Tập trung truy quét, kiểm tra mỹ phẩm quảng cáo trên mạng xã hội, không rõ nguồn gốc

Đời sống 17/05/2025 13:53

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) gần đây liên tục thông báo thu hồi, đình chỉ lưu hành trên toàn quốc nhiều lô sản phẩm mỹ phẩm do mẫu kiểm nghiệm không đạt chất lượng hoặc kết quả không phù hợp với nhãn ghi trên bao bì.

Theo thông tin từ VietNamNet: Bộ Y tế nhận định gần đây, qua hậu kiểm và phản ánh từ người tiêu dùng, báo chí, tình trạng kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực mỹ phẩm diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo Bộ Y tế, điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của ngành mỹ phẩm trong nước.

Trong văn bản vừa được Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, Bộ Y tế đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, tập trung vào 3 nhóm: Sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được công bố theo quy định; Mỹ phẩm quảng cáo sai sự thật, ghi nhãn không đúng quy định; Hoạt động kinh doanh trực tuyến, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương hậu kiểm thường xuyên sản phẩm mỹ phẩm đã lưu thông trên thị trường, thông qua việc lấy mẫu kiểm nghiệm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người tiêu dùng.

UBND cấp tỉnh các địa phương được đề nghị chỉ đạo ngành Y tế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng: Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Thuế, Ban Chỉ đạo 389 địa phương phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán mỹ phẩm giả, không đạt chất lượng; Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Văn bản của Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương rà soát quy định nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý của cơ quan liên quan và chính quyền địa phương đối với hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) gần đây liên tục thông báo thu hồi, đình chỉ lưu hành trên toàn quốc nhiều lô sản phẩm mỹ phẩm do mẫu kiểm nghiệm không đạt chất lượng hoặc kết quả không phù hợp với nhãn ghi trên bao bì.

Tập trung truy quét, kiểm tra mỹ phẩm quảng cáo trên mạng xã hội, không rõ nguồn gốc - Ảnh 1
Sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body - hộp 1 tuýp 100 gram bị yêu cầu thu hồi - Ảnh: Báo Người Lao Động

Theo thông tin từ báo Người Lao Động: Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body - hộp 1 tuýp 100 gram. Đây là sản phẩm kem chống nắng cho da.

Trên nhãn ghi số tiếp nhận PCB: 779/24/CBMP-ĐN; số lô: 0010125; NSX: 060125; HD: 050127. Sản phẩm này do Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group (địa chỉ: tầng lửng cao ốc Đại Thanh Bình, số 911-913-915-917 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5, TP HCM) tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Công ty TNHH EBC Group (địa chỉ đường số 6, KCN Giang Điền, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) sản xuất.

Kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM thực hiện cho thấy chỉ số chống nắng trên nhãn (SPF 50) không phù hợp với kết quả kiểm nghiệm chỉ số chống nắng của mẫu thử (SPF là 2,4).

Theo phiếu công bố sản phẩm do Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cấp cho sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki Sunscreen Body, sản phẩm công dụng "bảo vệ da chống nắng, dưỡng da và làm trắng da toàn thân", không ghi thông tin có chỉ số chống nắng SPF là 50 như trên nhãn sản phẩm lưu thông.

Chuyên gia cho biết SPF là chỉ số đo khả năng chống tia UVB- loại tia gây hại cho da.

Vì thế, Cục Quản lý dược đề nghị ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm. Các địa phương tiến hành thu hồi lô sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Hãi hùng cảnh bên trong cơ sở sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả ở Bắc Giang: Choáng với nguyên liệu, công cụ, vỏ chai lọ không rõ nguồn gốc

Từ cuối năm 2024 đến nay, Khánh đã bán trót lọt trên 100.000 đơn hàng khắp cả nước, doanh thu trên 6 tỉ đồng. 

TIN MỚI NHẤT