Chuyên gia lí giải nguyên nhân Việt Nam chưa thể công bố hết dịch COVID-19

Tin y tế 17/05/2023 09:55

Theo Bộ Y tế, mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ bất ngờ xảy đến. Mỗi người dân cần tuân thủ 5K và không được chủ quan.

Vẫn tiếp tục ghi nhận có biến chủng mới liên tục xuất hiện

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - mới đây thông tin trên Báo Lao động cho biết, dịch bệnh COVID-19 vẫn được đánh giá diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các biến chủng mới và các tác nhân luôn thay đổi, diễn biến bất ngờ. Các chuyên gia vẫn tích cực theo dõi để kiểm soát tình hình một cách chủ động.

Trên thế giới, nếu cuối tháng 3 ghi nhận 500 biến thể phụ Omicron thì hiện con số này đã lên đến 600. Các biến thể phụ lưu hành phổ biến tại các nước thì ở Việt Nam cũng đã ghi nhận.

Chuyên gia lí giải nguyên nhân Việt Nam chưa thể công bố hết dịch COVID-19 - Ảnh 1
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường và xuất hiện nhiều biến chủng mới - Ảnh - VTV 

Do đó, tại Việt Nam, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tiếp tục được áp dụng. Đặc biệt, các địa phương đánh giá mức độ dịch, công khai tình hình dịch sẽ giúp người dân trên cả nước luôn biết được mức độ dịch, có các giải pháp phòng, chống phù hợp. Cùng với bao phủ vaccine COVID-19 rộng, việc phòng, chống dịch linh hoạt, không áp dụng “zero COVID” như giai đoạn đầu giúp cho trong nước kiểm soát phòng, chống dịch hiệu quả và ứng phó phù hợp với tình huống dịch.

Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam đang tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 với hình thức quản lí bền vững. Bộ Y tế đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị cộng đồng chủ động thực hiện 5K khi đến các nơi công cộng, đông người để bảo vệ bản thân cũng như tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Về chiến lược tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam thời gian tới, GS.TS Phan Trọng Lân cũng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới, và điều đó cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể thích ứng, kiểm soát dịch hiệu quả.

Cần đạt được miễn dịch cộng đồng

Trong giai đoạn hiện nay, việc thay đổi chiến lược tiêm vaccine COVID-19 đang được quan tâm. Để có thể vạch ra các kế hoạch dài hạn cho vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, đánh giá miễn dịch cộng đồng là quan trọng.

Các chuyên gia của Nhà nước cho biết, muốn phòng bệnh thì tiêm vaccine, trước tiên là có miễn dịch cá thể để phòng tránh lây nhiễm cho bản thân và những người xung quanh.

Chuyên gia lí giải nguyên nhân Việt Nam chưa thể công bố hết dịch COVID-19 - Ảnh 2
Các chuyên gia tiếp tục theo dõi tình hình hiệu quả của tiêm vắc-xin và miễn dịch cộng đồng - Ảnh: Internet 

Thứ hai, cần đạt được miễn dịch cộng đồng, càng nhiều người không mắc bệnh sẽ hạn chế được nguồn lây cho người khác. Với vaccine COVID-19, chúng ta đánh giá miễn dịch để biết việc phòng bệnh cho các đối tượng đã đạt được như thế nào.

Chuyên gia cũng cho biết thêm nếu đạt được miễn dịch cộng đồng dù vaccine không giải quyết triệt để khả năng lây nhiễm nhưng nếu cộng đồng có được miễn dịch tốt thì sẽ giảm được mức độ nặng, mức độ lây nhiễm trong cộng đồng và nguy cơ tái nhiễm. Như vậy, sức đề kháng của người dân sẽ được tăng lên.

Khi chúng ta biết được miễn dịch cộng đồng, tỉ lệ những người có biến chứng nặng, nguy cơ tử vong sẽ giảm đi đáng kể và khi ấy sẽ dễ dàng đề ra giải pháp phòng chống dịch COVID-19 hơn. Với vaccine, sẽ cần đánh giá miễn dịch về các yếu tố như mỗi vaccine tiêm như thế nào, vaccine nào đạt tỉ lệ miễn dịch tốt, hiệu quả như thế nào với từng loại đối tượng...

Thứ ba, đánh giá miễn dịch để chúng ta đặt ra vấn đề sẽ tiêm vaccine theo lịch như thế nào để phòng bệnh hiệu quả tối ưu (sử dụng vaccine gì, tiêm cho đối tượng nào, lịch tiêm ra sao) để phù hợp với thực tế miễn dịch cộng đồng.

Theo PGS Phu, trước khi triển khai tiêm vaccine COVID-19, các nghiên cứu đã có thử nghiệm lâm sàng, đánh giá hiệu quả khả năng sinh miễn dịch của vaccine sau khi tiêm, đó là tiêu chí cực kì quan trọng. Bây giờ tiêm xong thì cần đánh giá miễn dịch cộng đồng xem hiệu quả phòng chống dịch khi tiêm vaccine trên diện rộng.

Mỗi ngày vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều ca lây nhiễm cộng đồng

Theo thông tin từ Thanh niên Online, theo thông tin mới nhất (ngày 16/5) kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.594.619 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.172 ca nhiễm).

Số bệnh nhân đang thở oxy trong ngày hôm qua 16/5 là 81 ca, trong đó:

- Thở oxy qua mặt nạ: 73 ca

- Thở oxy dòng cao HFNC: 3 ca

- Thở máy không xâm lấn: 1 ca

- Thở máy xâm lấn: 4 ca

 - ECMO: 0 ca

Số bệnh nhân tử vong:

- Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong.

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.201 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Nóng: Ngày 16/5, có 2.013 ca mắc COVID-19 trong 24h qua

Ngày 16/5: Có 2.013 ca mắc COVID-19 trong 24h qua.

TIN MỚI NHẤT