Có phải người lớn mắc đau mắt đỏ thường nặng hơn trẻ em?

Sức khỏe 16/09/2023 11:13

Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, có phải đau mắt đỏ ở người lớn thường nặng hơn trẻ em?

Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp nhất là do vi rút, số ít còn lại do vi khuẩn hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.

Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất ở trẻ em với khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt, sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch nếu không phòng bệnh, điều trị (nếu mắc) đúng.

Có phải người lớn mắc đau mắt đỏ thường nặng hơn trẻ em? - Ảnh 1
Bệnh nhân khám đau mắt đỏ tại bệnh viện TP HCM (Ảnh: Đinh Tiên)

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, bác sĩ Tiến cho biết đa phần trẻ bị đau mắt đỏ đến khám tại bệnh viện trong thời gian gần đây đều ở mức độ nhẹ. Sau thăm khám, trẻ được bác sĩ chỉ định toa thuốc về dùng tại nhà, đồng thời khuyến cáo cách vệ sinh, phòng bệnh để tránh lây lan cho người khác.

Hầu hết trẻ nhanh khỏi bệnh, số ít còn bệnh được bác sĩ chuyên khoa mắt của bệnh viện tư vấn từ xa, hoặc trẻ quay lại bệnh viện tái khám.

Trước thắc mắc nhiều người có phải bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em nhanh khỏi và triệu chứng nhẹ hơn người lớn hay không, khi thực tế nhiều phụ huynh, giáo viên bị lây bệnh từ con trẻ nhưng họ lại bệnh nặng hơn, kèm theo các triệu chứng khác như sốt, nghẹt mũi..., bác sĩ Tiến cho hay đa số người lớn, trẻ lớn khi bị đau mắt đỏ thường nhanh khỏi hơn so với trẻ em do sức đề kháng tốt và có ý thức cao trong việc chăm sóc mắt.

Tuy nhiên, vẫn có số ít người lớn, trẻ lớn bị đau mắt đỏ kéo dài 7-14 ngày, đặc biệt là người mắc bệnh nền (cao huyết áp, đái tháo đường...), người có hệ miễn dịch bị suy giảm thì bệnh dễ chuyển nặng và thời gian mắc kéo dài hơn.

Trong khi đó ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi, thường có thời gian khỏi bệnh chậm hơn ở người lớn, trẻ lớn vì hệ miễn dịch ở lứa tuổi này chưa được hoàn thiện.

Bên cạnh đó, trẻ chưa nhận thức được đầy đủ các biện pháp phòng lây lan, nên có thói quen dụi tay vào mắt khi ngứa, gây bội nhiễm, tổn thương mắt và kéo dài thời gian bệnh hơn.

Có phải người lớn mắc đau mắt đỏ thường nặng hơn trẻ em? - Ảnh 2
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. (Người dân bị đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh BVCC)

5 biện pháp phòng chống đau mắt đỏ

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

- Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

BS chuyên khoa Mắt: 4 cách trị đau mắt đỏ tại nhà hiệu quả, khỏi nhanh

Số người mắc bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng trên cả nước. Đau mắt đỏ dù không nguy hiểm nhưng lại gây khó chịu, ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

TIN MỚI NHẤT