Thời điểm bé biết ngồi và cách luyện tập ngồi cho bé không để ảnh hưởng đến cột sống

Chăm sóc con 30/01/2020 17:25

Làm bố mẹ ai cũng muốn con mình nhanh nhẹn, khoẻ mạnh. Một trong những kỹ năng quan trọng của con đó là biết ngồi rất được bố mẹ mong chờ. Vậy mấy tháng bé biết ngồi? Hãy cùng tìm hiểu để có những hỗ trợ cần thiết cho con.

Trẻ mấy tháng biết ngồi?

Mấy tháng bé biết ngồi là câu hỏi được nhiều bậc phụ huynh quan tâm vì đây là cột mốc quan trọng của con. Bé ngồi vững có thể cùng mẹ chơi một số trò chơi thú vị hơn và việc ăn dặm của trẻ cũng dễ dàng hơn.

Thời điểm bé biết ngồi và cách luyện tập ngồi cho bé không để ảnh hưởng đến cột sống - Ảnh 1
Ngồi là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của bé, vậy mẹ có biết mấy tháng bé biết ngồi? - Ảnh minh họa: Internet

Theo các bác sĩ chuyên khoa, điều kiện để một em bé có thể ngồi vững chính là phần đầu và cơ cổ của bé phải mạnh mẽ và cứng cáp hơn. Những cơ bắp này bắt đầu phát triển dần dần khi bé mới sinh ra và mẹ có thể tăng cường chức năng của các cơ bắp bằng cách giúp nâng đầu bé dậy mỗi khi cho bé nằm sấp.

Thông thường trẻ sơ sinh tự lẫy từ 3 – 4 tháng tuổi và chuyển sang biết chống tay và tự ngồi dậy trong khoảng 4 – 7 tháng tuổi. Vào khoảng thời gian này, dù chưa ngồi được vững nhưng nếu con có chỗ tựa và cảm thấy thoải mái, không đổ xiên vẹo hay đung đưa cổ thì vẫn có thể là bé đang đạt đúng tiến trình phát triển kỹ năng thể chất của mình.

Như vậy, nếu mẹ thắc mắc mấy tháng cho bé tập ngồi thì câu trả lời là mẹ có thể dạy cho bé tập ngồi từ khi bé được 4 tháng tuổi. Hầu hết các bé đều có thể ngồi vững, không cần hỗ trợ khi được 8 tháng tuổi. Song song với kỹ năng ngồi là kỹ năng bò, 2 kỹ năng này sẽ phát triển song song cho đến khi trẻ học cách đứng dậy và bước đi.

Thời điểm bé biết ngồi và cách luyện tập ngồi cho bé không để ảnh hưởng đến cột sống - Ảnh 2
Hầu hết các bé đều có thể tự ngồi vững mà không cần sự hỗ trợ từ bố mẹ khi được 8 tháng tuổi - Ảnh minh họa: Internet

Mỗi đứa trẻ là mỗi cá nhân khác biệt, do đó tiến trình phát triển là không giống nhau. Nếu bạn thấy những đứa trẻ khác biết ngồi sớm trong khi con của mình chậm hơn thì cũng đừng quá lo lắng.

Chỉ khi cha mẹ quan sát con có những dấu hiệu sau kể từ tháng thứ 7 thì rất có khả năng con bị chậm phát triển thể chất, cần đưa con đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và phương pháp điều trị phù hợp:

Con không thể ngồi vững, đầu lắc lư nghiêng ngả mặc dù có điểm tựa hoặc nâng đỡ phía sau lưng

Bé không ngẩng cao đầu, ít khi với tay ra lấy đồ vật xung quanh. Nếu đưa đồ chơi trước mặt trẻ, con không có phản ứng cầm thì đây là dấu hiệu cảnh báo con cần được đi khám càng sớm càng tốt.

Tập ngồi cho trẻ như thế nào?

Ngồi được xem là cột mốc quan trọng của trẻ sơ sinh, khi biết ngồi bé sẽ có cái nhìn rộng lớn hơn về thế giới xung quanh, kích thích trí tò mò và khám phá của trẻ.

Bên cạnh đó, khi đã biết ngồi bé có thể chồm người về phía trước, hai tay chống lên tạo điều kiện cho bước phát triển tiếp theo là tập bò rồi đến tập đứng và cuối cùng là chập chững bước đi.

Ngoài ra, theo các chuyên gia khi bé đã ngồi vững cũng là giai đoạn tập cho bé ăn dặm.

Thời điểm bé biết ngồi và cách luyện tập ngồi cho bé không để ảnh hưởng đến cột sống - Ảnh 3
Khi bé biết ngồi sẽ tạo điều kiện cho bé tập kỹ năng bò, tập đứng và chập chững tập đi - Ảnh minh họa: Internet

Mọi đứa trẻ đều sẽ tự biết ngồi theo quy luật phát triển tự nhiên. Tuy nhiên, để giúp trẻ phát triển tốt nhất, bố mẹ có thể tạo thêm nhiều cơ hội để trẻ tập ngồi thành công.

Vì vậy, các mẹ hãy thường xuyên luyện tập cho bé các bài tập vận động để con sớm cứng cổ, biết chống tay và tự ngồi dậy khi bước vào tháng thứ 5 – 7. Sau đây là ba cách mà mẹ có thể cùng bé luyện tập:

Tập cho bé nằm sấp

Khi con ra ngoài 3 tháng, bố mẹ hãy để con nằm chơi trên thảm chơi có độ dày vừa phải. Sau đó, đặt con nằm ngửa rồi dùng đồ chơi có âm thanh, màu sắc rung lắc trái, rung lắc phải để con quay người sang và lật mình.

Thời điểm bé biết ngồi và cách luyện tập ngồi cho bé không để ảnh hưởng đến cột sống - Ảnh 4
Mẹ có thể tập cho bé lẫy khi con được hơn 3 tháng tuổi để xương con cứng cáp hơn - Ảnh minh họa: Internet

Tập cho bé vươn cổ

Khi bé đã có thể lật và nằm sấp, mẹ hãy chuẩn bị đồ chơi như lục lạc, bóng có chuông kêu, giơ lên trước mặt bé và nâng dần từ thấp tới cao để bé ngẩng lên nhìn. Đưa đồ chơi ở nhiều vị trí khác nhau để giúp con cử động cổ linh hoạt.

Tập cho bé ngồi dựa và cầm nắm

Khi bé được 4 tháng tuổi: Đặt bé ngồi trong lòng mẹ, lưng cách xa thân mẹ một chút. Mẹ dùng tay vòng qua eo để giữ bé con được vững vàng. Một tay cầm đồ chơi giơ trước mặt con để con ngẩng đầu cố gắng cầm nắm.

Khi bé được 5 tháng tuổi trở đi: Mẹ đặt bé ngồi dựa vào vật tựa hoặc đùi của mẹ. Tay mẹ vẫn phải luôn ở tư thế đỡ phía sau để con không bị lật ngửa. Dùng đồ chơi lắc trước mặt con để con với tay lấy. Mở rộng không gian ngồi cho con bằng cách di chuyển đồ chơi ra xa hơn. 

Thời điểm bé biết ngồi và cách luyện tập ngồi cho bé không để ảnh hưởng đến cột sống - Ảnh 5
Khi mới bắt đầu tập cho bé ngồi, mẹ tuyệt đối chú ý đến an toàn xung quanh để không làm trẻ bị thương - Ảnh minh họa: Internet

Không nên giúp đỡ bé hoàn toàn mà hãy để bé tự dựa vào sức mình. Mẹ hãy đặt những chiếc gối mềm xung quanh. Khi bé ngã không có ai đỡ dậy bé phải tự mình sử dụng các cơ để có thể ngồi vững. Đây là một phản xạ tự vệ rất bản năng mà bất cử trẻ nào cũng có.

Những lưu ý khi tập ngồi cho bé

Sau khi đã biết mấy tháng bé biết ngồi, mẹ sẽ rất nóng lòng để dạy cho con chóng thành thạo ngồi và quay đầu. Nhưng do xương của trẻ còn rất non nớt và dễ bị tổn thương nên mẹ cần phải lưu ý những điểm dưới đây:

Luôn luôn theo sát để hỗ trợ cho bé, tránh trường hợp để bé bị té ngã.

Dùng gối, mền hay lót thảm mềm để hỗ trợ bé tập ngồi, cho dù có ngã cũng không ảnh hưởng đến an toàn cũng như sức khỏe bé.

Trong quá trình trẻ tập ngồi, bố mẹ nên đảm bảo khu vực xung quanh được an toàn, tránh mọi mối nguy hiểm, chẳng hạn như : ổ cắm điện, dao kéo, vật liệu độc hại, đồ chơi quá nhỏ,…Vì trẻ có thể với tay ra để chạm vào chúng.

Ngay cả khi bé đã có thể ngồi vững, mẹ cũng không nên cho bé ngồi trên ghế xe hơi. Nếu cần di chuyển bằng xe hơi, mẹ nên dùng ghế ngồi dành riêng cho bé.

Thời điểm bé biết ngồi và cách luyện tập ngồi cho bé không để ảnh hưởng đến cột sống - Ảnh 6
Chỉ khi trẻ có dấu hiệu tập ngồi thì bố mẹ mới nên tập ngồi cho trẻ, tập quá sớm có thể gây ảnh hưởng đến hệ xương của con - Ảnh minh họa: Internet

 Trong quá trình tập ngồi, mẹ không nên để bé dựa hoàn toàn vào sản phẩm hỗ trợ tập ngồi. Những sản phẩm sẽ làm bé trở nên “lười” hơn vì không cần phải nổ lực nhiều mà vẫn có thể ngồi được.

Trẻ em được đặt ngồi quá sớm hoặc trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất nói chung. Do đó, tốt nhất, bố mẹ nên để trẻ phát triển một cách tự nhiên hoặc chỉ khi có dấu hiệu tập ngồi, bố mẹ mới nên tập ngồi cho bé.

Như vậy, với câu hỏi mấy tháng bé biết ngồi thì đa số các bé đều có thể tự ngồi vững vào thời điểm 8 tháng tuổi. Mỗi bé có tốc độ phát triển khác nhau có thể sớm và cũng có thể muộn vì thế mẹ không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu như bé 4 tháng tuổi vẫn không thể ngẩng đầu lên hay sang tháng thứ 9 vẫn không thể ngồi, mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ để được tư vấn thêm.

Nguyên nhân và cách điều trị khi trẻ sơ sinh không đi ngoài 2 ngày

Bố mẹ nào mới chăm sóc trẻ sơ sinh và theo dõi những diễn tiến sức khỏe của trẻ chắc hẳn sẽ rất hốt hoảng khi thấy trẻ sơ sinh không đi ngoài 2 ngày. Vậy đây có phải là dấu hiệu trẻ có vấn đề về sức khỏe?

TIN MỚI NHẤT