Bác sĩ Nhi tư vấn cách chăm sóc trẻ bị ho tại nhà để bé nhanh khỏi

Chăm sóc con 29/06/2018 11:29

Ho là hiện tượng thường gặp ở trẻ em trước các tác nhân ảnh hưởng đến đường hô hấp. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ho, cha mẹ cần theo dõi và đưa bé đi khám kịp thời nếu cơn ho kéo dài kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác.

Nguyên nhân khiến trẻ bị ho

Ho là triệu chứng bình thường của cơ thể nhằm phản ứng với các tác nhân ảnh hưởng đến đường thở để tống đờm, nước mũi, vi trùng và những tạp chất khỏi phế quản. Ở trẻ em, triệu chứng ho xuất hiện rất phổ biến và sẽ kéo dài đến khi bé được 3 – 4 tuổi.

Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết có nhiều nguyên nhân khiến trẻ em bị ho. Trẻ bị ho do viêm đường hô hấp (viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi….) hoặc bị trào ngược dạ dày. Khi ho nhiều quá trẻ sẽ có hiện tượng nôn ói.

Bác sĩ Nhi tư vấn cách chăm sóc trẻ bị ho tại nhà để bé nhanh khỏi - Ảnh 1
Trẻ em sẽ đối mặt với rất nhiều cơn ho kéo dài đến gần 4 tuổi - Ảnh minh họa: Internet

Thông thường, trẻ sẽ có biểu hiện ho khan và ho có đờm. Trẻ bị ho khan khi bị viêm mũi họng, ngạt mũi hoặc hắt xì hơi, chảy nước mũi kèm theo các dấu hiệu nôn trớ, mệt mỏi, bỏ ăn. Chứng ho có đờm xuất hiện khi trẻ mắc viêm hoang hoặc viêm phế quản. Dịch đờm loãng hoặc đặc tiết ra khi ho khiến bé cảm thấy nặng ngực và khó thở. Ngoài ra, trẻ còn có biểu hiện ho sù sụ khi bị nhiễm trùng thanh khí quản, ho lâu ngày do nhiễm trùng đường hô hấp hoặc ho khò khè khi bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới.

Bác sĩ Nhi tư vấn cách chăm sóc trẻ bị ho tại nhà để bé nhanh khỏi - Ảnh 2
Trẻ bị ho nhiều có thể dẫn đến nôn trớ - Ảnh minh họa: Internet

Để chẩn đoán chính xác bệnh tình của trẻ, Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu: Trẻ dưới 3 tháng ho nhiều, ho kéo dài, thở nhanh, thở lõm ngực kèm theo triệu chứng sốt cao li bì, bỏ bú, bỏ ăn.

Cách chăm sóc trẻ bị ho tại nhà

Khi cho trẻ uống thuốc ho, Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý các bậc cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc ho thảo dược tại nhà hoặc áp dụng các phương thuốc chữa ho theo cách dân gian nhưng cần đảm bảo hợp vệ sinh.

Bác sĩ Nhi tư vấn cách chăm sóc trẻ bị ho tại nhà để bé nhanh khỏi - Ảnh 3
Khi trẻ vừa chớm ho, mẹ có thể cho trẻ uống thảo dược hoặc áp dụng cách dân gian - Ảnh minh họa: Internet

Nếu trẻ uống thuốc tân dược cần phải có chỉ định của bác sĩ, không nên tự đọc hướng dẫn sử dụng rồi cho bé uống kẻo không đảm bảo liều lượng. Thuốc ho tân dược loại siro phải dùng liều chính xác, nên dùng ống tiêm đong theo thể tích đã chia, không sử dụng muỗng cà phê để ước lượng.

Bác sĩ Nhi tư vấn cách chăm sóc trẻ bị ho tại nhà để bé nhanh khỏi - Ảnh 4
Mẹ nên dùng ống tiêm khi cho trẻ uống thuốc ho để đảm bảo liều lượng chính xác - Ảnh minh họa: Internet

Trong chế độ dinh dưỡng, mẹ cần cho trẻ bú đủ, ăn đủ và kiêng một số thực phẩm có nguy cơ khiến cơn ho trầm trọng hơn như hải sản, thịt bò, các loại hạt… Theo hướng dẫn của bác sĩ Khanh, cha mẹ cần chú ý theo dõi tình hình sức khỏe của con khi trẻ bị ho. Trẻ sơ sinh cần được bú đủ sữa theo nhu cầu và uống đủ nước theo độ tuổi. Phòng ngủ của trẻ cần thông thoáng, tránh quá nóng hoặc quá lạnh, tránh khói bụi đặc biệt là khói thuốc.

 

Hướng dẫn thời gian ngủ cho trẻ 2-17 tuổi của Mỹ: Bố mẹ Việt đang làm khác

Quỹ giấc ngủ quốc gia (Mỹ) cho biết trẻ từ 4 tuổi không cần ngủ trưa, thay vào đó là tăng thời gian ngủ vào ban đêm.

TIN MỚI NHẤT