Cách trồng cây kim ngân để mang lại may mắn và tiền tài cho gia chủ

Đời sống 29/06/2022 09:45

Cây kim ngân là loại cây cảnh mang vẻ đẹp đơn giản, không cầu kì nhưng lại có ý nghĩa mang đến tiền tài, may mắn cho người trồng. Cũng bởi lẽ đó mà cây kim ngân được nhiều người ưa chuộng đặt một chậu trong nhà. Nếu bạn cũng đang có ý định tìm mua một chậu cây này thì không thể bỏ qua bài viết dưới đây.

I. Xuất xứ và tên gọi

Cây kim ngân có tên khoa học là Parachi Aquatica, có nguồn gốc từ khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ, đặc biệt được phát hiện nhiều nhất ở Mexico. Từ khoảng những năm 1980, cây kim ngân được một người gốc Đài Loan tạo dáng mới lạ và dần trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ở nước ta, cây kim ngân còn được biết đến với nhiều tên gọi khác là cây bím tóc, cây thắt bím, cây bím đuôi sam,… bởi thân cây có hình dạng xoắn rất đặc biệt.

II. Đặc điểm của cây kim ngân

Cây kim ngân có 2 dạng: cây cảnh và cây ngoài tự nhiên.

1. Cây kim ngân tự nhiên

Cây kim ngân tự nhiên chủ yếu sinh trưởng ở khu vực đầm lầy, có thể cao đến 18m. Lá cây có hình dáng khá đặc biệt, giống chân chim, cũng có người gọi là lá kép chân vịt, một cành thường có 7 – 9 lá.

Trong tự nhiên, cây kim ngân sẽ nở hoa từ tháng 4 – 11 hàng năm, hoa khá to, mọc đơn, có màu trắng kem hoặc đỏ, quả cây có hình trứng, trông giống quả bơ, đường kính có thể lên tới 10 cm, khi chín quả chuyển dần sang nâu, một quả có khoảng 10 – 20 hạt.

Cách trồng cây kim ngân để mang lại may mắn và tiền tài cho gia chủ - Ảnh 1
Quả cây kim ngân có hình trứng, trông giống quả bơ, đường kính có thể lên tới 10 cm, khi chín quả chuyển dần sang nâu, một quả có khoảng 10 – 20 hạt 

2. Cây kim ngân cảnh

Cây kim ngân cảnh nhỏ hơn rất nhiều so với cây kim ngân tự nhiên, thường được trồng trong chậu nhỏ hoặc bình thủy sinh.

Lá cây có hình dạng giống cây kim ngân trong tự nhiên nhưng ít hơn, một cành thường chỉ có 5 lá tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).

Cây kim ngân cảnh hiếm khi ra hoa và kết quả như trong tự nhiên.

III. Công dụng của cây kim ngân

Cây kim ngân là loài cây bóng râm, ưa ánh sáng yếu, do vậy cây có thể được trồng trong nhà mà vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Cây cũng có khả năng chịu nóng, chịu hạn nên không cần tốn quá nhiều công chăm sóc, rất thích hợp để trồng trong nhà.Với những chậu cây nhỏ, bạn có thể dùng để trang trí, làm đẹp cho ngôi nhà của mình hoặc dùng làm quà tặng cũng rất ý nghĩa.

Cây kim ngân có thể lọc không khí rất tốt, điều hòa không khí trong lành hơn, giúp không gian trở nên thoáng đãng, mát mẻ hơn. Ngoài ra, cây kim ngân còn có tác dụng đuổi côn trùng, đặc biệt là đuổi muỗi rất tốt.

Cây kim ngân giúp bạn cảm thấy thư giãn, thoải mái, giúp tâm trí được bình yên, đời sống tinh thần được cải thiện nhờ đó mà thúc đẩy mối quan hệ công việc được trôi chảy hơn.

IV. Ý nghĩa phong thủy của cây kim ngân

Với vẻ đẹp nhẹ nhàng, giản dị, không cầu kì, cây kim ngân được xem là một trong số các loại cây đem lại nhiều may mắn, tài lộc cho người trồng cây.

Trong tiếng Hán, “kim” là vàng, “ngân” là bạc, đều mang ý nghĩa tiền của. Hai chữ “kim” và “ngân” đi với nhau, bổ sung ý nghĩa cho nhau, ngụ ý tiền bạc lúc nào cũng đầy ắp, dồi dào.

Cây kim ngân có dáng đứng vững chãi, hiên ngang, thân bện, xoắn vào nhau tượng trưng cho sự đoàn kết, uy quyền, bất khuất, kiên cường, vững vàng trước mọi khó khăn.

Lá cây kim ngân xum xuê, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, tiền bạc dồi dào. Ngoài ra, cây kim ngân cảnh có 5 lá trên mỗi cành, tượng trưng cho 5 yếu tố trong ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ giúp duy trì sự cân bằng các nguồn năng lượng, hòa hợp mọi yếu tố, mang lại tiền tài, thịnh vượng, may mắn, hạnh phúc cho gia chủ. Đây là điều không phải loại cây cảnh nào cũng có được, nên cây kim ngân là lựa chọn sáng giá để trưng bày trong nhà và văn phòng, dù là nơi làm việc hay chỗ sinh hoạt.

Cách trồng cây kim ngân để mang lại may mắn và tiền tài cho gia chủ - Ảnh 2
Cây kim ngân có dáng đứng vững chãi, hiên ngang, thân bện, xoắn vào nhau tượng trưng cho sự đoàn kết, uy quyền, bất khuất, kiên cường, vững vàng trước mọi khó khăn 

Ngoài ra, ý nghĩa của cây kim ngân còn phụ thuộc vào số lượng cây được trồng trong cùng một chậu:

+ Nếu chậu cây trồng một cây kim ngân sẽ tạo ra dáng gọi là “Trụ thiên”, tức là chọc trời, mang ý nghĩa kiên cường, bất khuất. Những người mang trong mình ý chí lớn lao, khát vọng cao cả thì đặt một cây kim ngân như lời nhắc nhở bản thân phải luôn phấn đấu hết sức mình vì sự nghiệp và tương lai tươi sáng. Với dáng “trụ thiên” thân cây càng to, càng mập mạp thì ý nghĩa càng lớn.

+ Nếu trồng 3 cây bện thành bím trong cùng 1 chậu thì có thể mang 2 ý nghĩa, thứ nhất là tượng trưng cho tam tài (Phúc – Lộc – Thọ), thứ hai là tượng trưng cho thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Nếu bạn là người kinh doanh, nhà quản lý thì việc đặt cây kim ngân tại nơi làm việc giúp công việc thuận buồm xuôi gió, cũng như luôn ghi nhớ về các yếu tố để thành công trong kinh doanh lẫn trong cuộc sống.

+ Nếu trồng 5 cây kim ngân bện thành bím trong cùng 1 chậu thì được gọi là “Ngũ phúc” (Phúc – Lộc – Thọ - An – Khang). Thường các gia đình có nhiều thành viên ở chung hoặc những người luôn hướng về gia đình, đặt một chậu “Ngũ phúc” để thể hiện sự hòa hợp cũng như những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống.

V. Cây kim ngân hợp với tuổi gì, mệnh gì?

1. Tuổi hợp với cây kim ngân

Cây kim ngân hợp với tất cả các tuổi nhưng hợp nhất là với 3 tuổi Tý, Thân, Tuất. Đa số những người thuộc 3 tuổi này đều chân thành, tốt bụng, cũng bởi vì vậy mà họ hay bị lợi dụng lòng tốt, cây kim ngân giúp họ khắc phục những nhược điểm này cũng như mang đến sự hài hòa, kim chỉ nam cho công việc để đạt được thành công.

+ Người tuổi Tý lại biết cách kiếm tiền, có ý thức tích góp nhưng thiếu sự nhanh nhạy trong đầu tư. Cây kim ngân sẽ mang lại cho họ vận may và cơ hội tốt.

+ Người tuổi Thân nhanh nhẹn, khéo léo, thông minh trong những việc liên quan tới tiền bạc. Họ cũng là người tự tin, cầu tiến. Sở hữu cây kim ngân giúp họ giữ gìn tài sản, tài vận vững vàng.

+ Người tuổi Tuất thông minh, nhạy bén, nhiệt tình, hay giúp đỡ người khác. Kim ngân giúp họ củng cố vị thế, thuận buồm xuôi gió trong công việc.

Những người tuổi còn lại thì cây tôn lên những nét tính cách nhạy bén, linh hoạt nơi họ, giúp đường đời rộng mở hơn.

2. Mệnh hợp với cây kim ngân

Cây kim ngân được xếp vào hành Mộc vì cây thuộc loại thân gỗ với màu lá xanh quanh năm. Theo ngũ hành, Mộc sinh Hỏa nên cây kim ngân sẽ hợp với người mệnh Mộc và mệnh Hỏa. Tuy nhiên, mỗi mệnh cần lưu ý một số điểm sau:

+ Mệnh Mộc: nên chọn trồng trong chậu có dáng cao dài, thẳng đứng hoặc uốn cong kiểu cách, tránh trồng trong chậu tròn hoặc có góc nhọn. Mệnh Mộc trồng trong chậu thuỷ sinh rất tốt. Những năm sinh mệnh Mộc gồm có Nhâm Ngọ (2002), Kỷ Hợi (1959), Mậu Thìn (1988), Quý Mùi (1943, 2003), Nhâm tý (1972), Kỷ Tỵ (1989), Canh Dần (1950, 2010), Quý Sửu (1973), Tân Mão (1951, 2011), Canh Thân (1980), Mậu Tuất (1958), Tân Dậu (1981)…

+ Mệnh Hoả: mệnh này tuyệt đối tránh trồng thuỷ sinh, hợp trồng trong chậu có góc nhọn hoặc có hình kim tự tháp, tránh chọn chậu vuông, chữ nhật hoặc chậu uốn lượn. Những năm sinh mệnh Hỏa gồm có Giáp Tuất (1994), Đinh Dậu (1957), Bình Dần (1986), Ất Hợi (1995), Giáp Thìn (1964), Đinh Mão (1987), Mậu Tý (1948, 2008), Ất Tỵ (1965), Kỷ Sửu (1949, 2009), Mậu Ngọ (1978), Bính Thân (1956, 2016), Kỷ Mùi (1979)…

Ngoài ra, cũng có một số quan điểm cho rằng cây kim ngân phù hợp với tất cả các mệnh trong ngũ hành.

+ Cây có kim ngân có 5 lá mọc ở mỗi cành, tượng trưng cho 5 yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

+ Thân cây màu nâu, kích thước chiềm 50% diện tích cả cây nên hợp với mệnh Thổ và Kim.

+ Tán cây rộng, lá xanh mướt hợp mệnh Mộc và mệnh Hỏa.

Mệnh hỏa và thủy đều tương sinh với đặc điểm cây.

Cây kim ngân tượng trưng cho sự cân bằng, hài hòa của 5 yếu tố ngũ hành nên hầu hết mọi người ở đủ các mệnh đều có thể phù hợp với loại cây này nếu biết cách phối hợp màu sắc theo mệnh, cân bằng âm dương ngũ hành.

Cách trồng cây kim ngân để mang lại may mắn và tiền tài cho gia chủ - Ảnh 3
Cây kim ngân tượng trưng cho sự cân bằng, hài hòa của 5 yếu tố ngũ hành nên hầu hết mọi người ở đủ các mệnh đều có thể phù hợp với loại cây này nếu biết cách phối hợp màu sắc theo mệnh, cân bằng âm dương ngũ hành 

Mặt khác, mặc dù cây tên Kim ngân, nhưng đừng hiểu lầm là cứ trồng rồi sẽ có tiền, cây chỉ mang lại may mắn nếu được đáp ứng các yếu tố chăm sóc cần thiết để cây sinh trưởng tốt cũng như vị trí đặt cây phải đúng hướng thì mới phát huy tác dụng thực sự. Trong nhà thì nên đặt chậu cây kim ngân hướng Đông Nam, góc này rất tốt cho cây cối phát triển và phát huy ý nghĩa phong thuỷ như đã nói ở trên.

VI. Phương pháp trồng cây kim ngân

Có hai cách trồng cây kim ngân phổ biến là trồng trong chậu đất và trồng trong bình thủy sinh.

1. Trồng cây kim ngân trong chậu đất

Đất trồng: lựa chọn đất vi sinh chứa nhiều chất dinh dưỡng đảm bảo cho sự phát triển của cây. Hoặc có thể lựa chọn đất tơi xốp trộn lẫn với vỏ trấu hoặc gỗ mùn để tăng độ thoáng khí, thoát nước và giữ ẩm tốt.

Chọn chậu cây: Tùy vào mục đích của bạn để có thể chọn chậu phù hợp. Thông thường cây trồng để làm cảnh trong nhà hoặc để bàn làm việc thì chậu không cần quá to.

Phương pháp trồng: Cây kim ngân có thể trồng bằng hạt hoặc giâm cành. Thời gian giâm cành tốt nhất là mùa hè.

Lưu ý: kích thước chậu phải phù hợp để rễ cây kim ngân có thể phát triển một cách toàn diện nhất. Chiều cao của chậu phải phù hợp với kích thước của cây (nếu trồng từ cây con thì bạn nên đoán chừng cây lớn sẽ như nào). Nên lựa chọn cây giống phải to, khỏe, không có sâu bệnh. Cây có chiều cao vừa phải sẽ đẹp nhất.

2. Trồng cây kim ngân trong bình thủy sinh

Sử dụng bình thủy tinh để trồng cây kim ngân. Bình trong suốt dễ dàng quan sát cây trong quá trình hấp thụ dinh dưỡng, phát hiện kịp thời cây bị bệnh nấm hay thối rễ. Một số vấn đề bạn cần lưu ý:

+ Chỉ ngâm phần rễ vào nước, nếu thân ngâm nước sẽ dễ bị thối và chết cây.

+ Lượng nước khoảng 2 phần 3 bình, có thể dùng sỏi để trang trí thêm cho bình.

+ Thay nước 1 tháng 1 lần.

Mẹo: bình hoặc lọ thủy tinh có thể cho cá nhỏ vào nuôi để làm sạch bọ gậy và tảo gây bệnh cho cây.

Cách trồng cây kim ngân để mang lại may mắn và tiền tài cho gia chủ - Ảnh 4
Bình trong suốt dễ dàng quan sát cây trong quá trình hấp thụ dinh dưỡng, phát hiện kịp thời cây bị bệnh nấm hay thối rễ 

VII. Kỹ thuật chăm sóc cách kim ngân đúng cách

Cây kim ngân không khó trồng và dễ chăm sóc, tuy nhiên để cây phát triển tốt, bạn cần chú ý những yếu tố sau đây

1. Nước tưới

Trồng kim ngân thì phải lưu ý vấn đề nước tưới. Nếu để trong nhà thì có thể tưới nước mỗi tuần 1 lần theo kiểu phun sương. Việc thường xuyên tưới nước hay tưới quá nhiều mỗi lần thực sự không được khuyến khích vì có thể làm hỏng rễ cây, gây chết cây một cách tức tưởi. Vì vậy, mỗi tuần nhớ kiểm tra xem đất có ướt quá không, phải để đất khô nước giữa các lần tưới, nhưng cũng phải khéo đừng để khô quá, nghệ thuật ở đây là vừa đủ.

2. Ánh sáng

Cây kim ngân chuộng sáng nhưng nên tránh ánh nắng trực tiếp, vì rọi trực tiếp làm cây dễ cháy lá, nên nếu đặt gần cửa sổ mà hay có nắng rọi vào thì bạn nên đặt nó sang vị trí phù hợp hơn nhé.

3. Nhiệt độ

Cây tự nhiên sống tốt ở nhiệt độ từ 10 – 40 độ C. Cây trồng trong nhà sẽ phù hợp nhiệt độ từ 15 – 25 độ C. Cây kim ngân dễ bị sốc nhiệt khi đột ngột bị chuyển từ nơi quá nóng sang nơi quá lạnh và ngược lại. Vì vậy, bạn hãy đặt cây vào phòng bình thường để cây quen nhiệt độ rồi sau đó bật điều hòa cây vẫn có thể sống tốt.

4. Độ ẩm

Kim ngân là cây thích ẩm, nên đừng đặt ở những vị trí có không khí khô, nóng (kiểu như bị sấy khô, sạch nước). Trường hợp không đạt được độ ẩm cần thiết thì có thể dùng máy làm ẩm không khí đặt gần cây hoặc đặt chậu kim ngân lên một khay đá cuội có nước (nhớ đừng cho nước thấm vào đất trong chậu).

Ở các nước phương Tây, người ta còn nghĩ ra cách đặt cây trong một cái lồng chụp (như lồng bàn) có lỗ để cây thở hoặc trong một lồng kính lớn hơn vừa giữ ẩm vừa mang tính trang trí.

5. Phân bón

Bạn hòa phân NPK vào nước rồi tưới quanh gốc, cứ cách 1 – 2 tháng bón phân cho cây 1 lần là đủ.

VIII. Một số bệnh thường gặp ở cây kim ngân

1. Lá bị vàng

Cây kim ngân bị vàng lá là dấu hiệu của việc tưới quá nhiều nước, vì vậy nên để cho đất ráo nước rồi mới tưới lần kế tiếp, tưới liên tục trong tình trạng lá bị vàng sẽ làm tình hình ngày càng tồi tệ.

2. Lá bị nâu

Không đủ độ ẩm thì lá cây kim ngân sẽ chuyển sang màu nâu, lúc này hãy tăng độ ẩm lên, đồng thời cung cấp đủ nước cho cây. Kim ngân cũng rất nhạy với thay đổi nhiệt độ đột ngột.

3. Rụng lá

Nếu bạn di chuyển cây kim ngân quá thường xuyên thì cây sẽ bị tình trạng này, Vậy nên đừng di chuyển nó quá nhiều. Trường hợp cây mới mua về mà bị rụng lá thì cũng đừng lo quá, chỉ là dấu hiệu của việc bị di chuyển thôi.

Hy vọng các bạn có thêm những thông tin thú vị về cây kim ngân, biết được ý nghĩa của cây kim ngân, cây kim ngân hợp mệnh gì, kinh nghiệm chăm sóc cây kim ngân như thế nào, từ đó có thêm một sự lựa chọn để trang trí cho không gian nơi ở cũng như nơi làm việc của mình.

TOP phim Zombie Hàn Quốc đặc sắc nhất năm 2022 !!!

Màn ảnh Hàn có nhiều dự án chất lượng quanh đề tài xác sống bạo lực, đẫm máu. Sau đây là danh sách phim zombie 2022 Hàn Quốc sẽ giúp thỏa đam mê fan phim xác sống.

TIN MỚI NHẤT