Cảnh báo: Bệnh tay chân miệng tăng mạnh, nhiều ca chuyển biến nặng

Sức khỏe 30/05/2023 09:12

Ngày 29/5, các bệnh viện nhi đồng ở TPHCM cho biết, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, có trường hợp đã rơi vào nguy kịch.

Theo nguồn tin từ Báo Tiền Phong, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết tại khoa đang điều trị cho một trường hợp bé gái 21 tháng tuổi, người đồng bào Chăm, ngụ tại tỉnh Bình Phước. Bệnh nhi được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng sốc, trụy tim mạch, rối loạn tri giác, suy hô hấp được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 4 (mức độ nguy kịch). Hiện bệnh nhi đang phải thở máy qua nội khí quản, điều trị nội khoa tích cực kết hợp lọc máu.

Cảnh báo: Bệnh tay chân miệng tăng mạnh, nhiều ca chuyển biến nặng  - Ảnh 1
Bác sĩ thăm khám cho một trẻ mắc bệnh tay chân miệng - Ảnh: Báo Tiền Phong

Các bác sĩ ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nặng. BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, khoa hiện có 14 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó có 2 ca ở độ 3 (độ nặng), 1 ca độ 2B. Số ca nhập viện không nhiều nhưng tỷ lệ có diễn tiến nặng chiếm tới 30%. Đây là điều đáng lo ngại bởi trẻ có thể phải đối mặt nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, BS Nguyễn Đình Quy, Phó khoa Nhiễm, cho biết, nếu tháng trước mỗi ngày khoa chỉ tiếp nhận dưới 10 bệnh nhân tay chân miệng nhập viện, thì ngày 29/5 tại khoa có tới 24 trường hợp phải điều trị nội trú. Ngoài ra, mỗi ngày bệnh viện còn tiếp nhận, khám và điều trị ngoại trú cho hàng chục trường hợp mắc tay chân miệng.

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm và thường ghi nhận số mắc cao vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và 9-12.

Hiện nay dịch bệnh đang bùng phát mạnh, bệnh tay chân miệng cùng với sốt xuất huyết và thủy đậu đang có xu hướng gia tăng đột biến có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay sốt xuất huyết tăng gấp hơn 19 lần, thuỷ đậu tăng hơn 100 lần và tay chân miệng tăng gần 73 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus đường ruột nhưng bệnh biểu hiện chủ yếu ở tay, chân và miệng. Gây bệnh tay chân miệng do hai loại virus đường ruột chính là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71, trong đó Enterovirus 71 gây bệnh rất nặng, lây lan nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Cảnh báo: Bệnh tay chân miệng tăng mạnh, nhiều ca chuyển biến nặng  - Ảnh 2
Nốt phỏng trên da tay là biểu hiện điển hình của bệnh - Ảnh minh họa: Internet

Hiện nay, khí hậu đang chuyển mùa, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 phát triển mạnh. Vì vậy, vào thời điểm này bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát thành dịch nếu không kịp thời phòng chống. Đặc biệt, bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo.

Trẻ thường bị sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi (quấy khóc nhiều, ít ngủ hoặc khó ngủ), đau họng (thể hiện quấy khóc, không ăn hoặc lười ăn), ho, xuất hiện nhiều nốt ban đỏ trên da nhất là lòng bàn tay, bàn chân hoặc loét miệng… Đây là dấu hiệu đặc trưng thường gặp khi trẻ bị tay chân miệng.

Hiện tượng này sau khoảng 1-2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước (phỏng nước). Ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Những nốt ban này có kích thước từ 2-5mm ở giữa có màu xám sẫm và với dạng hình bầu dục. Các nốt ban trên da thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày.

 

Cảnh báo: Bệnh tay chân miệng tăng mạnh, nhiều ca chuyển biến nặng  - Ảnh 3
Các nốt ban trên da thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày - Ảnh minh họa: Internet

Đặc biệt, khi các ban đỏ xuất hiện ở niêm mạc miệng sẽ gây loét miệng. Những vết loét thường có đường kính từ 4-8mm và ở trong niêm mạc miệng, xung quanh lưỡi, trên lưỡi và vòm miệng của trẻ khiến bé gặp khó khăn khi nuốt (ăn, uống, nuốt nước bọt).

Cần chú ý là các triệu chứng này rất dễ nhầm với bệnh nhiệt miệng. Vì vậy, các bậc phụ huynh cũng như người chăm sóc trẻ cần hết sức lưu ý khi trẻ có các biểu hiện từ sốt, ho, quấy khóc, nổi ban, hoặc bọng nước cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác bệnh và xử trí kịp thời tránh để biến chứng xảy ra. 

Nhịn ăn để giảm cân nhưng vẫn béo "bền vững" - nguyên nhân do đâu?

Bạn đang tìm cách giảm cân trong vài tuần để có vóc dáng thon thả hơn trong một sự kiện đặc biệt? Hãy cẩn thận với cách nhịn ăn để giảm cân nhanh chóng, bạn có thể gây hại cho sức khỏe mà vẫn chẳng giảm được kg nào như kỳ vọng!

TIN MỚI NHẤT