Sai lầm khi nuôi dạy con nhiều cha mẹ mắc: Bác sĩ cảnh báo hệ luỵ

Nuôi dạy con 14/08/2022 18:42

Nhiều bậc phụ huynh vì muốn thấu hiểu con mà đã lựa chọn phương pháp đọc trộm nhật ký của con. Điều này vô tình đã gây ra nhiều mâu thuẫn không đáng có giữa cha mẹ và con cái.

Con cái thường có sở thích ghi lại những sự việc mình trải qua vào nhật ký thay vì chia sẻ trực tiếp với cha mẹ. Nhưng nhiều cha mẹ vì muốn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của con mà lại lựa chọn đọc trộm nhật ký của con. Hành vi này có thể giúp cha mẹ hiểu thêm tâm tư của con nhưng cũng vô tình gây ra các phản ứng ngược khiến con cái ngày càng đề phòng, xa cách cha mẹ hơn.

Đọc trộm nhật ký của con - lợi bất cập hại

Một số bậc phụ huynh vẫn giữ suy nghĩ: "Giữa cha mẹ và con cái sao cần phải giữ bí mật, sao phải cần quyền riêng tư?". Trên thực tế, đây là một quan điểm sai lầm của cha mẹ. Nếu như cha mẹ thường xuyên đọc trộm nhật ký hoặc xem đồ đạc riêng tư của con cái, điều này có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho con.

Sai lầm khi nuôi dạy con nhiều cha mẹ mắc: Bác sĩ cảnh báo hệ luỵ - Ảnh 1

Ảnh minh hoạ: Con cái thường thích ghi lại những sự việc mình trải qua vào nhật ký, việc cha mẹ đọc trộm nhật ký có thể tạo ra những tác động tiêu cực cho trẻ.

1. Ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái

Trong quá trình trẻ dần trưởng thành, trẻ cũng dần có ý thức về sự tự do, tính độc lập, có những suy nghĩ và cảm xúc riêng. Lúc này, trẻ thường có xu hướng không muốn cho người khác, đặc biệt là cha mẹ, biết những tâm tư này. Vì vậy, trẻ mới lựa chọn viết tất cả tâm tư vào nhật ký. Nếu cha mẹ cố tình “xâm phạm” vào "mảnh đất" riêng tư này thông qua việc đọc trộm nhật ký, trẻ sẽ cảm thấy bản thân bị xúc phạm, không được tôn trọng và bị tổn thương. Điều này ngược lại sẽ đẩy con cái ra xa hơn, khiến đứa trẻ bực bội, xa lánh với cha mẹ, gây bất hòa giữa cha mẹ và con cái.

2. Mất niềm tin

Cha mẹ là những người thân thiết với con nhất, được con cái tin tưởng nhất. Nếu cha mẹ xem trộm những thứ riêng tư của con, khi con phát hiện, vô hình chung sẽ làm tổn thương đến sự tín nhiệm mà con cái dành cho cha mẹ. Khi con mất niềm tin vào cha mẹ thì dù có gặp bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống, con cũng sẽ không chia sẻ với cha mẹ.

Ngoài ra, hành động đọc trộm nhật ký còn có thể tạo ra tổn thương tâm lý cho trẻ, khiến trẻ đề phòng, không tin tưởng người khác.

3. Ảnh hưởng đến tâm lý

Viết nhật ký là một trong những phương pháp giúp con giải tỏa các căng thẳng, áp lực mà bản thân gặp phải. Việc cha mẹ đọc trộm nhật ký của con cái sẽ hình thành tâm lý lo lắng, sợ hãi, không dám bày tỏ những suy nghĩ chân thực của bản thân nữa. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ sẽ không thể tự giải tỏa những áp lực của bản thân, tự dồn nén, chôn giấu mọi vấn đề ở trong lòng, lâu dần có thể dẫn đến tress, trầm cảm ở trẻ.

Sai lầm khi nuôi dạy con nhiều cha mẹ mắc: Bác sĩ cảnh báo hệ luỵ - Ảnh 2

Ảnh minh hoạ: Hành động đọc trộm nhật ký có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của con.

Bác sĩ Vương Đạc, bác sĩ khoa Tâm thần tại Bệnh viện Nhi Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết hành động quan tâm, tìm hiểu con sai cách, đọc trộm nhật ký của con có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý của con trẻ. Bác sĩ Vương cho rằng để thấu hiểu con đúng cách, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây.

Cha mẹ nên làm gì để hiểu con hơn?

1. Giao tiếp, làm bạn với con

Nếu muốn thấu hiểu con cái, muốn con cái tin tưởng và chia sẻ mọi chuyện với mình thì cha mẹ nên giao tiếp và trao đổi với con ngay từ khi con còn nhỏ. Thói quen giao tiếp thường xuyên sẽ tạo cho con cái niềm tin đối với cha mẹ, từ đó khi trẻ gặp khó khăn trẻ sẽ tự nguyện chia sẻ với cha mẹ.

Sai lầm khi nuôi dạy con nhiều cha mẹ mắc: Bác sĩ cảnh báo hệ luỵ - Ảnh 3

Ảnh minh hoạ: Để cha mẹ và con cái thấu hiểu lẫn nhau thì giao tiếp là điều cần thiết.

2. Trở thành người lắng nghe trẻ

Khi lớn hơn, đặc biệt là ở tuổi dậy thì, nhiều trẻ cảm thấy khó khăn khi ngồi nói chuyện với cha mẹ. Bí quyết là cha mẹ nên tạo ra bầu không khí lắng nghe trong nhà mọi lúc, mọi nơi để trẻ có thể tự do chia sẻ nếu cần.

Sau bữa tối, cả gia đình có thể ngồi quây quần bên nhau trong phòng khách để trò chuyện về những câu chuyện xảy ra trong một ngày. Điều này không chỉ giúp cha mẹ hiểu thêm về con cái mà còn giúp con cái cảm thấy được tôn trọng, hiểu được những vất vả của cha mẹ, góp phần giúp hai bên thấu hiểu lẫn nhau.

3. Chỉ đưa lời khuyên, không áp đặt

Nhiều bậc phụ huynh có xu hướng áp đặt con trẻ phải làm theo những điều mình cho là đúng. Điều này khiến con cảm thấy không được tôn trọng và sẽ có xu hướng không chia sẻ với cha mẹ nữa. Vì vậy, cha mẹ nên học cách lắng nghe con trẻ và cẩn thận phân tích, đưa ra những lời khuyên để cùng con giải quyết vấn đề.

Sai lầm khi nuôi dạy con nhiều cha mẹ mắc: Bác sĩ cảnh báo hệ luỵ - Ảnh 4

Ảnh minh hoạ: Cha mẹ chỉ nên đưa lời khuyên cho con cái chứ không nên áp đặt suy nghĩ cho con.

Kết luận

Bác sĩ Vương Đạc cho rằng để cha mẹ và con cái thấu hiểu lẫn nhau thì giao tiếp là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái không phải là một công việc dễ dàng. Cha mẹ cần khéo léo xử lý để con cái không cảm thấy cha mẹ đang áp đặt suy nghĩ lên chúng.

Đặc biệt, bác sĩ Vương cũng nhấn mạnh rằng trong tất cả các mối quan hệ, sự tôn trọng luôn được đặt lên hàng đầu. Khi cha mẹ tôn trọng con thì chính cha mẹ cũng sẽ được tôn trọng. Cha mẹ cần hiểu rằng hành vi đọc trộm nhật ký của con là hành động can thiệp thô bạo vào không gian riêng tư của con trẻ, khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng, từ đó khiến trẻ đề phòng và xa cách cha mẹ hơn.

Vì vậy, cha mẹ nên lựa chọn đúng phương pháp, kiên nhẫn trò chuyện và lắng nghe nhiều hơn để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của con, đồng hành cùng con giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.

6 bước sơ cứu cơ bản khi trẻ bị đuối nước, cha mẹ cần phải biết

Đuối nước - một vấn đề toàn cầu đặc biệt nghiêm trọng. Theo thống kê, tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân tử vong thứ 2 ở trẻ em nhóm 5-14 tuổi; trung bình mỗi ngày có 6 - 7 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước.

TIN MỚI NHẤT