Loại thực phẩm có vị đắng, nhiều người chê không ăn nhưng mang nhiều lợi ích đáng kinh ngạc

Dinh dưỡng 03/07/2023 20:31

Mướp đắng là loại thực phẩm tính lạnh, nhiều giá trị dinh dưỡng, vậy ăn mướp đắng thường xuyên bạn sẽ nhận được lợi ích gì?

Tổng quan về mướp đắng

Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua. Vị thuốc khổ qua còn gọi là cẩm lệ chi, lại bồ đào, lương qua, lại qua, hồng dương, mướp đắng. Tên khoa học: Momordica charantia L. Thuộc họ: Họ bầu bí Cucurbitaceae.

Cây mướp đắng là cây dây leo bằng tua cuốn, thân có cạnh. Lá cây mọc so le, dài 5-10cm, rộng 4-8cm, phiến lá chia làm 5-7 thùy, hình trứng, mép khía răng. Mặt dưới lá màu nhạt hơn mặt trên, gân lá có lông ngắn. Hoa đực và hoa cái mọc riêng ở nách lá, có cuống dài. Cánh hoa màu vàng nhạt. Quả hình thoi, dài 8-15cm, mặt ngoài có nhiều u lồi. Quả chưa chín màu vàng xanh, khi chín màu vàng hồng, đỏ. Hạt dẹp, dài 13-15mm, rộng 7-8mm, trông gần giống hạt bí ngô. Quanh hạt có màng đỏ bao quanh (giống như màng hạt gấc). Mướp đắng được trồng khắp nơi trên đất nước ta.

Loại thực phẩm có vị đắng, nhiều người chê không ăn nhưng mang nhiều lợi ích đáng kinh ngạc - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, thành phần hóa học của mướp đắng gồm: Trong quả có charantin, b-Sitosterrol-b-D- glucoside và 5,25-Stigmastadien-3b-D-glucoside, có tinh dầu rất thơm, glucosid, saponin và alcaloid momordicin. Ngoài ra, mướp đắng còn có các vitamin B1, C, caroten, adenin, betain, các enzym tiêu protein. Hạt chứa dầu và chất đắng. Tính vị - quy kinh: Vị đắng, lạnh; quy vào kinh tỳ vị tâm can. Công dụng: Thanh giải thử nhiệt, minh mục, giải độc.

Những lợi ích tuyệt vời của mướp đắng

Hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường

Mướp đắng được biết đến với khả năng kiểm soát và hạ thấp lượng đường trong máu. Một số nghiên cứu cũng cho thấy việc ăn mướp đắng sống, hấp thụ chúng dưới dạng bột khô hoặc ở dạng nước trái cây đều có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường.

Theo các nhà khoa học lý giải, lợi ích này là do chiết xuất mướp đắng thường có tác dụng tương tự như insulin động vật. Ngoài ra, hàm lượng saponin, alkaloid và polyphenol trong quả này cũng chịu trách nhiệm tăng khả năng dung nạp insulin và hấp thu glucose. Do đó, mướp đắng sẽ làm giảm lượng đường trong máu thông qua việc tăng chuyển hóa glucose.

Loại thực phẩm có vị đắng, nhiều người chê không ăn nhưng mang nhiều lợi ích đáng kinh ngạc - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Giảm cân

Cùng với khả năng chuyển hóa glucose, mướp đắng còn có tác dụng chuyển hóa lipid. Các chuyên gia cho biết, loại thực phẩm này có thể làm giảm sự tích tụ chất béo bằng cách điều chỉnh giảm các gen chịu trách nhiệm tạo ra các tế bào mỡ mới.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy chiết xuất dầu từ hạt mướp đắng cũng có thể tiêu diệt có chọn lọc các tế bào mỡ (tế bào lưu trữ chất béo). Điều này là do nó chứa các phân tử như triterpenoid glycoside, alkaloid, flavonoid, polyphenol, carotenoid và axit béo ngăn ngừa tình trạng viêm mô mỡ, thường liên quan đến rối loạn chuyển hóa.

Tăng cường hệ miễn dịch

Mướp đắng có chứa Momordica anti-human immuno virus protein (MAP30). Loại protein này đã được chứng minh có khả năng hỗ trợ hệ thống miễn dịch bằng cách ức chế sự lây nhiễm HIV của tế bào lympho T; đồng thời tăng sản xuất globulin miễn dịch của tế bào B.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện trong mướp đắng chứa nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng kháng khuẩn. Do đó, chúng có thể giúp chống nhiễm trùng do các loại vi khuẩn khác nhau gây ra như E. coli , Heliobacter , Staphylococcus và Salmonella,...

Loại thực phẩm có vị đắng, nhiều người chê không ăn nhưng mang nhiều lợi ích đáng kinh ngạc - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

Tốt cho gan

Muớp đắng có thể tăng cường hệ thống chống oxy hóa của cơ thể thông qua các enzyme nội tại như catalase và superoxide dismutase. Những chất này có thể ngăn chặn tổn thương gan do thói quen uống rượu gây ra. Bên cạnh đó, mướp đắng còn có khả năng tăng cường miễn dịch cho gan hiệu quả và duy trì hoạt động bình thường của gan. Điều này là do hàm lượng vitamin C chứa trong loại quả này.

Những khuyến cáo khi dùng mướp đắng

Phụ nữ mang thai và cho con bú ăn mướp đắng gây kích thích tử cung, chảy máu

Mướp đắng là một loại quả kích thích tử cung, gây chảy máu và có thể dẫn đến sinh non, do đó bà bầu không nên ăn mướp đắng. Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì một số thành phần không tốt có thể được truyền qua sữa mẹ. Ngoài ra, mướp đắng rất ít chất xơ và chất béo nên không có lợi cho chế độ dinh dưỡng của bà bầu và phụ nữ sau sinh.

Loại thực phẩm có vị đắng, nhiều người chê không ăn nhưng mang nhiều lợi ích đáng kinh ngạc - Ảnh 4
Ảnh minh họa: Internet

Người bị bệnh huyết áp thấp ăn nhiều gây đau đầu, chóng mặt

Mặc dù mướp đắng là thực phẩm có tác dụng giảm huyết áp (tốt cho những bệnh nhân huyết áp cao). Tuy nhiên, nếu ăn mướp đắng quá nhiều sẽ dẫn đến huyết áp thấp, gây đau đầu, chóng mặt. Vì vậy, đối với những bệnh nhân có huyết áp thấp, nên hạn chế sử dụng loại rau quả này.

Người bị tiểu đường ăn mướp đắng khi dùng thuốc không tốt cho sức khỏe

Mướp đắng có thể giúp giảm lượng đường trong máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, khi đang sử dụng thuốc để hạ thấp lượng đường thì ăn thêm mướp đắng có thể khiến mức đường trong máu xuống thấp hơn cho phép, không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, đối với bệnh nhân tiểu đường nếu thích ăn mướp đắng thì sắp xếp thời gian xen kẽ giữa thuốc và mướp đắng để bảo vệ sức khỏe.

Loại thực phẩm có vị đắng, nhiều người chê không ăn nhưng mang nhiều lợi ích đáng kinh ngạc - Ảnh 5
Ảnh minh họa: Internet

Sau phẫu thuật ăn mướp đắng sẽ cản trở quá trình kiểm soát lượng đường huyết

Theo các con số thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy mướp đắng có thể cản trở quá trình kiểm soát lượng đường huyết trong và sau khi phẫu thuật. Vì vậy, phương pháp tốt nhất là nên ngừng ăn mướp đắng ít nhất 2 tuần trước và sau thời gian phẫu thuật dự kiến.

3 cách dùng mướp đắng dưỡng tóc

Mướp đắng và sữa chua

Mướp đắng trộn với sữa chua giúp dưỡng tóc chắc khỏe và tạo độ bồng bềnh tự nhiên cho tóc.

Chuẩn bị:

- 1 quả mướp đắng.

- 1/2 hủ sữa chua không đường.

Cách làm:

- Xay quả mướp đắng để lấy nước cốt.

- Thêm nước mướp đắng đã ép và lọc vào vào nửa hủ sữa chua và trộn đều  2 nguyên liệu lại với nhau.

- Bôi hỗn hợp này theo hướng từ chân đến gốc tóc.

- Giữ nguyên hỗn hợp trên tóc trong 30 phút.

Sau đó, gội sạch đầu bằng nước lạnh và dầu gội dịu nhẹ.

Loại thực phẩm có vị đắng, nhiều người chê không ăn nhưng mang nhiều lợi ích đáng kinh ngạc - Ảnh 6
Ảnh minh họa: Internet

Nước ép mướp đắng

Chà xát nước ép mướp đắng lên da đầu giúp da dầu đỡ khô và giảm ngứa da đầu hiệu quả.

Cách làm:

- Chuẩn bị 1 quả mướp đắng.

- Chặt mướp đắng thành từng lát, bỏ ruột.

- Cho mướp đắng và xay nhuyễn.

- Chia tóc thành nhiều phần nhỏ hơn. Xoa mướp đắng đã xay lên da đầu theo chuyển động tròn trong vài phút.

Sau đó, gội sạch đầu như bình thường.

Loại thực phẩm có vị đắng, nhiều người chê không ăn nhưng mang nhiều lợi ích đáng kinh ngạc - Ảnh 7
Ảnh minh họa: Internet

Mướp đắng và hạt thì là 

Hỗn hợp này có hiệu quả trong việc điều trị gàu. Chiết xuất thì là và mướp đắng có đặc tính kháng nấm giúp duy trì da đầu sạch và khỏe mạnh.

Chuẩn bị:

- 1 muỗng canh nước ép mướp đắng (khoảng 15ml).

- 1 muỗng canh hạt thì là (khoảng 15 gram).

Cách làm:

- Trộn đều cả 2 nguyên liệu với nhau.

- Thoa hỗn hợp lên da đầu.

- Để trong 20 phút cho da đầu khô.

- Gội sạch bằng nước ấm. 

Loại quả đen mọng như nho gắn liền với tuổi thơ còn chứa nhiều lợi ích tuyệt vời mà không phải ai cũng biết

Quả trâm vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe nhưng bạn cần lưu ý khi ăn để tránh phản tác dụng.

TIN MỚI NHẤT