Trên chuyến bay đến Hà Nội, bác sĩ cùng đồng nghiệp đã kịp thời xử lý tình huống, cứu bé gái bị hạ canxi máu - một rối loạn điện giải nguy hiểm, có thể dẫn đến ngưng tim, ngưng thở.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, sáng 1/7, Ban giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã tuyên dương và khen thưởng hai bác sĩ vì đã kịp thời cứu bé gái bị hạ canxi máu trên chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội. Theo ban giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, hành động của hai bác sĩ là minh chứng cho tinh thần tận tâm, chuyên môn vững vàng và y đức của đội ngũ bệnh viện.
Dù ở bệnh viện hay ngoài cộng đồng, sứ mệnh bảo vệ sức khỏe người dân luôn được đặt lên hàng đầu.
Trước đó, theo thông tin từ báo Thanh Niên, ngày 28/6, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến kể lại trên trang Facebook cá nhân về chuyện ông đi Hà Nội tham dự hội thảo về phẫu thuật ung thư phụ khoa trên chuyến bay vào sáng 26.6. Sau khi máy bay cất cánh khoảng 15 phút và đạt được độ cao cần thiết thì đột nhiên các tiếp viên hàng không ra hiệu cho nhau có dấu hiệu bất thường.
Nhiều bước chân chạy ngược về phía sau vội vã, linh cảm như có vấn đề gì? Giữa lúc mọi người hướng dồn về phía sau lo lắng thì loa phóng thanh của tiếp viên vang lên: Trên máy bay có ai là bác sĩ không? Chúng tôi cần hỗ trợ y tế.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cùng đồng nghiệp (bác sĩ Phạm Ngọc Trung) đã lập tức đứng dậy khi thấy tín hiệu báo động.
Ở hàng ghế sau, một bé gái khoảng 12 - 13 tuổi được người chị ôm chặt, cơ thể co giật nhẹ, tay chân lạnh ngắt, môi tím tái, hơi thở gấp, ánh mắt lờ đờ, dấu hiệu sinh tồn suy giảm rõ rệt. Đứa bé thì thào: "Con khó thở... như có ai bóp cổ con… đau lắm…".

Sau khi kiểm tra nhanh, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến nhận ra dấu hiệu kinh điển: Bàn tay đỡ đẻ (Trousseau's sign) - một biểu hiện điển hình của hạ can xi máu cấp. Và nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến co giật toàn thân, ngưng thở và nguy hiểm đến tính mạng.
Trên máy bay không có thuốc chuyên dụng. Ngay lập tức, bác sĩ Tiến yêu cầu tìm viên sủi can xi, một loại thuốc phổ biến dùng trong thể thao. May mắn, một hành khách mang theo tuýp can xi sủi. Hai viên sủi được hòa nhanh trong nước ấm và cho bé uống.
Bé gái run rẩy uống từng ngụm trong sự theo dõi sát sao của 2 bác sĩ. Vài phút sau, sắc mặt bé hồng trở lại, nhịp thở ổn định hơn, và bàn tay nhỏ xíu ấy đã biết nắm lấy tay người cứu mình.

Cũng theo lời bác sĩ Tiến, tiếp viên trưởng xúc động mời 2 bác sĩ và bé gái chuyển lên khoang thương gia để tiện theo dõi. Trong khoang máy bay đang nhẹ rung vì nhiễu động không khí, một bác sĩ vẫn ngồi cạnh, tay đặt lên mạch cổ tay bé, ánh mắt không rời.
Máy bay hạ cánh, ngay khi cửa mở, đội ngũ cấp cứu sân bay nhanh chóng tiếp cận và đưa bệnh nhi tới cơ sở y tế gần nhất. Bác sĩ Tiến chỉ kịp nắm lại bàn tay bé, lúc này đã ấm trở lại.