90 ngày căng thẳng giành giật sự sống cho bé 3 tuổi nhiễm cúm B

Tin y tế 25/12/2022 14:04

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết bệnh nhi 3 tuổi đã trải qua 90 ngày giành giật mạng sống vì nhiễm cúm B và vi khuẩn đa kháng thuốc. Nhiều lần, gia đình trẻ xin đưa con về nhà vì tình trạng chuyển biến quá nặng, nhưng các y bác sĩ đã không từ bỏ.

 

Theo thông tin từ báo Vietnamnet, ngày 25/12, PGS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết bệnh nhi là bé T.H..T (3 tuổi, ở Tây Ninh) đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm.

Đầu tháng 10, T. sốt cao 2 ngày rồi co giật toàn thân vào ngày thứ 3. Bé nhập bệnh viện huyện trong tình trạng suy hô hấp, truỵ tim mạch. Sau khi đặt nội khí quản, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

Thời điểm nhập viện, bé hôn mê, suy hô hấp được thở máy, sốc, phù não, được dùng thuốc vận mạch, kháng sinh. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy bạch cầu máu tăng cao, tổn thương gan nặng, toan hô hấp và chuyển hóa.

Tác nhân gây bệnh được xác định là vi khuẩn Acinetobacter sp và cúm B. Trong đó, cúm B là tác nhân gây suy hô hấp nặng, tổn thương phổi lan tỏa, còn vi khuẩn Acinetobacter sp kháng rất nhiều loại kháng sinh.

90 ngày căng thẳng giành giật sự sống cho bé 3 tuổi nhiễm cúm B - Ảnh 1
Quá trình điều trị gần 90 ngày cho bé T. rất căng thẳng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Nguyên cho hay gia đình đã nhiều lần xin cho bé T. về khi thấy tình trạng quá nặng. Quá trình điều trị rất căng thẳng. Trẻ trải qua 40 ngày thở máy và 10 ngày lọc máu, tổn thương đa cơ quan, trong đó tổn thương phổi nặng. Tình hình khó khăn hơn khi trẻ không thể thực hiện hỗ trợ hô hấp qua màng ngoài cơ thể (ECMO) vì nhiễm vi khuẩn đa kháng.

Mỗi ngày, các bác sĩ và điều dưỡng phải theo dõi kỹ lưỡng, áp dụng tất cả biện pháp hỗ trợ thông khí, hạn chế dịch, lợi tiểu, siêu lọc máu liên tục… nhằm giành lấy mạng sống cho bé.

Khi tổn thương phổi cải thiện, trẻ lại bị tràn khí màng phổi 2 lần, phải đặt ống dẫn lưu. Dinh dưỡng được tính toán phù hợp để bổ sung, giúp trẻ có đủ chất và năng lượng chống chọi bệnh tật.

Sau một thời gian, tình trạng cải thiện dần từ hô hấp, chức năng gan, thận và tri giác. Bệnh nhi được rút ống thở. Tuy nhiên, trong thời gian tiếp theo, trẻ và gia đình sẽ tiếp tục học phục hồi ngôn ngữ, tập vận động, khám tâm lý.

“Bé T. vượt qua giai đoạn tưởng chừng như không thể”, bác sĩ Nguyên chia sẻ. Ông cho biết gần 90 ngày điều trị là hành trình căng thẳng của trẻ và các y bác sĩ Khoa Hồi sức Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

Báo Hà Nội Mới dẫn theo thống kê của Bộ Y tế, hằng năm Việt Nam ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm nhưng có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân. Trong đó, cúm B là một trong những chủng cúm mùa phổ biến.

Hiện nay, nhiều địa phương đã ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh hô hấp nói chung và cúm B nói riêng. Gần đây, cúm B được xác định là nguyên nhân gây ra ổ dịch tại tỉnh Bắc Kạn, khiến hàng trăm trẻ phải nghỉ học.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong vài tuần, số trẻ mắc cúm đa phần có kết quả xét nghiệm cúm B, trong khi trước đó chủ yếu là mắc cúm A. Cả 2 chủng cúm thường có triệu chứng sốt, mệt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, có thể bị buồn nôn, tiêu chảy. Năm nay, số trẻ mắc cúm B có dấu hiệu nặng hơn hẳn mọi năm và đa phần có cả bội nhiễm.

Thông thường, đa số trẻ mắc cúm chỉ cần chăm sóc tại nhà và tự khỏi sau 1 - 2 tuần dù biểu hiện ho, mệt mỏi có thể kéo dài hơn; cũng có một số trường hợp diễn biến nặng do có bệnh mạn tính hoặc rối loạn, suy giảm hệ miễn dịch, nhưng không nhiều...

Riêng tháng 10-2022, đã có 7 trường hợp nguy kịch, trong đó, 4 cháu phải lọc máu, 3 cháu chạy ECMO. Vì vậy, khi chăm sóc trẻ tại nhà, các gia đình cần nhận biết dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đi khám kịp thời.

 

Đang ăn hoa quả, người phụ nữ đột ngột tím tái toàn thân, suy hô hấp nguy kịch phải nhập viện

Được biết trước đó, người phụ nữ có sử dụng một số loại hoa quả quen thuộc như chuối, táo nhưng 10 phút sau đó thì gặp tình trạng như trên.

TIN MỚI NHẤT