Bác sĩ BV Nhi Đồng 1 hướng dẫn mẹ cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng nước sôi

Chăm sóc con 15/01/2018 17:25

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), mẹ chỉ cần xối nước lạnh lên người trẻ để làm dịu cơn bỏng rát khi trẻ bị bỏng nước sôi.

Rất nhiều bà mẹ vẫn thường áp dụng các phương pháp dân gian để sơ cứu khi trẻ bị bỏng nước sôi, từ việc sử dụng mỡ trăn, bôi kem đánh răng đến đổ nước mắm vào người trẻ. Tuy nhiên, những cách sơ cứu này chẳng những không làm dịu đi cơn bỏng rát trên người trẻ mà còn khiến các vết thương bị ảnh hưởng trầm trọng hơn.

Vì vậy, mẹ cần nắm rõ cách sơ cứu ban đầu khi trẻ bị bỏng nước sôi.

Bác sĩ BV Nhi Đồng 1 hướng dẫn mẹ cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng nước sôi - Ảnh 1
Cách sơ cứu ban đầu khi trẻ bị bỏng nước sôi vô cùng quan trọng - Ảnh minh họa: Internet

Cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng nước sôi

Không chỉ luôn hết lòng cứu chữa các bệnh nhi, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) còn tự mình lập ra trang mạng xã hội "Hỏi bác sĩ nhi đồng" để giải đáp thắc mắc cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ.

Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, bác sĩ Khanh cho biết: “Khi trẻ bị bỏng nước sôi, mẹ phải nhanh chóng làm giảm nhiệt độ vết thương của trẻ. Cách nhanh nhất để giảm nhiệt độ vết thương tại chỗ là xối nước lạnh và không cần áp dụng bất kỳ phương pháp dân gian nào”.

Bác sĩ BV Nhi Đồng 1 hướng dẫn mẹ cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng nước sôi - Ảnh 2
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng

Các bước sơ cứu khi trẻ bị bỏng nước sôi:

Bước 1: Mẹ xối thật nhiều nước lạnh trực tiếp lên các vết bỏng trên cơ thể trẻ để vết thương nhanh chóng thoát nhiệt.

Bước 2: Nếu nước sôi đổ trực tiếp lên áo, quần của trẻ, mẹ cần lầp tức cởi ra. Nhiệt độ cao do nước sôi gây ra sẽ theo trang phục thoát ra ngoài, trẻ sẽ bớt cảm giác bỏng rát.

Lưu ý, ngoài thuốc đặc trị bỏng, chị em tuyệt đối không được bôi bất cứ sản phẩm nào lên người trẻ (kem đánh răng, nước mắm, vôi…). Các chất này sẽ khiến vết bỏng trên người trẻ bị nhiễm trùng và lâu lành hơn.

Nhiều người vẫn thường sử dụng mỡ trăn có sẵn để bôi lên vết bỏng. Việc làm này cũng không cần thiết. Không gì công hiệu bằng nước lạnh xối trực tiếp lên vết bỏng của bé” – Bác sĩ Khanh chia sẻ.

Sau khi thực hiện sơ cứu ban đầu, mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ tiến hành kiểm tra tình trạng vết thương.

Phòng tránh tai nạn bỏng nước sôi ở trẻ

Trẻ em luôn thích khám phá thế giới xung quanh, nhất là tìm tòi, táy máy các đồ đạc trong tầm với. Nếu không cẩn trọng, trẻ có thể vơ lấy tô canh nóng, bình thủy nước sôi hay cho tay vào ấm đun siêu tốc. Hoặc thậm chí trẻ có thể té ngã vào nồi nước nóng như trường hợp tai nạn thương tâm của bé trai 4 tuổi tại Nghệ An cách đây một tuần.

Bác sĩ BV Nhi Đồng 1 hướng dẫn mẹ cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng nước sôi - Ảnh 3
Bé Phan Ngọc Gia Bảo (4 tuổi, Nghệ An) bị bỏng 80% khi ngã vào nồi nước sôi - Ảnh: Facebook

Để tránh các tai nạn bỏng nước sôi xảy ra với trẻ em, các bậc cha mẹ cần chú ý:

- Luôn quan sát mọi hoạt động của trẻ khi vui chơi trong nhà và ngoài trời. Mẹ hãy đảm bảo trẻ luôn nằm trong tầm mắt, tránh các tai nạn bỏng nước sôi đáng tiếc có thể xảy ra.

- Để các vật dụng nguy hiểm xa tầm với của trẻ (tô canh nóng, bình thủy, ấm đun siêu tốc…) và nhắc nhở trẻ không nên tự ý đụng tay vào các đồ vật này.

Phòng, trị bệnh thường gặp ở trẻ em trong mùa đông xuân

Các bệnh viêm mũi, viêm họng, viêm amiđan, viêm tai giữa... thường xảy ra với các trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Các triệu chứng thông thường là sốt (hoặc không sốt), chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, nhiều đờm.

TIN MỚI NHẤT