Thời điểm “vàng” để uống cà phê vừa tỉnh táo mà đêm không mất ngủ: Dân văn phòng mê đồ uống này chưa chắc đã biết

Sức khỏe 15/09/2023 02:05

Cà phê là một thức uống được nhiều người ưa chuộng. Thế nhưng không phải ai cũng biết nên uống cà phê vào thời điểm nào trong ngày là tốt nhất, cũng như uống lượng cà phê bao nhiêu là đủ.

Thời điểm tốt nhất trong ngày để uống cà phê

Nhiều người thường có thói quen vừa tỉnh giấc đã uống cà phê để tỉnh táo. Thế nhưng trên thực tế, đây không phải thời điểm thích hợp để cơ thể hấp thụ caffeine có trong đồ uống này. Andrew Huberman, nhà thần kinh học, giáo sư tại Trường Y thuộc Đại học Stanford (Mỹ) đưa ra lời khuyên nên đợi 90 đến 120 phút sau khi thức dậy mới nên uống tách cà phê đầu tiên trong ngày.

Vì thời điểm mới tỉnh giấc, nồng độ cortisol (hormone gây căng thẳng) trong cơ thể vẫn cao nên uống cà phê thời gian này không mang lại lợi ích sức khỏe. Thậm chí, caffeine có thể làm tăng nồng độ cortisol, làm gia tăng cảm giác bồn chồn, lo lắng.

Khoảng thời gian vàng được nhiều chuyên gia đánh giá là thời điểm thích hợp để uống cà phê là từ 9h30 đến 11h30 sáng, khi nồng độ cortisol bắt đầu giảm. Khi đó bạn sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ tác dụng kích thích thần kinh của cà phê. Bên cạnh đó, sau 1h chiều, mức cortisol lại giảm xuống, nếu bạn cảm thấy buồn ngủ vào khoảng thời gian này thì hãy uống một tách cà phê để lấy lại tinh thần và tăng sự tỉnh táo.

Thời điểm “vàng” để uống cà phê vừa tỉnh táo mà đêm không mất ngủ: Dân văn phòng mê đồ uống này chưa chắc đã biết - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo nhà dinh dưỡng học người Mỹ Michaela Claus, điều cần lưu ý tránh uống cà phê quá gần thời gian đi ngủ: "Nếu bạn khó ngủ, hãy dùng cà phê khoảng 12 tiếng trước khi đi ngủ. Nghĩa là nếu bạn muốn đi ngủ vào lúc 10 giờ tối, bạn nên uống cà phê trước 10 giờ sáng và không nạp thêm caffeine trong cả ngày còn lại".

Còn nếu bạn là người dễ đi vào giấc ngủ, Clauss khuyên bạn nên hạn chế sử dụng caffeine ít nhất 4 - 6 tiếng trước giờ ngủ. Bởi tác dụng kích thích của caffeine vẫn có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và khiến bạn khó ngủ hơn.

Đồng thời, chuyên gia người Mỹ cũng chỉ ra rằng thời điểm không nên uống cà phê nhất chính là khi đói bụng. "Uống cà phê khi bụng đói sẽ làm tăng các hormone gây căng thẳng trong cơ thể (cortisol và adrenaline), có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức và làm chậm quá trình trao đổi chất của bạn theo thời gian", nhà dinh dưỡng Michaela Claus chia sẻ.

Uống cà phê thế nào để lợi cho sức khỏe?

Cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như ngừa ung thư, kéo dài tuổi thọ được nhiều nghiên cứu chứng minh. ‏Vậy uống bao nhiêu cà phê là đủ?

Một nghiên cứu năm 2021 của Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ phát hiện caffeine có trong cà phê làm giảm nguy cơ mắc các bệnh sỏi thận lên tới 40% với người uống 1 - 1,5 cốc/ngày. Còn theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Phòng ngừa Tim mạch Châu Âu, uống 0,5 - 3 tách cà phê nguyên chất mỗi ngày rất tốt cho tim mạch.

Nhà dinh dưỡng Clauss cho biết: "Nghiên cứu chỉ ra rằng việc uống 2-3 tách cà phê mỗi ngày sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu nạp nhiều hơn 400mg caffeine, tương đương 4-5 tách cà phê mỗi ngày, có thể dẫn đến tác dụng phụ tiêu cực và nên tránh."

Thời điểm “vàng” để uống cà phê vừa tỉnh táo mà đêm không mất ngủ: Dân văn phòng mê đồ uống này chưa chắc đã biết - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cũng khuyến cáo người trưởng thành chỉ nên uống tối đa 4 ly cà phê một ngày. Với những người mắc các bệnh lý như vấn đề về tim mạch, huyết áp cao, rối loạn lo âu hoặc rối loạn tiêu hóa, có thể nhạy cảm hơn với tác dụng của caffeine. Nhóm người này phải tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiêu thụ caffeine.

Điều đáng chú ý là caffeine không chỉ được tìm thấy trong cà phê mà còn có trong các nguồn khác như trà, nước tăng lực, nước ngọt và socola. Vậy nên bạn cần xem xét tổng lượng caffeine từ tất cả các nguồn thực phẩm sử dụng hàng ngày để tránh nạp quá nhiều caffeine vào cơ thể.

Dù được chứng minh có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng loại cà phê phổ biến mọi người thường uống là cà phê hòa tan hoặc những loại cà phê chứa nhiều đường, kem, bột sữa,... có hàm lượng calo cao, gây tăng cân, béo phì, thậm chí là tiểu đường. Vậy nên các bác sĩ luôn khuyên mọi người nên uống cà phê nguyên chất và hạn chế đường, sữa nhất có thể.

Tiến sĩ Anh tiết lộ kiểu uống cà phê khiến đường huyết tăng vọt

Tiến sĩ Michael Mosley, Anh cho biết đây là thói quen uống cà phê của nhiều người nhưng có thể làm tăng đường huyết.

TIN MỚI NHẤT