Nguyên nhân và cách chăm sóc bé bị đau mắt đỏ tại nhà

Sức khỏe 04/03/2020 17:29

Khi bé bị đau mắt đỏ, ba mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị. Tuyệt đối không được áp dụng những phương pháp dân gian có thể gây hại cho bé.

Nội dung bài viết

Đau mắt đỏ là căn bệnh khá phổ biến, thường gặp không chỉ ở người lớn mà còn trẻ nhỏ. Bệnh có thể để lại những nguy hiểm cho trẻ nhỏ nếu không được chữa trị kịp thời như: viêm giác mạc, viêm túi lệ, suy giảm thị lực,… Bài viết dưới đây xin đưa ra nguyên nhân khiến bé bị đau mắt đỏ và cách chăm sóc cho bé tại nhà an toàn.

Be bi dau mat do
Bé bị đau mắt đỏ - Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân khiến bé bị đau mắt đỏ

  • Nguyên nhân chính dẫn đến việc bé bị đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường diễn ra khi thời tiết nắng nóng, lúc giao mùa, mưa nhiều, ẩm thấp. Vào thời điểm này, cơ thể trẻ bé thường mệt mỏi, cộng với sức đề kháng còn yếu, bé rất dễ bị bệnh. 
  • Bên cạnh đó, môi trường sống ô nhiễm, khói bụi hay việc vệ sinh kém cho trẻ cũng là nguyên nhân dẫn đến đau mắt đỏ ở trẻ em. 
  • Trẻ sau khi tiếp xúc với các đồ vật không hợp vệ sinh, rồi đưa tay lên dụi mắt cũng rất dễ bị đau mắt đỏ. 
  • Ngoài ra, khi bé tiếp xúc hoặc chơi gần những trẻ khác bị đau mắt đỏ thì khả năng bị lây nhiễm bệnh cũng rất cao.
Be bi dau mat do 1
Thường xuyên dụi tay lên mắt khiến trẻ dễ bị đau mắt đỏ - Ảnh minh họa: Internet
  • Khi cho trẻ đến những nơi đông người như bệnh viện, khu vui chơi công cộng, trường học,… rất dễ bị lây lan bệnh đau mắt đỏ. 
  • Ngoài ra, với những trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ còn có thể do nguyên nhân gây từ bệnh lậu mủ từ người mẹ. Bệnh sẽ tái phát sau sinh từ 3 - 4 ngày với các triệu chứng thường gặp như: đỏ mắt, sưng mí và mủ dày ở mắt. 

.

Be bi dau mat do 2
Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Biểu hiện đau mắt đỏ ở trẻ

  • Biểu hiện rõ nhất của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em là lòng trắng mất dần chuyển sang màu đỏ, chảy nước mắt. 
  • Bé có cảm giác khó chịu, thường xuyên quấy khóc. 
  • Khi ngủ dậy, ghèn thường dính chặt vào hai mi mắt 
  • Khi bị đau mắt đỏ, trẻ thường kèm theo các dấu hiệu như: ho khan, sốt nhẹ, nổi hạch… bé thường bỏ bú hoặc bỏ ăn.

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ nếu không được chăm sóc và có phương pháp điều trị thích hợp sẽ trở nên trầm trọng hơn, để lại những biến chứng nguy hiểm có thể kể đến như: đau mắt hột, giảm thị lực, thậm chí mù mắt.

Be bi dau mat do 3
Khi bị đau mắt đỏ trẻ thường đau mắt kèm sốt nhẹ, nổi hạch - Ảnh minh họa: Internet

Cách chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ tại nhà 

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ có thể khỏi sau 7 đến 10 ngày nếu như chăm sóc đúng cách.

Không tự ý dùng thuốc

  • Khi trẻ bị đau mắt đỏ, bạn nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được các bác sĩ thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, không gây hại cho trẻ. 
  • Bạn không nên tự ý mua thuốc về sử dụng cho trẻ hay lấy thuốc nhỏ mắt của người khác cho trẻ bởi mỗi người bệnh sẽ phù hợp với từng loại thuốc khác nhau. 
  • Việc sử dụng thuốc phải tuân theo chỉ định và ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
  • Không lấy các loại lá cây đắp nên mắt cho trẻ vì có thể khiến trẻ gặp phải những nguy hiểm về sức khỏe.
Be bi dau mat do 4
Cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa khi bị đau mắt đỏ - Ảnh minh họa: Internet

Thường xuyên lau rửa mắt

Khi trẻ bị đau mắt đỏ, ba mẹ nên sử dụng khăn ẩm hoặc bông sạch lau rửa gỉ mắt cho con ít nhất 2 lần/ ngày. Sau khi sử dụng xong bạn nên vứt bông vào thùng rác. Đối với khăn, bạn nên giặt sạch hoặc luộc qua nước sôi, rồi phơi dưới ánh nắng để tiêu diệt vi khuẩn bám lại trên khăn.

Cho trẻ đeo kính

Cần đeo kính thường xuyên cho trẻ bị đau mắt đỏ khi đi ra khỏi nhà, đến những nơi công cộng, hạn chế tình trạng mắt tiếp xúc với khói bụi khiến cho bệnh trở nên nặng hơn. Ngoài ra, việc sử dụng kính còn tránh cho việc trẻ thường xuyên dùng tay dụi lên mắt. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về loại kính phù hợp với trẻ.

Hạn chế tiếp xúc với người khác

Đau mắt đỏ là căn bệnh rất dễ lây lan. Vì vậy khi trẻ bị bệnh bạn cần cho trẻ nghỉ ngơi ở nhà, tránh tiếp xúc với người khác, không nên ôm hôn trẻ vì rất có thể sẽ bị lây bệnh.

Tăng cường sức đề kháng cho trẻ

Cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và các dưỡng chất cần thiết trong các bữa ăn cho trẻ. Việc làm này là rất quan trọng, giúp trẻ giảm bớt mệt mỏi, không bị mất sức cũng như không làm cho diễn biến của bệnh trở nên trầm trọng. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ dinh dưỡng khoa học phù hợp với trẻ trong giai đoạn bé đang bị đau mắt đỏ.

Be bi dau mat do 5
Chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ đúng cách tại nhà - Ảnh minh họa: Internet

Trên đây là những nội dung tìm hiểu nguyên nhân bé bị đau mắt đỏ và cách chăm sóc điều trị cho bé ngay tại nhà. Hy vọng bài viết đã mang đến những thông tin hữu ích để các bậc phụ huynh biết cách chăm sóc bé nhà mình khi bé không may mắc phải căn bệnh thường gặp về mắt này.

Trẻ bị đau mắt đỏ: 'Tất tần tật' về dấu hiệu, nguyên nhân, cách chăm sóc và phòng bệnh cho con cha mẹ nên biết

Đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan nhanh chóng nên dễ phát thành đại dịch. Khi trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ cần phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách để tnhanh chóng khỏi bệnh, tránh các biến chứng nguy hiểm.

TIN MỚI NHẤT