Thiếu tôi, để xem cô sống nổi không?

Tâm sự gia đình 04/07/2019 05:19

Chỉ sau ba tháng chị đã thấy... sống nổi. Chị đi vào giấc ngủ say với cảm giác mình đã sống trọn, tiêu dùng thời gian mỗi ngày theo cách mà mình muốn nhất.

Ngày rời khỏi tòa án quận, lòng chị thênh thang những quyết tâm về một cuộc sống mới. Nhưng bên chị là những đay nghiến. Bố chị tuyên bố: “Con điên thật rồi, đừng về nhà nữa!”. Mẹ chị nước mắt ngắn dài: “Sao con ngốc thế, sướng không biết đường mà hưởng?”.

Ai cũng cho rằng một gia đình yên ấm với cặp con cái đủ nếp tẻ, chồng hiền lành, công ăn việc làm ổn định là đích đến của người phụ nữ. Nhưng sâu bên trong chị, sự trống rỗng ngày một sâu hoắm. Mỗi ngày đi làm công sở rồi đều đặn cơm nước đợi chồng, quay cuồng đưa đón con, tối về lại lao vào dọn dẹp, giặt giũ.

Chị luôn cảm giác bế tắc, chật chội và muốn bùng nổ. Bao kìm nén cứ vậy chất chồng qua ngày, đêm đêm chị trằn trọc không ngủ nổi.

Thiếu tôi, để xem cô sống nổi không? - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Chồng chị gia trưởng, luôn nói rằng việc ra ngoài xã hội là của đàn ông, còn vị trí của đàn bà chắc chắn phải ở trong góc bếp. Mỗi tháng anh đưa về một số tiền đủ sinh hoạt của cả nhà là xong nghĩa vụ.

Ngoài số tiền ấy, mỗi dịp sinh nhật, lễ tết, anh “phát chẩn” thêm cho chị một cái phong bì cố định 200 ngàn đồng kèm câu nói: “Em muốn mua gì thì mua”. Gần 10 năm chung sống, tệp phong bì đã chất dày trong tủ mà chị ngán không đụng đến.

Hơn hai lần chị nói với anh về ước mơ có một cửa hàng gốm nhỏ của mình, anh đều gạt phăng: “Cứ buôn thúng bán mẹt, kiếm vài đồng bạc lẻ để làm gì?”. Anh bảo chị dẹp ngay ý định kinh doanh hay làm gì đi vì... thất bại là cái chắc.

Chị muốn con cái được đi chơi, hít thở khí trời nhiều hơn, anh bĩu môi: “Vẽ chuyện! Bảo bọn nó cố gắng mà học cho giỏi, lớn muốn chơi gì chơi. Chứ giờ đổ một đống tiền vào học thêm rồi đến khi thu về số 0 à?”.

Chị lên kế hoạch dậy sớm đọc sách, tập gym, anh bỉ bai: “Người ta làm việc lớn mới cần đọc sách, chứ như vị trí của em thì đọc làm gì? Lại còn tập gym cho tốn thời gian, người em như cái que, tập cũng có đẹp được đâu”.

Nhiều đêm nước mắt rơi ướt gối, nhìn 2 đứa con ngủ sâu giấc bên cạnh, chị lại cất đi ý nghĩ muốn từ bỏ của mình. Nhưng cuối cùng cũng đến ngày chị quyết tâm xin lỗi con và chìa lá đơn ra trước mặt anh. Anh thách thức: “Không có tôi, để xem cô sống nổi không?”. Chị im lặng.

Thiếu tôi, để xem cô sống nổi không? - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Tòa xử chị được nuôi con. Vì công việc quá bận rộn, anh sẽ chu cấp tiền cho con và có thể đến thăm con bất cứ khi nào anh muốn. Chị cũng mong điều đó có thể bù đắp tình cảm cho các con. Chị muốn con vẫn còn cả bố và mẹ, dù cho bố mẹ không sống chung với nhau nữa.

Chỉ mất vài tuần để chị sắp xếp thời gian và tạo lập thói quen mới cho ba mẹ con. Mỗi tuần chị đi chợ đôi lần để đảm bảo những bữa ăn đủ dinh dưỡng cho cả nhà thay vì cái yêu cầu mỗi bữa đều phải thức ăn tươi mới khiến chị ngột ngạt như trước. Mỗi ngày, chị dậy sớm hơn hai tiếng để dành thời gian cho bản thân. Đọc sách, nhẩn nha chăm sóc cây cối, rồi lắc lư theo điệu nhạc, điên rồ theo cách riêng chẳng sợ ai phán xét.

Chị cũng rạch ròi hơn với các con, rằng đã đến lúc ai cũng cần phải sống tự lập, có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Chị muốn trở thành một bà mẹ hạnh phúc của các con bằng cách tìm hiểu và theo đuổi đam mê đã bị bỏ quên.

Dồn những kiến thức về gốm sứ chị tự mày mò, nghiên cứu bao nhiêu lâu qua, chị quyết tâm “chơi lớn”: vay tiền, nhập lô hàng đầu tiên và đăng bán trên Facebook để thăm dò. Những chia sẻ của chị trước nay về cách bày biện, trang trí và ứng dụng gốm sứ vốn đã nhận được nhiều sự ngưỡng mộ của bạn bè. Nên lần này, sự ủng hộ của họ dành cho chị như một điều tất yếu.

Thiếu tôi, để xem cô sống nổi không? - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

Thừa thắng xông lên, chị xin nghỉ hẳn việc để dành thời gian đến tận xưởng gốm chọn và đặt những mẫu không đụng hàng. Chị tìm thấy sự hào hứng trong từng bước chân mình đi, từng việc mình làm. Chị nghĩ, dù không thành công đi nữa thì cái cảm giác hân hoan đang có được cũng đã là điều bao nhiêu lâu chị khao khát. Nhưng hình như cứ làm bằng tình yêu, thành công lại tự nhiên tìm đến. Cửa hàng gốm sứ online chỉ sau ba tháng đã phát triển nhanh chóng, tiền lãi đủ để chị thấy... sống nổi.

Chiếc gối mỗi đêm đã không còn ướt. Thay vào đó, chị nhắm mắt đi vào giấc ngủ say với cảm giác mình đã sống trọn, tiêu dùng thời gian mỗi ngày theo cách mà mình muốn. Chị đã không còn phải đóng vai khúc gỗ, nằm nhìn trần nhà và bên cạnh là tiến ngáy đều đều của chồng. Cũng không còn bị ám ảnh bởi mùi rượu bia nồng nặc sau mỗi lần tiếp khách của ai đó tìm chị để ngấu nghiến thỏa mãn...

Không biết bố mẹ chị có hiểu hơn cho chị không. Nhưng vào ngày giỗ bà, bố chị gọi điện ra: “Con đưa các cháu về thắp hương cho bà nhé!”. Chị rơi nước mắt dạ vâng. Sau bao sóng gió, chị tin mình đã biết đi đúng con đường mình khao khát.

Cuối cùng chị chọn rút đơn ly hôn

“Thưa quý toà, tôi xin rút đơn”, tôi chết sững người khi nghe lời chị. Anh rể nhào sang ôm vợ, òa khóc. Nhưng tôi chẳng biết giọt nước mắt của người đàn ông kia có đáng tin không?

TIN MỚI NHẤT