ĐBQH đề xuất làm rõ đất tín ngưỡng và đất thương mại dịch vụ

Nhà đất 30/05/2019 11:44

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, tình trạng lờ đi các dự án thu hồi đất, xây dựng các công trình văn hóa tâm linh để khai thác quỹ đất lập lờ, chưa tách bạch rõ ràng giữa đất tín ngưỡng tôn giáo và đất thương mại dịch vụ là vấn đề cần làm rõ để tránh lãng phí tài nguyên đất, đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Phát biểu tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị ngày 27/5 vừa qua, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch quản lý đất đai đã đi vào nề nếp, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được các địa phương thực hiện tốt…

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án về quy hoạch chuyên ngành còn chậm, thiếu đồng bộ, kết nối bên trong và bên ngoài các dự án phát triển nhà ở, dịch vụ, thương mại không đáp ứng được nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Nhà cao tầng tại các đô thị lớn phát triển nhanh gây quá tải, tăng dân số cơ học, ách tắc giao thông; công viên, khu vui chơi giải trí, bãi đậu xe bị lấn chiếm, thu hẹp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Đặc biệt, tình trạng lờ đi các dự án thu hồi đất, xây dựng các công trình văn hóa tâm linh để khai thác quỹ đất lập lờ, chưa tách bạch rõ ràng giữa đất và tín ngưỡng tôn giáo và đất thương mại dịch vụ là vấn đề cần làm rõ để tránh lãng phí tài nguyên đất, đảm bảo hiệu quả kinh tế.

ĐBQH đề xuất làm rõ đất tín ngưỡng và đất thương mại dịch vụ - Ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Ngoài ra, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, vẫn còn tình trạng không thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đóng thầu dự án có sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc đấu thầu hình thức như đã chọn nhà đầu tư, đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý cho đấu thầu, các nhà đầu tư khác muốn tham gia đấu thầu nhưng hồ sơ chưa chuẩn bị kịp sẽ bị loại, chỉ còn nhà đầu tư đã chọn. Hình thức này đã và đang hình thành trong thời gian qua.

Việc cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thương mại, dịch vụ sang đất đô thị không đảm bảo thủ tục và cơ sở pháp lý, cho phép điều chỉnh mục đích sử dụng đất, rừng phòng hộ không đúng thẩm quyền,… cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài đối với đất thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh không đúng quy định, lợi dụng quy hoạch để đầu cơ kinh doanh đất đai đẩy giá lên cao, lợi dụng quy định cho nợ tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, lúa, đất cây lâu năm lên đất thổ để hưởng lợi 2%/năm cho việc trả nợ sớm đang tồn tại kéo dài.

Đặc biệt, việc xác định giá đất cụ thể còn vướng mắc trong áp dụng các phương pháp giá đất còn sai sót, không phù hợp quy định, giá đất xác định không phù hợp giá thị trường gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách.

ĐBQH đề xuất làm rõ đất tín ngưỡng và đất thương mại dịch vụ - Ảnh 2

Vừa qua, những khu chùa có quy mô nghìn ha đã làm “dậy sóng” dư luận. 

 Trên cơ sở bất cập và thuận lợi thời gian tới, đại biểu Phạm Văn Hòa mong Quốc hội và Chính phủ quan tâm một số vấn đề như: Thực hiện nghiêm, công khai, minh bạch việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án kinh tế xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất có cơ chế phân bổ đất đai trong quy hoạch, đảm bảo hài hòa đất ở, đất giao thông, đất công cộng, khu vui chơi giải trí, đất quốc phòng an ninh, đất hoạt động thể dục thể thao, cho giáo dục, cho y tế. 

Quản lý chặt chẽ, điều chỉnh quy hoạch để không tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số đô thị, đảm bảo cây xanh công viên, bãi đậu xe, các hạ tầng kỹ thuật khác, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai thông qua chính sách thuế bất động sản theo hướng người sử dụng diện tích đất nhiều nhà ở, nhiều đất, đất bỏ hoang, đất đã giao, đất cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, xây dựng phải chịu mức thuế cao phù hợp với thị trường, phòng ngừa lợi dụng chính sách đất đai để nâng giá bất động sản.

Xác định cơ chế giá đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai theo hướng minh bạch. Việc xác định giá đất và kiến trúc các tài sản gắn liền với đất cần được sự đồng thuận của các bên có liên quan, nhất là người dân trong vùng dự án, thuận mua vừa bán, đảm bảo khách quan, minh bạch, mọi sự ép giá theo ý muốn chủ quan sẽ gây ra mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có.

Chỉ đạo các địa phương cương quyết thu hồi đất đối với những dự án triển khai chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch treo. Rà soát các dự án kém hiệu quả hay hiệu quả thấp được bố trí trên các khu đất vàng để kêu gọi nhà đầu tư nhằm phát huy tối đa công năng lợi thế của bất động sản về đất đai.

Khi thẩm định cấp phép thực hiện các dự án về nhà ở, đất ở, cân nhắc thận trọng các dự án nào được xây dựng nhà để bán, dự án nào được phân lô nền bán nhằm tránh tình trạng nhà đầu cơ mua nền chờ giá lên để bán, không xây nhà làm ảnh hưởng sự phát triển về mỹ quan đô thị. Hạn chế tối đa xây dựng nhà cao tầng ở các đô thị lớn, khu dân cư dày đặc.

Hà Nội: Hàng loạt dự án “thất lạc” chủ đầu tư, ai chịu trách nhiệm?

Sau khi có chứng nhận đầu tư, được giao đất, các chủ đầu tư không liên hệ để tiến hành các thủ tục triển khai dự án. Nhiều khu “đất vàng” trở thành bãi rác, ruộng rau, các công trình sử dụng sai mục đích…