Phi công kể giây phút sinh tử khi máy bay quân sự rơi ở Quảng Nam: 'Trong đầu tôi lúc đó thoáng nghĩ là mình có thể hy sinh'

Đời sống 12/01/2024 13:07

Liên quan đến vụ tai nạn máy bay quân sự tại tỉnh Quảng Nam, phi công Đức vẫn nhớ như in về chuyến bay định mệnh, đã đặt bản thân anh đứng giữa lằn ranh sinh - tử.

Theo thông tin từ VTC News, Đại úy Đỗ Tiến Đức chia sẻ, chuyến bay hôm 9/1 do anh điều khiển là chuyến sát hạch đường dài. Sau khi thực hiện nhiệm vụ công kích xong, chỉ huy bay lệnh cho anh đình chỉ nhiệm vụ để về sân bay hạ cánh. Tuy nhiên, trong lúc thực hiện lệnh thì vòng quay bị treo, phi công không thể tăng hay giảm được nên vòng quay bị treo cố định. Khi xác định không thể hạ cánh trên đường băng, phi công đã điều khiển hướng máy bay sang phía Tây không có dân cư. Lúc này, chỉ huy bay lệnh cho anh giữ tốt trạng thái và nhảy dù.

"Trong đầu tôi lúc đó thoáng qua ý nghĩ là mình có thể hy sinh. Nhưng chỉ là suy nghĩ thoáng qua thôi vì sau đó tôi đã bình tĩnh lại. Tôi đã cố gắng đưa máy bay tới độ cao thấp nhất có thể, tốc độ nhỏ nhất có thể, tránh xa khu dân cư để làm sao tránh thiệt hại cho người dân" - Đại úy Đức chia sẻ khoảnh khắc máy bay sắp rơi.

Phi công kể giây phút sinh tử khi máy bay quân sự rơi ở Quảng Nam: 'Trong đầu tôi lúc đó thoáng nghĩ là mình có thể hy sinh' - Ảnh 1
Đại úy Đỗ Tiến Đức (Phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn Không quân tiêm kích bom 929, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân) - Ảnh: VietNam+

Theo thông tin từ VietNam+, Đại úy Đỗ Tiến Đức quan sát nhanh phía trước mặt là khu dân cư đông đúc, bên tay trái có nhiều đồng ruộng và ít dân cư hơn, lúc này, độ cao và tốc độ máy bay đã giảm dần. Chỉ huy bay lệnh cho anh đưa máy bay ra khỏi khu vực đông dân cư nên anh chỉnh hướng máy bay về phía bên trái.

Vừa liên tục báo cáo và kiểm tra các tham số, Đại úy Đức vừa cố gắng giữ máy bay cho độ cao, tốc độ giảm dần nhằm hạn chế tối đa mức va chạm của máy bay với mặt đất, tránh làm văng những mảnh vỡ khi tiếp đất.

Khi gần tới giới hạn cuối cùng về độ cao và tốc độ cho việc nhảy dù, anh Đức quyết định nhảy dù. Tất cả sự việc xảy ra trong vòng chưa tới 30 giây, nếu nhảy dù chậm vài giây có thể nguy hiểm đến tính mạng phi công. Là một phi công có 15 năm kinh nghiệm nhưng khi nghĩ lại tình huống vừa qua, Đại úy Đỗ Tiến Đức vẫn nhận định là rất nguy hiểm.

Một điều nữa khiến anh rất cảm động là ngay sau khi vừa tiếp đất, còn hơi choáng, một bà cụ chạy ra ân cần hỏi thăm anh có bị thương không. Sau khi kiểm tra, không có thương tích bà cụ mới yên tâm. Điện Bàn, Quảng Nam vốn là vùng chiến khu cách mạng nên người dân địa phương luôn dành những tình cảm đặc biệt cho người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Phi công kể giây phút sinh tử khi máy bay quân sự rơi ở Quảng Nam: 'Trong đầu tôi lúc đó thoáng nghĩ là mình có thể hy sinh' - Ảnh 2
Khoảnh khắc phi công Đỗ Tiến Đức bung dù thoát khỏi máy bay - Ảnh: VTC News

Ngoài ra, Thượng tá Lê Tuấn Nghĩa (Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích bom 929, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân), trước khi xảy ra sự cố, chỉ huy bay đã nhắc phi công bình tĩnh kiểm tra tham số động cơ và các hệ thống liên quan.

Sau khi nắm đầy đủ các tham số, chỉ huy bay giúp đỡ phi công thực hiện bước xử lý tình huống bất trắc theo đúng quy định của sổ tay phi công.

Khi phi công thực hiện đầy đủ các bước nhưng vẫn không hồi phục được trạng thái làm việc của động cơ và các hệ thống, chỉ huy bay lệnh cho phi công hướng về khu vực trống trải, không có dân cư rồi làm động tác nhảy dù. Việc này nhằm tránh thiệt hại cho người dân.

Thượng tá Lê Tuấn Nghĩa cũng cho biết sau khi vụ việc xảy ra, Trung đoàn phối hợp với các lực lượng quân sự, chính quyền địa phương để phong tỏa hiện trường. Đồng thời, đơn vị động viên, nắm bắt các thiệt hại của người dân làm cơ sở xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả. Đến nay, công tác khắc phục thực hiện cơ bản tốt, đơn vị đang sửa chữa lại nhà dân bị ảnh hưởng.

Vụ rơi máy bay quân sự ở Quảng Nam: Hỗ trợ người bị thương, sửa chữa nhà dân bị hư hỏng

Sáng 11/1, ông Nguyễn Đức Công – Chủ tịch UBND phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết, sau sự cố rơi máy bay Su-22, lực lượng chức năng đến nhà dân ghi nhận thiệt hại, khắc phục hậu quả.

TIN MỚI NHẤT