đặc biệt là xảy ra ở những trẻ lớn từ 4-10 tuổi, thì nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và làm xét nghiệm chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Dịch tay chân miệng ở trẻ em đang ở tình trạng đáng báo động: Y bác sĩ nhớ lại những ngày xông pha tuyến đầu đại dịch 12 năm trước

Dịch tay chân miệng hiện đang diễn ra ở TP.HCM có nhiều nét tương đồng khiến các y bác sĩ nhớ về trận dịch 12 năm trước. Khi đó, EV71 cũng là tác nhân chính, bác sĩ trắng đêm chăm sóc hàng trăm trẻ. Có lúc, 100% ca tay chân miệng độ 4 đều tử vong.

TIN MỚI NHẤT