Chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ - cha mẹ cần lưu ý điều gì?

Sức khỏe 18/10/2021 18:31

Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn và dự kiến để triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi vào cuối tháng này. Việc tiêm vắc xin Covid-19, cũng như người lớn, trẻ nhỏ cũng cần xem xét về tính an toàn của vắc xin và cha mẹ cần theo dõi sức khỏe sau tiêm.

Theo thống kê trên thế giới cho thấy trẻ nhỏ thường ít có phản ứng sau tiêm hơn người lớn, tuy nhiên cha mẹ cũng cần theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian 28 ngày, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.

Chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ - cha mẹ cần lưu ý điều gì? - Ảnh 1

PGS –TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế)

PGS –TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế), cho biết, mặc dù trẻ em ít có bệnh nền hơn người lớn nhưng trước khi tiêm cán bộ y tế cần sàng lọc những trường hợp trẻ có bệnh nền, có tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vắc xin hay bất kỳ dị nguyên nào khác là rất quan trọng. Tinh thần chung là tất cả các loại vắc xin đều phải thận trọng, không riêng vắc xin Covid-19.

Sau tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ, có thể có triệu chứng bất thường như mệt mỏi, sốt, chán ăn… nhưng trẻ em thường hiếu động, không để ý dấu hiệu sức khỏe sau tiêm như người lớn. Bản thân các em cũng không nghĩ những bất thường đó có nguyên nhân do vắc xin nên cha mẹ cần lưu ý theo dõi trẻ. Với các nguy cơ dị ứng, phản ứng nặng, các tình huống phản ứng sau đây cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay:

- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi

- Ở da thấy có phát ban, nổi mẩn đỏ, tím tái, đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da

- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.

- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.

- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất

- Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy

- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái

 “Khi tiêm vắc xin, cơ thể tiêu thụ năng lượng rất lớn khiến bản thân bị mệt. Nếu thêm việc vận động mạnh, chạy nhảy quá mức thì cơ thể càng mệt hơn. Vì thế khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin Covid-19 về, người lớn phải dặn dò, hạn chế hoạt động của trẻ để kiểm soát, phát hiện sớm các bất thường về tình trạng sức khỏe.

Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý bổ sung dinh dưỡng, hoa quả, nước cam… cũng như theo dõi tình trạng sức khỏe cho trẻ, nếu toàn thân chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà thuốc hạ sốt không đáp ứng thì cho trẻ đến ngay cơ sở y tế”, PGS-TS Nguyễn Huy Nga chia sẻ.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vắc xin có công nghệ sản xuất khác nhau (vắc xin mRNA, vắc xin bất hoạt...). Một số loại vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm cho trẻ em. Trong các loại vaccine được cấp phép tại Việt Nam đến nay, có vaccine Pfizer được nhà sản xuất hướng dẫn tiêm cho trẻ.

Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Bộ Y tế lưu ý tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học. Việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định.

 Liên quan đến vấn đề này, tại TP.HCM dự kiến ngày 25-10 sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho khoảng 700.000 trẻ từ 12-17 tuổi. Hiện số trẻ trong độ tuổi từ 12-17 tuổi ở TP.HCM, nếu tính theo số liệu Tổng điều tra dân số thời điểm 1-4-2019 là 720.518 người; còn tính theo dữ liệu của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM thời điểm 30-6-2021 là 688.375 người. Như vậy còn tùy thuộc vào "di biến động" dân cư, có thể số trẻ từ 12-17 tuổi cần tiêm vắc xin ở TP.HCM sắp tới rơi vào khoảng 700.000 người.

Theo đó, dự kiến ngày 25-10 (nếu có đủ vắc xin phê duyệt cho độ tuổi này), TP.HCM sẽ triển khai tiêm chủng tại các điểm tiêm cố định (trẻ nghỉ học) hoặc tại các điểm trường (trẻ đang học). Với số lượng trẻ cần tiêm ước tính nêu trên. So với năng lực, tốc độ tiêm chủng hiện nay, có thể trong 1 tuần, TP.HCM sẽ hoàn thành tiêm phủ vắc xin mũi 1.

Chúng ta đều sợ ung thư nhưng bác sĩ tiết lộ ung thư còn "sợ" gấp bội nếu bạn thực hiện đều đặn 9 việc này mỗi ngày

Các bác sĩ của Bệnh viện y học cổ truyền Lâm Châu (Trung Quốc) sẽ chỉ ra cho bạn 9 điều nên làm để "tấn công" ung thư.

TIN MỚI NHẤT