Gia tăng bệnh nhân đột quỵ khi thời tiết lạnh sâu: Chuyên gia chỉ cách phòng ngừa

Sức khỏe 31/01/2023 06:00

Theo các chuyên gia, khi thời tiết vào mùa đông, đặc biệt nhiệt độ giảm sâu, nhiều người có nguy cơ cao rơi vào tình trạng đột quỵ, đặc biệt có nhiều ca đột quỵ nặng.

Gia tăng bệnh nhân đột quỵ khi thời tiết lạnh sâu: Chuyên gia chỉ cách phòng ngừa - Ảnh 1
 

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 20/1 đến 27/1), tổng số bệnh nhân vào viện là 1.816 trường hợp, tăng cao gấp 2 lần so với Tết các năm trước, trong đó có nhiều trường hợp đột quỵ nặng… Đáng chú ý, ngay mùng 1 Tết Quý Mão, tại Trung tâm Đột quỵ của bệnh viện đã có 3 ca đột quỵ rất nặng vào cấp cứu.

Theo PGS. TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trong các tháng thời tiết mùa đông vừa qua, số lượng bệnh nhân nhập viện vào Trung tâm Đột quỵ tăng lên đáng kể, và số ca nặng cũng tăng cao.

Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Đột quỵ và Bệnh mạch máu não đã kiểm tra gần 172.000 ca nhập viện do đột quỵ thiếu máu não cục bộ ở Hoa Kỳ và nhận thấy đột quỵ gia tăng đáng kể khi thời tiết lạnh hơn và đặc biệt khi nhiệt độ có sự dao động lớn.

Một nghiên cứu của Đức trên Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu nhận thấy rằng khi nhiệt độ giảm 2.9 độ C trong 24 giờ, nguy cơ đột quỵ não tăng 11% và đặc biệt, tỷ lệ này sẽ cao hơn đối với những người có sẵn nguy cơ đột quỵ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, …

Thêm nữa, một nghiên cứu trên khoảng 56.000 ca tử vong do đột quỵ não trong hơn 10 năm ở Sao Paolo, Brazil cho thấy, nhiệt độ giảm làm tăng số ca tử vong do đột quỵ não, đặc biệt là ở những người trên 65 tuổi.

Theo PGS TS. Mai Duy Tôn, nguy cơ bị đột quỵ tăng 80%, đặc biệt khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C và nhiệt độ giảm đột ngột.

Các chuyên gia cho rằng nhiệt độ lạnh có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp. Đồng thời, nó cũng có thể làm máu cô đặc lại, có thể dẫn đến hình thành cục máu đông. Trong mùa đông lạnh, nhiều người trở nên lười vận động tập thể thao hơn, và đây cũng có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một lời giải thích nữa là trời lạnh mang lại nhiều căng thẳng stress cho cơ thể kết hợp những thói quen không lành mạnh như ăn và uống quá nhiều cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, phần lớn các ca đột quỵ có thể phòng ngừa bằng cách cải thiện chế độ ăn uống, ngừng hút thuốc và tập thể dục thường xuyên. Vì vậy, thay đổi lối sống có tác động rất lớn trong việc giảm nguy cơ đột quỵ. Phòng tránh đột quỵ thông qua thực phẩm bằng tăng món ăn nguồn gốc thực vật, chế độ ăn nhiều rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây. Phân tích một số nghiên cứu cho thấy cứ 10 gram chất xơ bạn ăn mỗi ngày có thể giảm được gần 12% nguy cơ đột quỵ.

Theo các chuyên gia, thường xuyên theo dõi huyết áp khi thời tiết thay đổi. Khi cơ thể có những thay đổi nhẹ hoặc huyết áp tăng cao bất thường, hãy liên hệ với bác sĩ để có phương pháp điều trị và phòng tránh đột quỵ.

Ngoài ra, cần khám bác sĩ định kỳ để kiểm soát các bệnh lý nền thật tốt như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, …

Tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh, đặc biệt khi trời lạnh dưới 15 độ C. Mặc quần áo ấm phù hợp khi đi ra ngoài: đội mũ len, đeo găng tay, đi giầy, mặc quần áo ấm; Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên theo ý kiến của bác sĩ; Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý; Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: không ăn mặn, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol. Không uống rượu và ăn quá nhiều; Tránh căng thẳng, stress quá mức; Không hút thuốc lá, thuốc lào.

 

5 bài tập cardio giảm mỡ bụng sau Tết hiệu quả

Tập cardio thường xuyên kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm mỡ toàn thân và giảm mỡ bụng. Dưới đây là một số bài tập cardio giúp giảm mỡ bụng sau Tết hiệu quả.

TIN MỚI NHẤT