Giải mã hiện tượng hỏng thai liên tiếp không rõ nguyên nhân

Yêu - Hôn nhân 27/06/2023 09:12

Theo các chuyên gia y tế, có tới 50% các trường hợp hỏng thai nhiều lần không xác định được nguyên nhân do thai phụ không mắc bệnh hay có bất thường ở cơ thể.

Đáng tiếc là trong thực tế, không ít thai phụ và người thân lại chủ quan, coi nhẹ tác động của yếu tố tâm lý đối với sự an toàn của thai kì. Hệ lụy là những bi kịch hỏng thai vẫn tiếp diễn và có thể bị vô sinh vĩnh viễn.

Ám ảnh nặng nề

Lần đầu mang thai, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến ngày chào đón con yêu ra đời nhưng Mai Phương (Đông Hưng, Thái Bình) lặng người khi vào viện siêu âm nhận kết quả thai đã bị chết lưu, phải tiến hành thủ thuật bỏ thai ngay nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng của mẹ.

Cô bàng hoàng, đau đớn, không tin nổi sự thật phũ phàng bởi thời gian mang thai cô hoàn toàn khỏe mạnh, không bị ốm nghén và những lần siêu âm, kiểm tra trước đó bác sĩ bảo em bé phát triển tốt.

Nguyên nhân dẫn tới sự cố thai nghén không xác định được khiến Mai Phương càng thêm hoang mang, chán nản. Mấy tháng ròng cô vùi mình trong phòng, cứ đêm xuống lại thẫn thờ ngồi mân mê chiếc nôi và những bộ quần áo từng tự tay cô chọn mua cho con.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, khi hỏng thai, màng trong cửa tử cung bị tổn thương, cân bằng cơ thể bị phá vỡ, tử cung và các cơ quan khác cần có thời gian để hồi phục. Vậy nên hơn một năm sau, Mai Phương mới mang thai trở lại.

Ám ảnh mất đứa con đầu lòng khiến lúc nào cô cũng có cảm giác bồn chồn, bất an. Phần vì bận công việc, phần vì vô tâm nên Tiến - chồng Mai Phương không chú ý tới tâm trạng của vợ để kịp thời có biện pháp hóa giải. Thậm chí khi Mai Phương bộc bạch, giãi bày tâm tư, Tiến còn thờ ơ bỏ ngoài tai hoặc lạnh lùng chép miệng bảo: “Không sao đâu. Quên chuyện đó đi. Em cứ tự làm khổ mình làm gì”…

Giải mã hiện tượng hỏng thai liên tiếp không rõ nguyên nhân - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Chồng không lắng nghe, bạn bè thì chẳng dám chia sẻ vì sợ phiền phức, nỗi nơm nớp lo sợ cứ tích tụ trong lòng Mai Phương ngày một nhiều thêm khiến cô ăn chẳng ngon miệng. Nhiều đêm đang ngủ say, Mai Phương bỗng giật mình thảng thốt, người mướt mát mồ hôi. Khoảnh khắc đón nhận tin buồn mất con cứ hiện hữu tâm trí, dày vò cô khổ sở. Kết cục, cô bị đau bụng, ra huyết bất thường, phải nhập viện điều trị. Nằm trên giường bệnh, mắt Mai Phương lúc nào cũng đỏ hoe. Cô âm thầm cầu mong điều khủng khiếp nhất đừng xảy đến. Vậy nhưng, một lần nữa Mai Phương lại bị hỏng thai. Và cũng như lần trước, bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Nếu như lần đầu Mai Phương được mẹ chồng cảm thông, tất tả từ quê lên chăm sóc, động viên… thì lần này thái độ hoàn toàn ngược lại. Ngồi nói chuyện với người khác ngoài hàng lang bệnh viện, bà cố ý nói to như để Mai Phương ở trong phòng nghe thấy: “Người ta tổ chức cưới hỏi cho con sau thì giờ đã có cháu bế bồng cả rồi, còn nhà này thì vô phúc. Tôi mang thai 4 đứa con, lần nào cũng làm quần quật tới tận lúc đẻ mà có sao đâu. Giờ nhàn hạ, ăn uống đầy đủ, sung sướng mà có mỗi việc giữ đứa con trong bụng cũng không làm nổi. Thật là vô tích sự!”.

Nàng dâu chưa xuất viện bà đã tức tối bỏ về quê. Từ đó, chẳng còn cảnh hàng tháng bà lặn lội quãng đường cả trăm cây số, đùm giúm mang lên nào gạo, nào rau xanh vườn nhà, gà ta, hoa quả sạch… để nàng dâu bồi bổ sức khỏe, sớm sinh cháu đích tôn cho ông bà.

Dịp lễ tết, giỗ chạp, vợ chồng Mai Phương về thăm thì bà mặt nặng mày nhẹ, bóng gió chì trích, mỉa mai nàng dâu là “thứ nợ đời”, là “gánh nặng” của gia đình bà và ngầm tuyên bố Tiến là con trai duy nhất của trưởng họ, có trách nhiệm “nối dõi tông đường” nên không bao giờ bà chấp nhận bi kịch “tuyệt tự”. Cách hành xử của mẹ chồng trở thành áp lực nặng nề đối với Mai Phương.

Căng thẳng, mệt mỏi kéo dài khiến Mai Phương bị rối loạn kinh nguyệt, không còn hứng thú ái ân cùng chồng. Phải nhờ tới sự can thiệp của bác sĩ sản khoa, một thời gian sau, cô mới có thai trở lại. Lần mang thai thứ ba, Mai Phương xin nghỉ việc, ở nhà tĩnh dưỡng. Không chỉ đi lại nhẹ nhàng, cẩn thận, chọn những thực phẩm bổ dưỡng cho thai phụ, kiêng đồ nóng, đồ có chất kích thích mà ngay cả chuyện tế nhị “gần chồng” cô cũng né tránh, để giữ an toàn cho em bé. Mai Phương còn cẩn thận nhờ cậy một bác sĩ theo dõi và khám thai định kì.

Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa vậy mà thai nhi bước sang tuần thứ 13, Mai Phương lại bị sảy. Lần này không chỉ mẹ chồng chẳng ngó ngàng tới mà cả Tiến cũng không giấu nổi sự hụt hẫng, thất vọng. Thay vì túc trực ở bên cạnh lúc vợ buồn chán, đau đớn, Tiến lại bỏ đi uống rượu cùng bạn bè. Thui thủi trong bệnh viện, Mai Phương suy sụp, dày vò mình vô dụng và mặc cảm tự ti vì không làm tròn thiên chức của một người vợ, người mẹ. Quá bế tắc, tuyệt vọng, cô còn tiêu cực nghĩ tới chuyện ly hôn như một sự giải thoát cho cả hai vợ chồng.

Hệ lụy khủng khiếp

Qua thăm khám và khai thác tiền sử bệnh tình của Mai Phương, bác sĩ kết luận cô bị sảy thai liên tiếp dù giữ gìn, kiêng khem chu đáo là do yếu tố tâm lý. Việc hỏng thai nhiều lần khiến Mai Phương căng thẳng, lo lắng thái quá. Đã vậy cô lại chịu thêm những tác động tiêu cực từ người thân khi họ phiến diện quy kết việc hỏng thai do lỗi hoàn toàn từ người phụ nữ. Bác sĩ còn cảnh báo, nếu không vượt qua được những ám ảnh buồn đau, không có sự đồng cảm, hỗ trợ từ gia đình thì khả năng có con của Mai Phương càng trở nên khó khăn, nan giải, thậm chí cô còn đối diện với nguy cơ vô sinh vĩnh viễn - hệ lụy của những lần hỏng thai liên tiếp.

Giải mã hiện tượng hỏng thai liên tiếp không rõ nguyên nhân - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Theo các bác sĩ sản khoa có thâm niên thì “khi bị căng thẳng, stress, thai phụ dễ bị tăng huyết áp, gây tiền sản giật hoặc sản giật, từ đó dẫn tới nguy cơ hỏng thai”. Nhiều nghiên cứu y khoa cũng chỉ ra rằng, nếu bị stress trong thời kì mang thai sẽ ảnh hưởng khá lớn đến nồng độ nội tiết của người mẹ, dẫn đến giảm dưỡng chất được cung cấp cho thai qua nhau thai, gây nguy cơ sảy thai. Ngay cả với thai phụ may mắn không bị sảy thai nhưng nếu stress kéo dài cũng dễ dẫn đến tình trạng đẻ non hoặc sinh con mắc các dị tật bẩm sinh.

Để phòng tránh hỏng thai, chị em chỉ nên có bầu lại khi tinh thần và sức khỏe đã ổn định. Khi có thai, ngoài chế độ ăn uống đủ chất, hợp lý, yếu tố tinh thần và chế độ sinh hoạt đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ thai, nên tạo môi trường sống thoải mái, dễ chịu và hướng thai phụ tới những điều vui vẻ, lạc quan. Sự quan tâm, động viên của những người thân trong gia đình, đặc biệt là bạn đời có ý nghĩa rất lớn, giúp thai phụ nguôi ngoai nỗi buồn “để mất con” những lần trước đó.

Đối với những trường hợp sảy thai liên tiếp, chuyên gia tâm lý khuyên không nên quá bi quan, tuyệt vọng bởi y học hiện đại ngày nay hoàn toàn có thể can thiệp để giữ thai. Giải tỏa một số ngộ nhận của chị em, bác sĩ sản khoa khẳng định không bao giờ có chuyện hỏng thai liên tiếp do sự không dung nạp lẫn nhau giữa hai vợ chồng.

Hiện tượng bất hòa hợp về yếu tố Rhesus không gây hỏng thai liên tiếp, chỉ xảy ra vào cuối thai kì nghén và ngày nay đã được kiểm soát. Việc để tuột cơ hội làm mẹ là tổn thương, mất mát rất lớn đối với phụ nữ.

Vượt qua được nỗi dày vò, ám ảnh ấy là điều không dễ dàng, nhất là đối với chị em bản tính vốn yếu đuối, bi lụy. Bởi vậy sự thấu hiểu, sát cánh của đức lang quân luôn được xem là liều thuốc hữu hiệu, xoa dịu những đau đớn, giúp chị em mạnh mẽ, tự tin. Hạnh phúc sẽ trọn vẹn khi có sự cố gắng, nỗ lực của cả hai vợ chồng.

Dùng thuốc tránh thai có làm giảm ham muốn “chuyện ấy”?

Thuốc tránh thai được coi là biện pháp an toàn, ngừa mang thai ngoài ý muốn được nhiều chị em lựa chọn. Thế nhưng một số ý kiến cho rằng việc uống thuốc tránh thai sẽ làm giảm ham muốn tình dục ở nữ giới.

TIN MỚI NHẤT