Rốn trẻ sơ sinh chảy nước vàng, mẹ có nên lo lắng?

Chăm sóc con 11/12/2019 10:17

Đừng quá lo lắng khi thấy rốn trẻ sơ sinh chảy nước vàng vì đây là dấu hiệu bình thường. Tuy nhiên, nếu có những dấu hiệu khác kèm theo thì mẹ nên cẩn trọng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến mẹ những thông tin cần thiết.

1. Quá trình rụng rốn của trẻ sơ sinh

Nếu mẹ chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh một cách cẩn thận và không gây ra các biến chứng nào khác thì khoảng 1-3 tuần sau khi sinh, dây rốn của trẻ sẽ khô và rụng tự nhiên. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp cá biệt rốn của trẻ có thể phải mất 1 tháng để rụng đi hoàn toàn.

ron tre so sinh chay nuoc vang me co nen lo lang 1
Quá trình rụng rốn ở trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ rụng rốn trong vòng 2 tuần đầu tiên, trừ một số trường hợp đặc biệt như trẻ bị chồi hạch rốn hoặc các mạch máu rốn chậm khô sẽ rụng chậm hoặc bị nhiễm trùng, rốn trẻ sơ sinh chảy nước vàng.

Ngoài ra, khi rụng rốn, chân rốn có thể rỉ ra một ít dịch trắng và hôi khoảng 3 ngày là sạch. Trong trường hợp rụng rốn, nếu trẻ vẫn bị chảy nước vàng thì có thể con đã bị chồi hạch rốn. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu không điều trị tốt thì có thể dẫn tới nhiễm trùng rốn.

2. Rốn trẻ sơ sinh chảy nước vàng: dấu hiệu bình thường và nguy hiểm

ron tre so sinh chay nuoc vang me co nen lo lang 2
Rốn trẻ sơ sinh chảy nước vàng - Ảnh minh họa: Internet

Điều đầu tiên mà các mẹ cần ghi nhớ đó là khi rốn trẻ còn ướt thì tuyệt đối không được đắp hoặc bôi bất cứ thứ gì lên đó với mong muốn nhanh làm khô rốn. Việc làm này có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng hoặc ngộ độc nặng dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. Thường khi rốn trẻ sơ sinh chưa rụng thì nó có thể chảy một ít dịch vàng nơi chân rốn, có thể có chút màu nâu do dính máu đông ở mặt cắt của cuống rốn. Tuy nhiên, nếu rốn bị chảy nước có mùi hôi, hoặc chảy nhiều nước vàng thì mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ.

Trường hợp rốn trẻ sơ sinh chảy nước vàng kéo dài khoảng 1 tuần mà vẫn chưa khỏi thì các mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó khi chăm sóc vệ sinh rốn cho bé nếu thấy có biểu hiện như rốn trẻ sơ sinh có mủ sau khi rụng, sưng đỏ, chảy máu, hay rốn trẻ sơ sinh bị ướt sau khi rụng có mùi hôi kèm theo sốt, quấy khóc thì nên đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

3. Sai lầm thường gặp trong chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh

Một trong những quan niệm sai lầm về việc chăm sóc rốn cho bé là băng rốn quá chật, quá kín. Nhiều người thường nghĩ rằng, băng kín rốn giúp bảo vệ rốn. Nhưng trái lại, việc băng rốn quá kín sẽ tạo môi trường tốt cho vi trùng phát triển, làm rốn trẻ sơ sinh chảy nước vàng…

ron tre so sinh chay nuoc vang me co nen lo lang 3
Những sai lầm thường gặp khi chăm sóc rốn trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài băng kín rốn, nhiều mẹ khi thấy rốn của con gần rụng, chỉ còn dính một phần rất nhỏ với cuống rốn đã tự ý giật hoặc cạy bỏ. Cách làm này có thể gây tổn thương nguy hiểm và nghiêm trọng cho bé. Có nhiều bà mẹ lại quá vệ sinh, tắm và lau rửa rốn cho bé thường xuyên mà không biết rằng, chăm sóc sai phương pháp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rốn lâu rụng hay viêm nhiễm rốn ở con.

Chưa kể, các bà các mẹ nuôi con theo quan niệm cũ còn tự ý bôi thuốc đỏ, các chất lạ, đắp lá, rắc hạt tiêu v.v… lên cuống rốn bé với hy vọng sẽ giữ vệ sinh cho rốn và làm cho rốn mau rụng. Chính sự thiếu hiểu biết này là nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ bị nhiễm trùng rốn nặng, khó điều trị và để lại di chứng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, vàng da. 

Dù nhiều bé sinh thường, đủ tháng, cân nặng đủ chuẩn, bé khỏe mạnh, bú tốt, được băng rốn rất kín, nhưng khi thăm khám thấy rốn trẻ sơ sinh bị ướt sau khi rụng hoặc chưa rụng, kiểm tra thấy rốn bé được đắp bằng chất thuốc màu đen. Hỏi bệnh kỹ, bác sĩ phát hiện ra mẹ bé nghe theo lời mách bảo của người quen nên đã đắp cuống rốn bé bằng sái á phiện để làm khô rốn, làm bé bị ngộ độc sái á phiện nặng, có nguy cơ tử vong cao. 

Cảnh giác với nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh

Khi còn trong bụng mẹ, bé nhận chất dinh dưỡng và oxy qua nhau thai bám vào thành trong tử cung mẹ, nhau thai được nối với em bé bằng dây rốn thông qua một lỗ nhỏ trên bụng của bé. Sau khi bé chào đời, dây rốn không còn tác dụng gì và được cắt bỏ. Thông thường, dây rốn sẽ tự khô và rụng trong vòng từ 1 – 2 tuần. Trong thời gian rốn chưa khô rụng, nếu không được chăm sóc tốt, bộ phận này sẽ là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bé, gây nhiễm khuẩn. Các nhiễm khuẩn rốn thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh gồm các loại sau:

ron tre so sinh chay nuoc vang me co nen lo lang 4
Chăm sóc không đúng cách có thể khiến trẻ lâm vào tình trạng nguy hiểm - Ảnh minh họa: Internet
  • Viêm rốn có mủ: Các mẹ có thể phát hiện bé bị viêm rốn có mủ khi thấy những triệu chứng sau: chân rốn bé bị tấy đỏ, phù nề, rốn bị chảy nước có mùi hôi, chảy mủ vàng và lâu rụng. Bé có thể bị sốt hoặc không, quấy khóc, không chịu bú … Nếu thấy bệnh biểu hiện nhẹ, các mẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách thay băng hàng ngày cho bé, nặn hết mủ, rửa rốn bằng dung dịch oxy già, sau đó lau khô rồi rắc bột kháng sinh, dùng băng gạc vô trùng băng lại. Tuy nhiên nếu biểu hiện bệnh nặng, bé sốt cao, bỏ bú, toàn thân mệt mỏi, suy sụp … cần phải đưa bé đến ngay cơ sở y tế.
  • Viêm mạch máu rốn: Mạch máu rốn gồm 2 động mạch, 1 tĩnh mạch. Sau khi bé ra đời, các mạch máu rốn sẽ xẹp và xơ hóa. Quá trình này thường kéo dài 6 - 8 tuần sau khi sinh, có trường hợp đến 9 – 11 tuần. Nếu chăm sóc không tốt, vi khuẩn có thể vào các mạch máu, gây viêm nhiễm. Các động mạch này càng dễ bị viêm nhiễm hơn nếu sau khi cắt rốn, máu ở khu vực này còn tồn đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Do đó, khi  thấy thành bụng phía dưới rốn bị phù nề, tấy đỏ, mẹ vuốt thành bụng theo chiều từ xương mu lên rốn thấy mủ chảy ra, bé quấy khóc, biếng ăn, mệt mỏi … có thể bé đã bị viêm động mạch rốn. Ngược lại, khi vuốt thành bụng từ mỏm ức xuống rốn thấy mủ chảy ra, thành bụng phía trên rốn tấy đỏ, phù nề, bé có thể đã bị viêm tĩnh mạch rốn. Chứng viêm tĩnh mạch rốn rất nguy hiểm, vì vi khuẩn dễ lan ra các cơ quan xung quanh như gan, mật, dẫn tới nhiễm trùng huyết, vì  vậy, các mẹ cần đưa bé đến bệnh viện sớm nếu phát hiện các triệu chứng trên để được chữa trị kịp thời.

>>> Xem thêm:

- Cách nắn chân cho trẻ sơ sinh an toàn và những lưu ý quan trọng cha mẹ cần biết

- Các loại thực phẩm chứa Vitamin D bà mẹ và trẻ sơ sinh nên bổ sung

4. Cách thay băng rốn đúng cách khi rốn trẻ sơ sinh chảy nước vàng

Khi rốn trẻ sơ sinh bị ướt sau khi rụng, việc chăm sóc vệ sinh phải thực hiện đúng cách để tránh cho bé bị nhiễm trùng dẫn đến hoại tử thậm chí đe dọa đến tính mạng của bé. 

ron tre so sinh chay nuoc vang me co nen lo lang 5
Cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet
  • Thay băng quấn quanh rốn bé là việc làm thường ngày trong quá trình rốn của bé đang rụng.
  • Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi thay băng cho bé.
  • Tháo bỏ băng rốn cũ nhẹ nhàng tránh cọ xát mạnh khiến rốn bé bị tổn thương.
  • Tẩm cồn 90 độ vào bông y tế rồi thấm dần xung quanh phần rốn của bé để sát trùng. Lưu ý nên thoa từ đầu cuống rốn rồi mới lan ra phần xung quanh.
  • Lấy một miếng gạc đặt vào chân cuống rốn rồi kéo phủ dần lên đầu rốn. Cuối cùng dùng băng sạch quấn quanh rốn bé và quấn dần ngang bụng.   

Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh

Khi vệ sinh rốn cho trẻ mẹ cần làm theo các bước sau:

  • Rửa sạch tay và lau khô trước khi vệ sinh rốn cho trẻ (có thể sử dụng cồn 90 độ để rửa lại lần nữa).
  • Tháo băng rốn và kiểm tra xem có bất thường gì không (mùi lạ, chảy mủ, sưng hay chảy máu,…).
  • Dùng bông tăm nhúng nước sôi để nguội lau sạch rốn từ chân tới thân rốn, lau bề mặt cuống rốn sau cùng (lưu ý thay bông băng sau khi lau qua từng vị trí) rồi thấm khô bằng bông sạch.
  • Sát trùng vùng quanh rốn bằng cồn 70 độ, sau đó để hở hoặc băng lại bằng gạc mỏng. Lưu ý khi quấn tã tránh vùng rốn bé để không gây bí, nóng dễ dẫn đến viêm nhiễm.
  • Sau khi vệ sinh rốn cho trẻ, bạn cũng đừng quên lau khô khu vực rốn và xung quanh rốn với một miếng gạc sau khi làm sạch rốn. Bạn tuyệt đối tránh sử dụng bông gòn vì những sợi từ bông gòn thường dính vào rốn và có thể gặp khó khăn để lấy ra, gây các biến chứng khác cho rốn.
  • Trước khi cuống rốn khô và rụng khỏi rốn, bạn hãy chú ý giữ tã của trẻ che hờ phần rốn và bụng để tránh bất cứ điều gì có thể va chạm tới phần rốn. Mỗi khi bạn thay một tã mới, gấp tã ở phía trên để đảm bảo rằng rốn không bị trầy xước da và lưu thông không khí.
  • Bạn cần giữ cho rốn của trẻ được khô ráo ngay cả trong lúc tắm, tuyệt đối không ngâm cuống rốn của trẻ.
  • Một lưu ý nữa là bạn tuyệt đối không được sử dụng nước hoa, dầu gội để tắm hoặc rắc bột lên trên hoặc xung quanh rốn của trẻ
  • Khi bị rơi rụng, rốn của một số trẻ có hiện tượng bị chảy máu. Điều này khiến ba mẹ trẻ lo lắng nhưng đôi khi đây là hiện tượng bình thường. Nó có thể mất 5-10 ngày để chữa trị và chăm sóc cho khu vực này sau khi rốn đã rụng.
ron tre so sinh chay nuoc vang me co nen lo lang 6
Chăm sóc rốn đúng cách giúp bé yêu phát triển toàn diện hơn - Ảnh minh họa: Internet

Rốn trẻ sơ sinh chảy nước vàng là hiện tượng thường xuyên xảy ra khi bé mới sinh. Các mẹ nên chăm sóc và vệ sinh vùng rốn cho bé luôn sạch sẽ khô thoáng để rốn của bé không bị nhiễm trùng. Lưu ý phải thường xuyên quan sát biểu hiện xung quanh rốn của trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh!

Những “thủ phạm” quen thuộc gây bệnh tiêu chảy ở trẻ

Tiêu chảy là một triệu chứng phổ biến ở trẻ em. Việc tìm ra được các nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bố mẹ có biện pháp điều trị và chăm sóc trẻ phù hợp hơn để nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

TIN MỚI NHẤT