Hành động "trên cơ" của nàng dâu khi mẹ chồng tuyên bố "về ngoại ở cữ, để bên ấy lo" và bài học vỡ lòng của mọi cuộc hôn nhân: Không thủ thân là tự sát

Tâm sự gia đình 09/04/2021 06:08

Chuyện phân bổ tài chính trong gia đình, tưởng như rất đơn giản nhưng nếu không khéo léo có thể là mầm mống rạn vỡ. Chuyện vợ chồng đâu giản đơn là góp gạo thổi cơm chung, mà còn là có trách nhiệm với cuộc đời nhau.

01

Thủy và Cường mới kết hôn chưa đầy 1 năm. Có vợ rồi, Cường vẫn giữ nếp nộp lương hàng tháng cho mẹ như hồi độc thân. Mới đầu, Thủy cũng thắc mắc sao chồng không đưa tiền cho vợ quản lý. Cường bảo không muốn mẹ chạnh lòng, tủi thân nên vẫn để bà quán xuyến việc trong nhà: Đi chợ, mua sắm, điện nước, hiếu hỷ…

Tiền lương của Thủy, anh không đụng đến, để cho cô thoải mái chi tiêu. Thủy có bầu, anh đưa cô đi khám, mua thuốc bổ, thỉnh thoảng lại lén chuyển cho cô thêm một ít để mua thêm thức ăn vặt. Thủy không vui, nhưng thấy thế cũng tạm ổn.

Đang kỳ mặn nồng thì Cường phải công tác dài hạn ở cơ sở cách xa nhà 80km, còn Thủy thì vừa sinh con. Công việc bận rộn, công ty lại xa, 1 - 2 tuần Cường mới về nhà nên cũng không đỡ vợ được việc gì. Tháng đầu ở cữ, Thủy đã muốn "hóa điên" vì chuyện tiền nong.

Cường vẫn đưa tiền lương cho mẹ quản lý, liên tục gọi về dặn dò nhờ bà chăm sóc Thủy trong lúc yếu ớt, nấu nhiều món ngon để cô lại sức, có nhiều sữa cho con bú. Mẹ anh ừ ào thế nhưng lại có vẻ không vui. Bà cho Thủy ăn quanh quẩn mấy món canh rau, trứng luộc, thịt rang nghệ ngày này qua ngày nọ. Thủy mệt, không nuốt nổi, gợi ý bà nấu các loại cháo, đổi bữa thịt bò, thịt gà, tôm cá… thì bà nói chắc nịch: "Đang ở cữ không thể ăn cho sang miệng. Cũng phải cân đối chi tiêu nữa".

Hành động 'trên cơ' của nàng dâu khi mẹ chồng tuyên bố 'về ngoại ở cữ, để bên ấy lo' và bài học vỡ lòng của mọi cuộc hôn nhân: Không thủ thân là tự sát - Ảnh 1

Tranh minh họa

Khóc mấy bận, góp ý mãi với mẹ chồng không được, mấy hôm liền cô chụp ảnh mâm cơm cho Cường xem. Anh không nói gì, cứ lẳng lặng cuối tuần về nhà, tự tay đi chợ, nấu nướng đủ món ngon cho vợ, mua thêm cả bánh trái, hoa quả khô cho Thủy ăn vặt.

Và sau những cuối tuần đầy món ngon, ngày thường Thủy lại phải ăn đạm bạc vì mẹ chồng bảo "nhiều chất quá lại béo". Mua thịt gì, hoa quả gì bà cũng báo giá, nói bóng gió bảo thức ăn đắt đỏ, tăng giá. Được 1 tháng, Thủy ức quá liền nói: "Mẹ ơi, con nghỉ đẻ có tiền chế độ chứ không phải ăn bám chồng. Chồng con cũng gửi tiền nhờ mẹ nấu nướng, chăm sóc con chứ có bòn rút của nả của mẹ đâu". Bà tức quá, bảo Thủy hỗn láo, gọi điện thoại cho Cường làm ầm ĩ lên. Thấy tình hình căng, may sao vừa hết cữ, anh nhờ ông bà ngoại đến đón Thủy về ngoại ít hôm cho khuây khỏa.

02

Về ngoại, đương nhiên Thủy được cưng chiều, chuyện ăn uống, tiền nong không phải nghĩ ngợi gì. Bố mẹ Thủy chăm cô ăn ngày 5 bữa, làm hết mọi việc từ giặt giũ, bế giúp con đến dỗ bé ngủ ban đêm. Cả hai mẹ con Thủy đều ngủ được, tăng cân tốt. Ông bà ngoại cũng bàn với bà thông gia để hai mẹ con ở ngoại ít nhất 3 tháng hoặc đến khi Thủy đi làm lại.

Mọi chuyện đều ổn cho đến khi động đến chuyện tiền nong. Thủy đưa tiền thai sản của mình cho bố mẹ, nhưng ông bà nhất định không lấy, bảo cô để dành phòng thân, sau này con nhỏ còn nhiều thứ phải lo. Thủy tác động Cường, ý muốn cuối tuần về thăm vợ, anh gửi bố mẹ một khoản tiền, vừa để ông bà đỡ tốn kém, vừa để đẹp mặt, ý là chồng cô cũng biết quan tâm đến vợ con.

Thủy nói mấy lần, Cường cứ ấp úng bảo để anh tính, để anh xoay. Lúc về ngoại thăm Thủy, trông anh cũng có vẻ đăm chiêu, bối rối khi cô đề cập chuyện tiền nong. Thủy sinh nghi, cho rằng chồng xa vợ lâu ngày, có thể có bồ nhí bên ngoài. Trong khi anh ngủ, cô lén đọc điện thoại của chồng xem có gì bất thường không. Bồ nhí đâu không thấy, chỉ thấy tin nhắn của mẹ chồng: "Tháng này có gửi đủ tiền cho mẹ không đấy? Không gửi cho cái Thủy đâu nhé. Nó về ngoại, để trên đấy lo. Đưa nhiều nó lại tiêu vung lên, chả đâu vào đâu".

Giữa đêm, Thủy ôm gối khóc như mưa. Hóa ra mẹ chồng cô lại can thiệp quá sâu vào chuyện của hai vợ chồng như thế. Trước Thủy còn đi làm, đồng ra đồng vào, lại chưa có con nên cô không sát sao lắm. Giờ có con nhỏ, trăm thứ phải lo, lại đang nghỉ thai sản, mẹ chồng bắt Cường nộp hết thì chẳng khác nào Thủy là mẹ đơn thân, tự đẻ tự nuôi. Chồng có đưa cô đồng nào cũng là lén lút, giấu mẹ chồng mà đưa.

Hành động 'trên cơ' của nàng dâu khi mẹ chồng tuyên bố 'về ngoại ở cữ, để bên ấy lo' và bài học vỡ lòng của mọi cuộc hôn nhân: Không thủ thân là tự sát - Ảnh 2

Tranh minh họa

Thủy định bảo chồng, nếu anh cứ quấn mẹ thế thì đừng lấy vợ nữa, cứ ở vậy hai mẹ con với nhau, làm bao nhiêu về đưa hết cho mẹ cả đời. Cô định buông ra rất nhiều lời tổn thương sau đó nói chia tay nhưng nghĩ kỹ lại, Cường cũng không làm gì sai, trừ chuyện không cân đối tài chính giữa mẹ và vợ con.

Bình tĩnh lại, cô đã nói chuyện rất thẳng thắn với chồng. Hóa ra, có một bí mật về mẹ mà Cường chưa kể, đó là bố anh đã từng phụ rẫy mẹ khi anh còn rất nhỏ. Nhiều năm nuôi con một mình, bà vừa yêu thương vừa sợ... mất con trai. Khi con lấy vợ, sinh con, bà đã sợ mình bị "ra rìa". Quá khứ phải tần tảo ngược xuôi cũng khiến bà có phần căn ke, muốn kiểm soát tài chính của con trai.

03

Hiểu ra tất cả, Thủy bộc bạch với chồng: "Em không trách gì việc anh biếu tiền mẹ cả. Ai cũng chỉ có một mẹ, không nên tính toán với mẹ làm gì. Nhưng gia đình không phải chỉ có bố mẹ thôi. Mình là cha mẹ rồi, mình phải nuôi con mình chứ không thể trông đợi nhà ngoại hay nhà nội cấp đỡ.

Anh biếu tiền mẹ, anh không cần phải giấu em. Chăm sóc vợ con, đưa tiền nuôi con cũng không phải việc gì xấu xa mà phải giấu giếm mẹ. Tháng này anh cứ đưa tiền cho mẹ như đã hứa đi nhưng sau đó cần nói chuyện rõ ràng cho mẹ hiểu. Từ sau, anh để ra một khoản nào đó biếu mẹ hàng tháng cho bà vui, để dằn túi chi tiêu riêng, còn lại đưa em để quán xuyến gia đình, chợ búa. Em kiếm được tiền thì cũng biết cách tiêu tiền".

Nói rồi, Thủy đưa cho chồng một cọc tiền, nói anh trao tận tay ông bà ngoại gửi cơm nước trong mấy tháng.

Hành động 'trên cơ' của nàng dâu khi mẹ chồng tuyên bố 'về ngoại ở cữ, để bên ấy lo' và bài học vỡ lòng của mọi cuộc hôn nhân: Không thủ thân là tự sát - Ảnh 3

Tranh minh họa

Vậy đấy, bài học vỡ lòng của mọi cuộc hôn nhân, ấy là từ khi bắt đầu chung sống, cả hai phải rất rõ ràng về tài chính. Mỗi gia đình có cách phân định phần đóng góp khác nhau, nhưng kết hôn, ấy là để cùng nhau gánh vác, cùng chịu trách nhiệm cho gia đình chứ không phải là thân ai nấy lo.

Nếu cảm thấy không thoải mái, đặc biệt là vấn đề tiền nong, nên thẳng thắn trao đổi với nhau từ đầu, tránh xảy ra mâu thuẫn về nhau. Chuyện mớ rau, con cá, cái tuýp kem đánh răng, cuộn giấy vệ sinh... tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng có thể là "kẻ hủy diệt hôn nhân", nếu vợ chồng không xuôi thuận.

Phụ nữ cũng luôn cần có quỹ dự phòng, thủ thân tài chính để không rơi vào bị động. Phụ nữ lệ thuộc tài chính, khác nào "tự sát", chẳng những bí bách mà còn không có vị thế, tiếng nói cũng chẳng có trọng lượng. Tự chủ chẳng phải để "ngồi lên đầu chồng" hay vênh váo với ai. Tự chủ, ấy là để giữ cho mình thế cân bằng, để cùng chồng giải quyết chuyện nhà cho ấm êm mà thôi.

Hãy nhớ, đừng bao giờ đẩy chồng vào tình thế "chiến tranh" giữa mình và mẹ chồng. Điều đó chỉ khiến gia đình rạn nứt, tình cảm xuống cấp, vì về phe mẹ hay phe vợ thì đều dở như nhau.

Những biểu hiện mà ta thấy cay nghiệt, quá quắt từ mẹ chồng, rất có thể là bởi sự đáng thương ngầm ẩn bên trong. Yêu ai yêu cả đường đi, đã yêu chồng thì sẽ tìm được cách hiểu mẹ chồng. Mẹ chồng cũng vậy, yêu con trai bằng cả trái tim, thì đến một ngày sẽ rộng lòng đón thêm cả người phụ nữ anh ta chọn làm bạn đời nữa. Chỉ là, ta có đủ yêu thương để mở lòng hay không.

Phát hiện chiếc bút chì trong ngăn kéo của chồng sắp cưới, tôi bàng hoàng nhớ lại câu chuyện sốc óc hơn 20 năm trước

Trước giờ tôi cứ nghĩ những trường hợp éo le chỉ xảy ra ở trên phim, trong tưởng tượng hoặc hi hữu lắm mới dính phải. Song không ngờ chính bản thân tôi lại rơi vào một câu chuyện rối ren, đầy những khúc mắc, nguyên nhân xuất phát từ quá khứ.

TIN MỚI NHẤT