Đã tha thứ thì đừng bới móc

Phụ nữ yêu 05/06/2019 05:12

Sự tranh cãi một cách chừng mực trong cuộc sống vợ chồng giúp chúng ta hiểu thêm về bản thân và người bạn đời của mình. Mỗi lần cãi vã cứ đem lỗi lầm cũ của đối phương ra đay nghiến là một việc làm không nên.

Chỉ vì muốn thu được lợi nhuận mà không phải vất vả, nhân lúc vợ con về quê chơi, anh Hòa đã đem giấy tờ nhà đến ngân hàng thế chấp để “vay vốn làm ăn” rồi cho một người quen vay để hưởng lãi suất cao. Anh Hòa rất tin tưởng vào “con nợ” của mình, vì bấy lâu nay chị ta làm ăn rất có uy tín, chưa hề thất hứa sai hẹn với ai. Vợ anh Hòa không hề hay biết chuyện làm ăn của chồng. Thỉnh thoảng thấy anh đem tiền về chị mừng anh giỏi làm ăn.

Sau gần nửa năm trả lãi rất đúng hạn, đột nhiên con nợ của anh Hòa trốn biệt tích. Lúc đó vợ anh mới biết chuyện. Chị không tiếc lời đay nghiến, nhiếc móc chồng. Anh Hòa nhận lỗi và phải vất vả khắc phục sự cố, trả tiền ngân hàng lấy lại giấy tờ nhà.

Đã tha thứ thì đừng bới móc   - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Do chịu khó bươn chải, mấy năm sau, anh chị cũng khôi phục lại kinh tế gia đình. Thế nhưng vợ anh vẫn không chịu bỏ qua chuyện cũ. Mỗi khi có người đến chơi nhà, khen vợ chồng chí thú làm ăn thì người vợ lại có dịp đay nghiến, chà xát tỳ vết của chồng. Thời gian đầu anh Hòa còn nín nhịn, nhưng sau tức quá anh bèn vặc lại. Thế là vợ chồng anh thỉnh thoảng vẫn xào xáo nhau về chuyện nợ nần.

Trường hợp của nhà anh Hòa không phải là hiếm. Chuyện đàn bà “nhớ lâu thù dai”, chà đi xát lại, dù sao cũng còn dễ hiểu. Đằng này, là đàn ông nhưng anh Lâm cũng để bụng, không đủ rộng lượng bỏ qua lỗi lầm của vợ.  

Vợ anh trót quan hệ “ngoài luồng” với một đồng nghiệp. Mức độ phạm tội của vợ chưa đến nỗi trầm trọng và cái chính là anh cũng không muốn ly hôn vì vẫn còn yêu vợ. Hơn nữa bản thân vợ anh cũng nhận thức được lỗi lầm, ăn năn hối lỗi, nên anh tha thứ bỏ qua.  

Đã tha thứ thì đừng bới móc   - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Nhưng khổ nỗi, anh Lâm vẫn không sao quên được tỳ vết của vợ. Càng ngày anh càng trở nên cau có, tức giận vô cớ. Mỗi khi có điều gì không vừa ý là anh lại lôi chuyện cũ của vợ ra nhiếc móc, khiến chị vợ đau khổ, uất ức. Chị tưởng chồng mình là người cao thượng, rộng lòng bỏ qua lỗi lầm của mình, nào ngờ anh ta cũng chỉ là kẻ hẹp hòi tàn nhẫn.

Đã bao lần chị phải nghe những lời đay nghiến của chồng. Nào là, cái thằng đó nó hơn tôi ở điểm nào mà cô lại mê nó đến thế? May mà bị phát hiện sớm không thì có ngày cô đem hết tiền bạc để cung phụng cho nó. Nào là, tôi mà như người ta thì ly dị quách cho xong, để cô sống với thằng khố rách áo ôm đó mới trắng mắt ra... Chị nghĩ, nếu cứ bị tra tấn bởi những lời lẽ như vậy mãi, thì ly hôn còn đỡ khổ nhục hơn.  

Đã tha thứ thì đừng bới móc   - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

Có lẽ cuộc sống vợ chồng của hai trường hợp kể trên khó kiến tạo lại được hạnh phúc, mà nguyên nhân là do thiếu hụt lòng nhân ái, khoan dung đối với người bạn đời. Bạn không nên làm khổ mình và làm khổ vợ/chồng khi chỉ nhìn thấy cái sai mà không nhìn nhận những điều tốt đẹp mà vợ/chồng đã làm cho gia đình.

Khi quyết định tha thứ bạn sẽ có được sự nhẹ nhõm thanh thản trong lòng. Và khi đã quyết định tha thứ rồi thì bạn cũng đừng nên moi móc lại tỳ vết của người bạn đời. Muốn có hạnh phúc, đôi khi chúng ta phải biết... quên.

Vợ chồng muốn hạnh phúc thì chỉ nên sống... mỗi người một nhà

Ý tưởng ngông cuồng đó không phải của “những người thích đùa” mà ngày nay đã trở thành hiện thực ở nhiều nơi trên thế giới.

TIN MỚI NHẤT