Cô giáo môn Âm nhạc tự ý sửa kết quả học tập của học sinh bị điều chuyển công tác

Đời sống 01/09/2023 00:16

Động thái này của nhà chức trách diễn ra sau hai ngày phụ huynh tụ tập trước cổng trường, treo băng rôn, phản đối cô B.T. giảng dạy tại trường.

Theo thông tin từ báo Người Lao Động, ngày 31/8, ông Đỗ Việt Hưng, Chủ tịch UBND TP Pleiku, tỉnh Gia Lai đã ký quyết định chuyển công tác bà N.Đ.B.T, giáo viên âm nhạc trường Tiểu học Cù Chính Lan đến nhận công tác tại Trường Tiểu học Lê Lai.        

Thời gian bà B.T đến nhận công tác tại Trường Tiểu học Lê Lai bắt đầu từ ngày 5/9/2023.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan có trách nhiệm chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà B.T, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lai có trách nhiệm ký hợp đồng với bà B.T theo quy định. Lương và các khoản phụ cấp của bà B.T sẽ được tiếp tục chi trả theo quy định của nhà nước.

Vào cuối năm học 2022-2023, bà B.T bị phụ huynh học sinh phản ánh thiếu tích cực trong giảng dạy, không khách quan trong đánh giá chất lượng học sinh.

Phòng GD-ĐT TP Pleiku kiểm tra và có thông báo Kết luận số 11/TB-PGDĐT (Kết luận số 11), trong đó kết luận bà B.T. có nhiều hạn chế, khuyết điểm như không lập sổ ghi chép, theo dõi sự tiến bộ của học sinh; không có kế hoạch giúp đỡ, bồi dưỡng học sinh; tự ý sửa kết quả học tập của các học sinh nhưng không báo cáo, không có sự đồng ý của hiệu trưởng nhà trường…

Cô giáo môn Âm nhạc tự ý sửa kết quả học tập của học sinh bị điều chuyển công tác - Ảnh 1
Băng rôn phản đối bà B.T tiếp tục giảng dạy được treo trước cổng trường Tiểu học Cù Chính Lan hôm 29/8 - Ảnh: Báo Người Lao Động

Ngoài ra, khi phụ huynh học sinh có phản ứng (thông qua mạng xã hội) thì bà B.T. đã đăng thông tin đáp trả có những lời lẽ, ngôn ngữ phản cảm, không đúng với chuẩn mực đạo đức nhà giáo.

Do bà B.T đang khiếu nại kết luận trên, hiện chưa hết thời gian giải quyết nên Phòng GD-ĐT chưa báo cáo kết quả kiểm điểm, xử lý làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Vào hôm 29/8, trước cổng Trường Tiểu học Cù Chính Lan xuất hiện băng rôn ghi dòng chữ "Phụ huynh trường Tiểu học Cù Chính Lan, TP Pleiku – Gia Lai phản đối cô N.Đ.T.B.T. tiếp tục dạy môn âm nhạc...".

Sau đó, chính quyền địa phương đã cử lực lượng công an, bảo vệ dân phố xuống bảo vệ an ninh trật tự, tháo dỡ băng rôn trước cổng trường.

Liên quan đến vụ việc, theo thông tin từ VnExpress, bà B.T. là cô giáo dạy môn Âm nhạc duy nhất cho gần 800 học sinh của trường Tiểu học Cù Chính Lan. Cuối tháng 5, nhiều phụ huynh kéo đến trường Tiểu học Cù Chính Lan, gửi đơn kiến nghị, cho rằng bà B.T. thiếu tích cực trong giảng dạy, truyền đạt kém khiến học sinh không cảm nhận được nội dung bài học. Ngoài ra, việc kiểm tra, đánh giá thiếu khách quan, gây ức chế cho học sinh.

Năm học vừa qua, 9 học sinh bị đánh giá chưa hoàn thành môn Âm nhạc. Các năm trước, con số này là 10-15 em. Các em phải học lại vào dịp hè, rồi tùy theo kết quả rèn luyện, trường sẽ quyết định có cho lên lớp hay không. Kết quả, 8 em được lên lớp, một em bị đúp.

Cô giáo môn Âm nhạc tự ý sửa kết quả học tập của học sinh bị điều chuyển công tác - Ảnh 2
Nhiều phụ huynh đến trường Tiểu học Cù Chính Lan kiến nghị về việc con mình bị rớt môn Âm nhạc, hôm 29/5 - Ảnh: VnExpress

Ngày 10/6, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku kết luận bà B.T. có giáo án đầy đủ, không cắt xén chương trình. Tuy nhiên, nữ giáo viên không có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ học sinh hoàn thành môn học. Chất lượng môn Âm nhạc tại một số lớp không đạt chỉ tiêu cam kết.

Ngoài ra, trong hai năm, bà B.T. sửa chữa kết quả học tập của 75 học sinh (nâng lên, hạ xuống và sửa nhận xét). Trong đó, một số em được nâng điểm hoặc hạ điểm nhiều lần. Riêng học kỳ II, năm học 2022-2023, cô chỉnh sửa 80 lượt kết quả của 58 học sinh, không báo cáo hiệu trưởng.

Khi bị phụ huynh phản ứng, nữ giáo viên đáp trả qua mạng xã hội với lời lẽ phản cảm, không đúng chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Do đó, cơ quan này kiến nghị nhà trường kiểm điểm bà B.T. và khắc phục các vấn đề được nêu.

Bà B.T. sau đó thừa nhận việc chỉnh sửa nhưng cho rằng do rà soát lại sổ theo dõi để đúng với kết quả thực tế, đánh giá theo hướng vì sự tiến bộ của học sinh và động viên, khích lệ các em trong môn học. Vì vậy, cô không đồng ý với kết luận trên.

Hiện việc đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo Thông tư 27 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông qua quan sát, đánh giá sản phẩm, vấn đáp, viết..., giáo viên sẽ đánh giá sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh, theo bốn mức: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.

Với môn Âm nhạc, chương trình tập trung hình thành và phát triển năng lực cho học sinh ở ba khía cạnh: Thể hiện, Cảm thụ và Ứng dụng.

Cụ thể, ở lớp 1, học sinh bước đầu biết hát một mình và hát cùng người khác, thể hiện đúng giai điệu và lời ca, diễn tả được sắc thái và tình cảm của bài hát; đọc nhạc đúng tên nốt, đọc đúng cao độ và trường độ, biết chơi nhạc cụ. Ngoài ra, các em bước đầu biết mô phỏng, tái hiện một số âm thanh quen thuộc; cảm nhận được vẻ đẹp của một tác phẩm âm nhạc cùng nhiều yêu cầu khác.

Vụ học sinh bị đánh rớt môn Âm nhạc ở Gia Lai: Cô giáo tự ý sửa kết quả của 75 em

Phòng GD-ĐT TP Pleiku cho biết cô Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân – giáo viên môn Âm nhạc Trường Tiểu học Cù Chính Lan đã tự ý sửa chữa kết quả học tập của 75 học sinh ở các lớp. Đặc biệt, giáo viên này đã có lời lẽ, ngôn ngữ phản cảm, không đúng chuẩn mực đạo đức nhà giáo.

TIN MỚI NHẤT