Chiều 9/5, trang cá nhân của họa sĩ Bùi Đức Lâm chia sẻ về sự ra đi đột ngột họa sĩ Nguyễn Hùng Lân - cha đẻ bộ truyện tranh huyền thoại 'Dũng sĩ Hesman' khiến mọi người đều bất ngờ, thương cảm cho một tài hoa hội họa.
- Quán quân giọng hát Việt nhí - Thiện Nhân phản bác khi bị mỉa mai 'bỏ cha mẹ theo người yêu đồng giới '
- Sao nam Vbiz bị HIV bất lực vì không kiếm nổi tiền, chật vật chạy ăn từng bữa, trở về Việt Nam vào tháng 7 tới
Theo thông tin từ VnExpress, ông Nguyễn Khánh Dương - giám đốc công ty truyện tranh Comicola, đơn vị khai thác bản quyền bộ truyện - cho biết họa sĩ đột ngột qua đời ở nhà riêng chiều 9/5.
"Hai hôm trước, tôi và ông vẫn trò chuyện, trao đổi nhiều kế hoạch liên quan đến Dũng sĩ Hesman. Họa sĩ còn nhờ tôi hỗ trợ một số vấn đề pháp lý về bản quyền tác phẩm", ông Dương nói.
Nhà báo Lê Tiên Long - người từng nhiều dịp tiếp xúc với họa sĩ - cho biết cuối đời, ông ấp ủ bộ truyện Cuộc đời chúa Jesus để tạ ơn Chúa, nhưng không kịp hoàn thành tâm nguyện. Trong ký ức của anh, ông hiền lành, dễ mến, luôn động viên người trẻ, nhất là những người làm nghệ thuật, viết lách, nghiên cứu. Ông thích đi phượt Tây Bắc, thường hồ hởi kể những điều từng chứng kiến.

Theo thông tin từ báo Dân trí, họa sĩ Nguyễn Hùng Lân sinh năm 1956 tại TPHCM. Ông nổi tiếng với việc phóng tác từ loạt phim hoạt hình Voltron - Defender of the Universe của hãng World Events Productions thành bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesman nổi tiếng với nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam.
Bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesman (do NXB Mỹ thuật Hà Nội ấn hành, dài 160 tập) được ông rất tâm huyết và tập trung thực hiện ròng rã từ năm 1992 đến năm 1997.
Tập 160 được họa sĩ sáng tác vào năm 2019 đã tạo nên cơn sốt với độc giả và gây tiếng vang lớn cho tên tuổi ông.
Ngoài bộ truyện tranh nổi tiếng Dũng sĩ Hesman (160 tập), ông còn có nhiều tác phẩm khác rất được yêu thích: Cô Tiên xanh (150 tập), Siêu nhân Việt Nam...
Có thể nói từ những năm cuối thập niên 1980 đến đầu 2000, họa sĩ Nguyễn Hùng Lân đã nuôi dưỡng ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ độc giả bằng những nét vẽ giản dị nhưng giàu tưởng tượng.

Trước khi trở thành họa sĩ, ông từng theo học ngành Toán - lý - hóa của Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn một năm rồi nghỉ vì gia cảnh khó khăn.
Sau đó, ông theo gia đình lên nông trường Bình Ba (Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) định cư và làm kinh tế mới. Ông lấy bằng tú tài và được chuyển sang bộ phận hành chính với chuyên môn vẽ phông sân khấu mỗi khi nông trường diễn văn nghệ.
Ngoài cương vị họa sĩ truyện tranh, ông Hùng Lân còn là người góp công thầm lặng cho sự phát triển mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam. Phông chữ HL do ông thiết kế từng là lựa chọn quen thuộc của nhiều nhà thiết kế thời kỳ đầu phổ cập máy tính cá nhân.