Rong huyết là gì và điều trị như thế nào?

Sức khỏe 06/04/2020 16:27

Nhiều chị em ở độ tuổi sinh sản phải đối mặt với vấn đề rong huyết trong thời gian dài. Vậy rong huyết là gì và điều trị như thế nào?

Nội dung bài viết

Rong huyết ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản cũng như thể trạng nói chung của chị em phụ nữ. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy tham khảo nội dung trong bài viết dưới đây để biết được rong huyết là gì và điều trị như thế nào.

Rong huyet la gi 1
Rong huyết là gì và điều trị như thế nào? - Ảnh minh họa: Internet

Rong huyết là gì?

Rong huyết là bệnh gì là một câu hỏi được rất nhiều chị em trong quan tâm đến. Theo thuật ngữ y học, rong huyết (hay rong kinh) là hiện tượng chảy máu nhiều và kéo dài bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Khi bị rong kinh, bạn sẽ bị mất máu nhiều và chuột rút thường xuyên, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động bình thường. 

Một kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài từ 3 đến 5 ngày, lượng máu mất đi khoảng 50ml đến 80ml. Còn bị rong huyết, kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài trên 7 ngày và lượng máu mất đi nhiều hơn 80ml. 

Rong huyet la gi 2
Rong huyết thường kéo dài trên 7 ngày và mất đi lượng máu trên 80ml – Ảnh minh họa: Internet

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rong huyết?

  • Lượng máu kinh ra quá nhiều gây tràn băng, bạn phải thay băng vệ sinh sau mỗi giờ đồng hồ.
  • Bạn cần phải sử dụng nhiều biện pháp khác vì dòng chảy của kinh nguyệt nhiều.
  • Thường xuyên dậy thay băng vệ sinh trong đêm do bị tràn băng.
  • Kỳ kinh kéo dài >7 ngày
  • Có nhiều cục máu đông
  • Có các triệu chứng thiếu máu như mệt mỏi, khó thở hoặc hụt hơi.
Rong huyet la gi 3
Rong huyết khiến bạn phải thay băng vệ sinh mỗi giờ - Ảnh minh họa: Internet

Rong huyết có nguy hiểm không?

Thiếu máu

Chảy máu quá nhiều và kéo dài có thể gây thiếu máu do giảm số lượng hồng cầu lưu thông. Số lượng tế bào hồng cầu lưu thông được đo bằng huyết sắc tố - một loại protein cho phép các tế bào hồng cầu mang oxy đến các mô.

Thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi cơ thể cố gắng bù đắp các tế bào hồng cầu bị mất thông qua việc sử dụng sắt để tạo ra nhiều huyết sắc tố. Rong huyết có thể khiến cho lượng sắt bị suy giảm và dẫn đến nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.

Cho dù bạn có bổ sung sắt cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống, tuy nhiên do mất nhiều máu trong chu kỳ kinh nguyệt nên việc bổ sung lượng sắt cho cơ thể thường không đủ.

Đau bụng kinh dữ dội. 

Rong huyết thường đi kèm với đau bụng kinh và chuột rút. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày.

Rong huyet la gi 4
Rong huyết thường đi kèm đau bụng kinh dữ dội - Ảnh minh họa: Internet

Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và giảm khả năng thụ thai

Không phải cứ bị rong huyết là sẽ bị vô sinh hiếm muộn. Tuy nhiên do kỳ kinh kéo dài là biểu hiện của một số vấn đề tiềm ẩn ở sức khỏe sinh sản, do vậy thường cơ hội mang thai sẽ bị giảm đi.

Nguyên nhân gây rong huyết

Mất cân bằng hóc môn

Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, sự cân bằng giữa estrogen và progesterone điều chỉnh việc hình thành niêm mạc tử cung và bong ra trong kỳ kinh nguyệt. Nếu mất cân bằng, nội mạc tử cung sẽ phát triển quá mức và cuối cùng bị bong ra gây chảy máu kinh nguyệt nặng. Một số nguyên nhân gây mất cân bằng hormone như hội chứng buồng trứng đa nang, béo phì, kháng insulin, rối loạn chức năng tuyến giáp,v.v.

Ngoài ra, rối loạn chức năng buồng trứng cũng là một nguyên nhân gây rong kinh. Khi buồng trứng không giải phóng trứng, cơ thể không sản xuất hormone progesterone, từ đó dẫn đến rong kinh. 

Nguyên nhân bệnh lý

  • U xơ tử cung: Những khối u lành tính này xuất hiện trong độ tuổi sinh sản và gây ra tình trạng chảy máu kinh nguyệt kéo dài, mất nhiều máu.
  • Polyp tử cung: Polyp lành tính trên niêm mạc tử cung cũng là nguyên nhân phổ biến gây rong kinh.
  • Lạc nội mạc tử cung: Các tế bào niêm mạc tử cung xuất hiện tại một số vị trí khác trong vùng chậu, gây đau bụng kinh dữ dội và chảy nhiều máu.
  • Ung thư: Ung thư tử cung hoặc ung thư cổ tử cung thường gây chảy máu kinh nguyệt nhiều, đặc biệt ở độ tuổi mãn kinh.
  • Rối loạn đông máu di truyền: Một số rối loạn đông máu có thể gây chảy máu kinh nguyệt bất thường.

Nguyên nhân khác

  • Đặt vòng tránh thai: Tác dụng phụ của đặt vòng tránh thai là bị rong kinh. Nếu tình trạng quá nặng, có thể tham khảo bác sĩ để thay thế bằng phương pháp khác.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc bao gồm thuốc chống viêm, thuốc nội tiết, thuốc chống đông máu cũng là nguyên nhân gây rong kinh.

Điều trị rong huyết như thế nào?

Việc điều trị rong huyết phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên. Khi thấy cơ thể bị rong huyết, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Ngoài ra có thể thực hiện bổ sung thêm chế độ ăn uống để hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả hơn.

Các loại thực phẩm chữa rong huyết:

  • Thực phẩm giàu Vitamin C: Vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn, từ đó giúp chống lại chứng thiếu máu. Thực phẩm giàu Vitamin C thường có trong hoa quả như cam, bưởi, chanh, kiwi, dâu tây, cà chua, súp lơ xanh, giá đỗ, ớt ngọt,v.v. 
  • Thực phẩm giàu sắt: Sắt cần thiết để cơ thể tái tạo hemoglobin. Một số thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt bò, hàu, thịt gà, đậu phụ, các loại đỗ, rau chân vịt,v.v.  
Rong huyet la gi 5
Thực phẩm giàu Vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn - Ảnh minh họa: Internet
  • Uống nhiều nước: Hãy uống đủ 4 đến 6 cốc nước mỗi ngày. Hoặc uống một số dung dịch điện giải, nước chanh muối để cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể.
  • Thực phẩm “siêu” bổ dưỡng như nhân sâm, tổ yến: Những thực phẩm này đều có tác dụng bổ huyết. Bạn có thể chế biến nhân sâm hầm chân giò, nhân sâm nấu canh sườn, yến hầm táo đỏ,v.v.
Rong huyet la gi 6
Yến hầm táo đỏ là thực phẩm bổ huyết rất tốt cho người bị rong huyết – Ảnh minh họa: Internet
  • Bên cạnh những thực phẩm bổ dưỡng trên, nên tránh ăn thực phẩm chua cay, đồ muối mặn, thức ăn lạnh. Tránh một số đồ ăn có thể khiến rong huyết nặng thêm như ích mẫu, ngải cứu,v.v.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về rong huyết là gì cũng như nguyên nhân và cách điều trị hiện tượng này. Đừng chần chừ chịu đựng những kỳ kinh nguyệt “dài lê thê”, bạn nên tự chăm sóc bản thân bằng cách bổ sung những món ăn bổ dưỡng vào chế độ ăn hàng ngày và đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Tìm hiểu cách chữa u nang buồng trứng an toàn và hiệu quả

Cách chữa u nang buồng trứng như thế nào vừa an toàn vừa hiệu quả là vấn đề được nhiều chị em quan tâm. Hãy cùng tìm câu trả lời ngay trong bài viết này.

TIN MỚI NHẤT