Gia đình 3 người tí hon ở Bến Tre chỉ cao 1m, nương tựa nhau trong căn nhà vỏn vẹn 1 chiếc võng và gian bếp nhỏ

Xã hội 19/01/2024 08:56

Người đàn ông tí hon cho biết, anh ngừng phát triển chiều cao từ năm 2 tuổi, đến độ 6-7 tuổi mới biết đi, dù bản thân anh chào đời bình thường như bao người khác.

Tại Chợ Lách (Bến Tre), có một gia đình vô cùng đặc biệt, bởi các thành viên trong nhà đều là người tí hon. Dù cuộc sống có phần vất vả, nhưng gia đình anh Sơn (SN 1985) luôn ngập tràn tình yêu thương. Theo thông tin từ Tri thức Cuộc sống, anh Sơn chia sẻ: "Tôi là chồng, tên Sơn. Còn vợ tôi tên Kim Hồng, năm nay 50 tuổi, tính ra hơn tôi 11 tuổi. Chúng tôi có một cậu con trai tên Lộc được 14 tuổi.

Sở dĩ người dân vùng này gọi chúng tôi là gia đình đặc biệt vì ai cũng... lùn. Tôi cao 1m3, vợ 1m và con trai cao dưới 1m". Được biết, anh Sơn và vợ con sống trong một căn nhà đơn sơ, chỉ có vỏn vẹn một chiếc võng bên cạnh bàn bếp.

Gia đình 3 người tí hon ở Bến Tre chỉ cao 1m, nương tựa nhau trong căn nhà vỏn vẹn 1 chiếc võng và gian bếp nhỏ - Ảnh 1
Gia đình 3 thành viên của anh Sơn - Ảnh: Tri thức và Cuộc sống 

Người đàn ông tí hon cho biết, anh ngừng phát triển chiều cao từ năm 2 tuổi, đến độ 6-7 tuổi mới biết đi, dù bản thân anh chào đời bình thường như bao người khác.

Lúc ấy, bố mẹ anh đã nhận thấy điểm bất thường ở con, nhưng không đưa anh đến bệnh viện kiểm tra vì gia cảnh khó khăn. Kể về cơ duyên gặp người vợ của mình, anh tâm sự: "Đến tuổi trưởng thành, tôi có đi mần mướn kiếm tiền nuôi thân và đỡ đần bố mẹ. Tôi cũng khao khát được yêu, có một tổ ấm nhỏ cho riêng mình.

Bữa đó, tôi được anh làm cùng ngỏ lời mai mối cho đứa em họ của anh ấy ở xã bên. Anh ấy nói chúng tôi trông rất đẹp đôi, có tướng phu thê. Tôi chẳng tin nhưng cứ đồng ý đến nhà cô gái đó coi sao.

Đến đó, tôi ngỡ ngàng khi cô gái lớn tuổi hơn mình rất nhiều, song lại có chút cảm thông vì chung cảnh ngộ... tí hon. Tôi nói chuyện vài câu liền nảy sinh hảo cảm nên tỏ tình luôn. Tôi vẫn nhớ như in câu nói: "Chị có chịu lấy em không?"”.

Trước lời yêu thương từ anh Sơn, chị Kim Hồng có phần xao xuyến. Thế nên, chị liền nhận lời hẹn hò với chàng trai chung cảnh ngộ là người tí hon với mình. Trải qua 6 tháng bên nhau, cả hai tiến đến hôn nhân. Theo lời anh Sơn chia sẻ, chính anh là người “nóng vội” trong chuyện kết hôn. Vì cho rằng gặp được chị Hồng là duyên định mệnh, anh đã thưa chuyện bố mẹ để nhanh chóng hỏi cưới vợ mình.

Người đàn ông tí hon tự hào nhớ lại: “Thế là đám cưới của chúng tôi đã diễn ra trong sự vui mừng họ hàng đôi bên, hàng xóm láng giềng. Tôi cũng không thể ngờ mình có thể cưới được vợ hiền đảm như vậy".

Sau đó một năm, chị Kim Hồng thông báo rằng mình có thai. Cả hai vợ chồng anh Sơn đều vô cùng xúc động vì luôn nghĩ thân hình đặc biệt của mình sẽ khó có con được. Ngoài ra, anh Sơn còn canh cánh nỗi lo chuyện con sẽ mang gen đặc biệt của bố mẹ.

“Ví dụ vợ tôi bình thường, 50% con sẽ giống mẹ nhưng đây cả hai đều lùn thì nguy cơ 99% như vậy. Song cô ấy động viên có thể may mắn con rơi vào 1% còn lại - giống các bác, cô, dì cậu thì sao, vì vậy, tôi lại nuôi hi vọng có phép màu xảy ra. Ngờ đâu đứa trẻ chào đời, bác sĩ chẩn đoán con mang gen của bố mẹ. Có nghĩa nó sẽ chậm phát triển chiều cao, thậm chí trí não cũng vậy. Tôi buồn lắm nhưng chẳng thể thay đổi được số phận, đành dồn hết tình yêu thương để bù đắp thiệt thòi cho con", người đàn ông bộc bạch.

Hiện cậu bé Lộc - con của vợ chồng anh Sơn đang học lớp 7. Em cho biết bản thân từng cảm thấy buồn tủi vì ngoại hình đặc biệt của mình: "Hồi em học cấp I, các bạn còn nhỏ chưa hiểu chuyện có trêu đùa việc em tí hon mãi không cao được. Em buồn lắm, về khóc oà với ba mẹ.

Ba động viên em hãy cố gắng, không bận tâm đến lời đó và hãy coi bản thân đặc biệt nên gây sự "chú ý". Khi em lên cấp II, các bạn dần thay đổi suy nghĩ, biết em thiệt thòi nên thường giúp đỡ, chỉ bài khó. Còn thầy cô luôn thương cảm nên ưu ái, quan tâm".

Chi tiêu và sinh hoạt của gia đình phụ thuộc hết vào tiền lương từ công việc phụ khiêng cây cảnh của anh Sơn. Những tuần cận tết, công việc của anh Sơn ổn định hơn. Anh nhận lương trong ngày với 200.000 đồng một ngày làm. Còn những ngày mưa, chủ không thuê nhân công nên anh Sơn không có việc để làm, hằng ngày anh chăm sóc vườn cây trước nhà với hy vọng có thể kiếm được tiền trang trải cuộc sống.

Nghe người đàn ông tí hon tâm sự, ai nấy đều nghẹn ngào nỗi xúc động: "Tôi làm được từng đó tiền nhưng chi phí nhiều lắm. Ví dụ ngày nào cũng tốn 40.000 đồng thuê xe đưa rước thằng Lộc đi học; tiền mua gạo, cái ăn và thuốc thang cho vợ. Tôi chẳng ước cao sang gì, chỉ mong trời thương cho sức khoẻ để làm ăn. Tôi cũng hi vọng có chút tiền đưa vợ lên bệnh viện trung ương thăm khám bệnh. Như vậy tôi mãn nguyện lắm rồi".

Gia đình 3 người tí hon ở Bến Tre chỉ cao 1m, nương tựa nhau trong căn nhà vỏn vẹn 1 chiếc võng và gian bếp nhỏ - Ảnh 2
Vợ chồng anh Sơn cùng con trai sống trong căn nhà tồi tàn, bên trong chẳng có thứ gì giá trị ngoài chiếc võng cùng bàn bếp thấp lè tè - Ảnh: Tri thức và Cuộc sống

Không hiếm trường hợp "người tí hon" ở Việt Nam, dẫn tin từ Dân Trí, tại xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp nhắc đến gia đình bà Đoàn Thị Nhạn (64 tuổi) không ai là không biết, vì các con của bà Nhạn có chiều cao rất khiêm tốn, chỉ từ 1,1 đến 1,2m. 

Bà Nhạn cho biết, vợ chồng bà lấy nhau sinh ra 5 người con gồm 2 trai và 3 gái.  Người con đầu và người con út đều sở hữu chiều cao, thể trạng như người thường song 3 người con thứ hai, thứ ba và thứ tư đều có thân hình tí hon.

Chị Nguyễn Thị Diễm, năm nay 39 tuổi, chỉ cao 1,1m, anh Nguyễn Văn Độ (37 tuổi) cao 1m và anh Nguyễn Văn Lượng (35 tuổi) cao gần 1,2m. Vợ anh Lượng là chị Thu Đào cũng có chiều cao khiêm tốn. 

Bà Nhạn kể, bà và chồng đều có chiều cao trung bình trên 1,5m, nội ngoại hai bên không ai có chiều cao thấp, chỉ có điều chân chồng bà hơi ngắn. 

"Lúc sinh đứa đầu thấy bình thường đến ba đứa tiếp theo thì đứa nào cũng bụ bẫm nặng hơn 3kg nhưng tới lúc thôi nôi thì không hiểu sao nuôi mãi chúng không lớn, chậm biết đi, biết nói hơn những đứa trẻ khác", bà Nhạn tâm sự.

Gia đình 3 người tí hon ở Bến Tre chỉ cao 1m, nương tựa nhau trong căn nhà vỏn vẹn 1 chiếc võng và gian bếp nhỏ - Ảnh 3
Tay chân của anh Độ và chị Diễm khá nhỏ nên việc đi lại, cầm nắm đều bị hạn chế - Ảnh: Dân Trí

Cũng theo bà Nhạn, 2 đứa con gái đầu lòng và con út có thể chạy nhảy, đến trường học thì 3 người con giữa của bà Nhạn lại chậm phát triển. Vợ chồng bà vừa lo làm lụng kiếm tiền nuôi con, còn phải dành nhiều thời gian chăm sóc, ẵm bồng. 

"Con gái thứ ba đến 6 tuổi mới biết đi, đứa kế thì tới 10 tuổi. Không giống như con người ta có thể bò di chuyển mà chúng chỉ biết lăn tới lăn lui. Trong ba đứa thì Độ là đứa con kém nhất, đến giờ dù 37 tuổi nhưng nó vẫn khờ khạo, chậm chạp hơn Diễm và Lượng", bà Nhạn thở dài nói. 

Gia đình 3 người tí hon ở Bến Tre chỉ cao 1m, nương tựa nhau trong căn nhà vỏn vẹn 1 chiếc võng và gian bếp nhỏ - Ảnh 4
Có 5 người con nhưng 3 người con giữa của bà Đoàn Thị Nhạn có thân hình thấp bé không ai cao hơn 1,2m. Cơ thể khác biệt nhưng các con của bà Nhạn luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống - Ảnh: Dân Trí

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước cho biết, gia đình bà Nhạn là hộ có hoàn cảnh đặc biệt ở địa phương, trong khi các thành viên trong nhà đều cao ráo duy chỉ 3 người con giữa lại thấp bé.

"Chính vì chiều cao hạn chế nên những người con của bà Nhạn làm việc vất vả hơn người bình thường. Dù khó khăn nhưng họ luôn cố gắng vươn lên. Thời gian qua địa phương cũng dành nhiều sự quan tâm, 3 người con đều được hỗ trợ theo đúng chế độ của Nhà nước, mỗi dịp lễ, Tết địa phương đều có quà tặng gia đình và đào tạo an sinh việc làm", ông Tuấn thông tin thêm. 

Hồi kết cuối cùng vụ bé V.A bị dì ghẻ bạo hành như thời trung cổ: Không có cơ sở kết luận bố đẻ tội đồng phạm giết người

Không có cơ sở kết luận Nguyễn Kim Trung Thái đồng phạm giết người với Nguyễn Võ Quỳnh Trang. Do đó, cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án Nguyễn Kim Trung Thái về tội "Hành hạ người khác" và tội " Che giấu tội phạm" là có căn cứ.

TIN MỚI NHẤT