Nhiễm trùng nặng bàn tay sau khi tự đắp thuốc chữa bỏng

Sức khỏe 10/07/2023 08:58

Bệnh nhân bị bỏng nhưng không đến bệnh viện mà đắp một loại thuốc không rõ nguồn gốc của thầy lang, dẫn đến tổn thương ngày càng nặng, nhiễm trùng, chảy dịch mủ.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam 53 tuổi, vào viện với vết thương bỏng bàn tay bị nhiễm trùng.

Theo chia sẻ của người nhà, cách vào viện khoảng một tháng, bệnh nhân bị bỏng nước sôi (nước canh). Ngay sau đó, bệnh nhân đã đến một nhà người quen (không phải nhân viên y tế) ở làng để xử trí tổn thương, được đắp một loại thuốc không rõ nguồn gốc vào tay. Hằng ngày, bệnh nhân đến đây để thay băng chăm sóc. Tuy nhiên, tổn thương càng ngày càng phức tạp, nhiễm trùng, chảy dịch mủ vàng nặng lên. Khi đó, bệnh nhân mới đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để điều trị.

Nhiễm trùng nặng bàn tay sau khi tự đắp thuốc chữa bỏng - Ảnh 1
Tổn thương bỏng bàn tay bị nhiễm trùng do điều trị sai cách (Ảnh: BSCC)

Trực tiếp thăm khám cho trường hợp này, Ths.BS Phạm Duy Linh - khoa Phẫu thuật Tạo hình chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng để giúp loại trừ các tổn thương phối hợp và cuối cùng đi đến chẩn đoán là vết thương khuyết da nhiễm trùng mu bàn tay (T) do bị bỏng.

BS Linh cho biết, đây là trường hợp tổn thương bỏng ở bàn tay bị nhiễm trùng nặng do điều trị sai cách.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt lọc làm sạch ổ tổn thương. Bệnh nhân được điều trị, chăm sóc thay băng vết thương hằng ngày.

Sau 7 ngày điều trị, tình trạng vết thương đã được cải thiện, hết nhiễm trùng, tổ chức hạt lên đỏ, sạch sẽ. Bệnh nhân sẽ cần được phẫu thuật một lần nữa để đóng tổn khuyết và hồi phục chức năng bàn tay hoàn toàn.

Theo BS Phạm Duy Linh, bỏng là tổn thương thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Tổn thương bỏng rất đa dạng và phức tạp. Vì vậy di chứng của nó để lại cho người bệnh rất nặng nề, nhất là bỏng ở một số vị trí đặc biệt nếu không điều trị tốt có thể dẫn tới tàn phế.

Nhiễm trùng nặng bàn tay sau khi tự đắp thuốc chữa bỏng - Ảnh 2
BS Linh phẫu thuật bàn tay cho bệnh nhân (Ảnh: BSCC)

Do đó, vị bác sĩ khuyến cáo, khi bị bỏng nước sôi, bệnh nhân nên nhanh chóng đưa vùng da bị bỏng ngâm vào nước nguội sạch để vệ sinh vết thương tránh nhiễm khuẩn, sau đó xả nhẹ nước mát.

“Việc này giúp vết thương được dịu đi, tránh đau rát, sưng tấy, vết bỏng cũng sẽ không bị tổn thương sâu tiếp nữa. Sau đó sử dụng gạc hoặc miếng vải nhỏ sạch để băng vùng da bị bỏng, tránh tiếp xúc bụi bẩn. Cuối cùng, nhanh chóng chuyển người bị bỏng tới cơ sở y tế nơi gần nhất để kịp thời điều trị”, nam bác sĩ khuyến cáo.

Đặc biệt, bác sĩ Linh nhấn mạnh, mọi người tuyệt đối không được đắp các loại thuốc lá, thuốc nam, thuốc lá…(không rõ nguồn gốc) lên trên vùng bị bỏng, vì nó chỉ càng làm tổn thương bỏng thêm nặng và nhiễm trùng hơn.

Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh tay chân miệng, là bệnh nhi mới 28 tháng tuổi

Từ đầu năm đến ngày 8/7, Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 451 ca tay chân miệng, trong đó có hơn 150 ca ở mức độ 2A đến 3. Số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng từ tháng 6 đến nay.

TIN MỚI NHẤT