Ngày càng nhiều người xem video ở tốc độ gấp đôi để tiết kiệm thời gian, nhưng thói quen này có thể âm thầm làm thay đổi cách não bộ xử lý thông tin, nhất là ở người lớn tuổi.
Xem video trên mạng với tốc độ nhanh gấp rưỡi hay gấp đôi đã trở thành thói quen phổ biến.
Từ TikTok, YouTube cho đến các khóa học trực tuyến, việc tua nhanh để “tiêu thụ” nội dung nhanh hơn giúp chúng ta tiết kiệm đáng kể thời gian.
Nhưng chính thói quen này đang tác động lên não bộ theo những cách mà không phải ai cũng nhận ra.
Một nhóm nhà khoa học quốc tế mới đây đã tổng hợp 24 nghiên cứu, trong đó họ chia người tham gia thành hai nhóm: một nhóm xem video ở tốc độ thường, nhóm còn lại xem cùng video ở các tốc độ nhanh hơn như 1.25x, 1.5x, 2x và 2.5x.
Kết quả cho thấy, ở mức 1.5x, khả năng ghi nhớ thông tin không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng khi đạt tới 2x, trí nhớ bắt đầu bị suy giảm rõ rệt.

Nhà nghiên cứu khoa học nhận thức Marcus Pearce (Đại học Queen Mary London) giải thích: “Thông tin mới được lưu tạm thời trong một hệ thống gọi là trí nhớ làm việc. Hệ thống này giúp kết hợp, xử lý và chuẩn bị thông tin để chuyển vào trí nhớ dài hạn. Nhưng nó chỉ xử lý được một lượng nhất định tại một thời điểm. Quá nhiều cùng lúc sẽ gây quá tải nhận thức và mất mát thông tin”.
Nói cách khác, việc “ép” não tiếp nhận nội dung quá nhanh không khác gì bắt nó làm việc quá tải, lâu ngày có thể ảnh hưởng đến khả năng học hỏi và nhớ lâu.
Các chuyên gia khuyến nghị, nếu buộc phải xem nhanh, chỉ nên duy trì ở mức 1.25x đến 1.5x, nhất là với những chủ đề mới hay phức tạp.
Điều đáng nói, nghiên cứu còn phát hiện tốc độ tiêu thụ nội dung nhanh không chỉ ảnh hưởng người trẻ đang phát triển não bộ, mà còn có tác động lớn hơn ở người lớn tuổi.
Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy người từ 61 đến 94 tuổi giảm đến 31% khả năng hiểu khi xem ở tốc độ chỉ 1.5x. Trong khi đó, nhóm 18 đến 36 tuổi vẫn duy trì hơn 90% khả năng hiểu ở tốc độ 2x.
Điều này đặt ra câu hỏi phải chăng não người trẻ vốn dẻo dai hơn, hay do họ đã quen với việc “luyện” xem nhanh từ lâu?
Tiếc là các nghiên cứu hiện tại cho thấy phần lớn thuộc về yếu tố tuổi tác. Não người trẻ linh hoạt hơn nên dễ thích nghi, còn người lớn tuổi tuy vẫn có thể tập luyện để cải thiện, nhưng thường tốn nhiều thời gian và dễ chạm trần sớm.
Vậy chúng ta nhận được điều gì từ những phát hiện này?
Trước hết, tốc độ cao không phải lúc nào cũng tốt. Nếu muốn não bộ tiếp thu thông tin hiệu quả và lâu bền, hãy cho nó đủ thời gian xử lý. Đối với người lớn tuổi, nếu muốn thử tập xem nhanh, cần có lộ trình từ từ với các bài kiểm tra ghi nhớ xen kẽ để tránh quá tải.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng thưởng thức nội dung ở tốc độ bình thường không chỉ giúp chúng ta hiểu kỹ hơn mà còn làm trải nghiệm giải trí trọn vẹn hơn.
Thậm chí, khi Netflix đưa ra tính năng xem nhanh vào năm 2019, họ đã bị chỉ trích khá nhiều vì “giết chết” niềm vui xem phim như lời mỉa mai: Thế thì còn gì là Netflix và chill?

Câu chuyện này phản ánh một xu hướng xã hội đáng chú ý, đó là con người ngày càng chạy đua với thời gian, muốn nắm bắt nhiều thứ hơn trong khoảng thời gian ít hơn.
Nhưng có lẽ, cái giá phải trả chính là chất lượng của việc học hỏi, ghi nhớ và cả sự tận hưởng.
Đôi khi, chậm lại một chút sẽ cho ta nhiều giá trị hơn.