Loại bệnh truyền nhiễm đang khiến nhiều trẻ nhập viện, cha mẹ cần cẩn trọng

Tin y tế 04/03/2023 07:37

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện tiếp nhận trẻ nhỏ đến khám và điều trị bệnh do virus Varicella – Zoster gây ra.

Theo VnExpress, là căn bệnh nguy hiểm, thủy đậu có thể lây truyền từ người sang người chủ yếu qua dịch tiết đường hô hấp khi người bệnh nói, hắt hơi hoặc ho… thì các virus theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài hoặc dịch các nốt phỏng nước trên da vỡ ra. Bệnh có thể gây thành dịch, thường xảy ra vào mùa đông xuân và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, ở những nơi đông đúc như nhà trẻ, trường học….

Tại Khoa Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông), bé M.A., 4 tuổi xuất hiện chi chít các nốt phỏng nước ở mặt, thân mình và tay chân. Khoảng 4 ngày trước trẻ sốt cao trên 38 độ C và nổi nhiều vết phỏng nước ở mặt và nhanh chóng lan ra toàn thân. Mẹ bệnh nhi cho biết con mình bị lây nhiễm sau khi lớp học mầm non có nhiều trường hợp đã mắc thủy đậu. “Từ tết đến giờ lớp của con rải rác các ca mắc thủy đậu. Cả lớp có hơn 40 trẻ thì tới nay cũng đã có khoảng 50% mắc bệnh”, mẹ bệnh nhi cho biết.

Loại bệnh truyền nhiễm đang khiến nhiều trẻ nhập viện, cha mẹ cần cẩn trọng - Ảnh 1
Bệnh thủy đậu dễ lây truyền. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Nhiệt đới gần đây ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông có tình trạng gia tăng bệnh nhân thủy đậu. “Trước đây 1 tháng, thậm chí một vài tháng mới có bệnh nhân thủy đậu thì từ tết Nguyên đán tới nay, con số này tăng lên. Riêng 1 tuần nay, khoa đã tiếp nhận 10 trường hợp phải điều trị nội trú. Trong số này, dù có cả các ca bệnh người lớn. Tuy nhiên chủ yếu vẫn là trẻ em”, bác sĩ Kim Anh nói.

Tại Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), TS. Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng cho hay, gần đây tiếp nhận nhiều ca bệnh với chẩn đoán thủy đậu nhập viện với các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12-24 giờ.

Trong bối cảnh bệnh dịch dễ lây lan và bùng phát trong mùa đông xuân, các bác sĩ khuyến cáo, cách phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách chủ động và có hiệu quả nhất đó là chủng ngừa thủy đậu bằng vắc xin. Đối với các trẻ lớn hơn và người lớn, nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất.

Hiện tại bệnh thủy đậu không có biện pháp điều trị đặc hiệu mà thường tập trung làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. “Vì vậy, việc chăm sóc người bệnh thủy đậu rất quan trọng, cần ăn uống đầy đủ, ăn thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ, bệnh nhân tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo”, bác sĩ Mạnh nói.

Theo Zing, khi bị thủy đậu, bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo người bệnh nên sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn. Về việc chăm sóc nốt phỏng trên da, nếu vệ sinh tốt, người bệnh không cần bôi thuốc. Lưu ý, ban thủy đậu rất ngứa nhưng người bệnh không được gãi vì dễ gây nhiễm trùng da do vi khuẩn, để lại sẹo.

Vì vậy, người bệnh không cần kiêng tắm, vệ sinh da sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, tránh ra mồ hôi làm tăng cảm giác khó chịu, ngứa.

Bệnh nhân cũng cần uống nhiều nước, nên chọn các thực phẩm dạng lỏng như cháo, súp, sinh tố đặc biệt khi có mụn nước thủy đậu trong miệng.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Còn tâm lý e ngại trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế

Chiều 3/3 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì buổi họp báo.

TIN MỚI NHẤT