Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con trước những video xấu, ‘độc hại’ trên mạng xã hội?

Nuôi dạy con 10/05/2022 22:24

Không riêng gì video xin vía học giỏi từ búp bê của Thơ Nguyễn, mà hàng loạt video với nội dung nhảm nhí, độc hại trên mạng xã hội khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Vậy cha mẹ cần làm gì để bảo vệ trẻ?

Video nhảm nhí sẽ gây hại nghiêm trọng cho trẻ

Theo tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, chuyên viên tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM), việc các YouTuber tạo ra những clip có những nội dung lời nói, thái độ dạy trẻ hành vi sai trái như ăn trộm, ăn cắp, kích động bạo lực, xui phải cầu cúng mới học giỏi… đều gây hại nghiêm trọng cho trẻ.

Trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi mầm non, tiểu học… thường xem các clip giải trí rất nhiều. Đặc biệt có nhiều gia đình, bố mẹ không có thời gian chơi với con nên cho trẻ xem tivi, điện thoại nhiều giờ đồng hồ.

Việc trẻ ngồi hàng giờ trước màn hình xem thôi mà không vận động cũng đã dẫn tới nguy cơ béo phì, mắc các bệnh về mắt, về cột sống như cận thị, vẹo cột sống… Không chỉ vậy, trẻ còn mất tập trung, mất cơ hội giao tiếp với người xung quanh và dễ nổi nóng…

Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con trước những video xấu, ‘độc hại’ trên mạng xã hội? - Ảnh 1
Hình ảnh video xin vía học giỏi từ búp bê của Thơ Nguyễn gây xôn xao dư luận. Ảnh minh họa

TS Phạm Thị Thúy cho rằng: “Những nội dung ở các kênh YouTube giống như "món ăn" cho trẻ. Khi trẻ ăn phải "món ăn" độc hại, trẻ sẽ bị ngộ độc về tinh thần.

Trẻ có khả năng bắt chước rất nhanh sẽ tiếp thu, học những hành vi đó nhanh chóng. Trong khi, tư duy ở trẻ chưa vững, chưa biết đâu là đúng, đâu là sai.

Khi trẻ thấy cô, các bạn, hay các Youtuber làm được thì mình cũng làm theo như thế. Thực tế, đã có những trường hợp trẻ gặp phải nguy hại khi học theo những clip nguy hại.

Đặc biệt, trẻ xem những nội dung liên quan đến yếu tố quan hệ tình dục không lành mạnh, những video dành cho người lớn… Trẻ có rất nhiều tác hại trong cảm xúc, hành vi không lành mạnh".

Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, nếu chỉ trách cha mẹ lơ là trong việc quản lý con xem điện thoại, các kênh Youtuber là một phần. Nhiều cha mẹ cũng bó tay trước việc con xem cái gì trên mạng. Bởi hiện khó kiểm soát từng video vì quá nhiều.

Hơn nữa, nhiều cha mẹ còn bận mưu sinh, không thể lúc nào cũng kè kè bên con được nên khó kiểm soát được nội dung trẻ xem những gì.

Vì vậy, vấn đề này cũng cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của Yotuber, cộng đồng mạng… Nếu thấy có những video nào vi phạm thì cần báo cáo vi phạm.

Nhiều người báo cáo vi phạm, tẩy chay, các kênh phản cảm đó mới bị xử lý. Nếu như chúng ta thờ ơ, không lên tiếng mà còn vô tình cổ vũ cho những video đó bằng cách cứ xem, cứ share nhiều… thì chắc chắn trẻ em sẽ ảnh hưởng, bị đầu độc bởi các thông tin độc hại.

"Đây là thời đại 4.0, con em chúng ta cần phải biết công nghệ. Cha mẹ cần kiểm soát con 3 thứ là số giờ con xem mỗi ngày, số lần xem và nội dung con xem nhưng không hề dễ dàng. Trong thời điểm hiện nay cha mẹ rất khó khăn trong việc dạy con khi mà internet bủa vây. Wifi sẵn, điện thoại vào mạng dễ dàng…" – TS Phạm Thị Thúy cho hay.

Làm gì để bảo vệ trẻ trước “rừng” thông tin độc hại

Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con trước những video xấu, ‘độc hại’ trên mạng xã hội? - Ảnh 2
Hình ảnh video hướng dẫn tắm trong bồn thạch của Thơ Nguyễn. Ảnh minh họa

Để con không "ngộ độc" trước "rừng" thông tin độc hại, nhảm nhí, nhạy cảm, chuyên gia tâm lý khuyến cáo cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:

- Cha mẹ cần làm gương về việc sử dụng mạng thông minh. Cần xem ít, xem nội dung lành mạnh, học hỏi điều hữu ích.

- Hạn chế tối đa cho con sử dụng điện thoại, ipad riêng. Máy tính thì nên để ở phòng khách để mọi người cùng xem. Khi đó phần nào hạn chế được con xem cái gì, biết được nội dung gì phản cảm, bạo lực hay xúi dại trẻ để can thiệp ngay.

- Cha mẹ cần cân nhắc kĩ thời điểm giao cho con thiết bị điện thoại. Trẻ từ cấp 2 trở xuống tốt nhất hạn chế tối đa việc giao điện thoại. Cha mẹ cần tạo cho trẻ một khả năng tự kiểm soát bản thân.

Trẻ tự lập, biết kiểm soát thời gian, sắp xếp thời gian, mục tiêu phấn đấu… lúc này, điện thoại sẽ là công cụ để trẻ học rất tốt. Khi trẻ chưa có đủ điều này mà đã cho trẻ riêng điện thoại sẽ dễ bị sai lệch. Bởi vậy, từ cấp 3 mới có thể yên tâm phần nào giao điện thoại cho trẻ.

- Có nội quy và hệ thống thưởng phạt rõ ràng khi con dùng internet hợp lý hoặc vi phạm luật và thực hiện nghiêm túc. Chúng ta cần xem trẻ sử dụng điện thoại vào việc gì, cầm điện thoại trong trường hợp nào và hạn chế thời gian xem tối đa khoảng 2 tiếng/ ngày. Thời gian dùng nên chia nhỏ.

- Thường xuyên kiểm tra xem con xem những gì trên mạng. Có thể cài đặt một số phần mềm quản lý việc sử dụng internet…

Nếu chúng ta không biết con đang xem, làm gì trên mạng sớm hay muộn trẻ cũng sa đà vào các tiêu cực như kênh youtuber không lành mạnh và thậm chí đến tuổi dậy thì sẽ sa vào các kênh về SEX, 18+…

Trẻ không chịu ăn rau: 8 cách đơn giản cha mẹ có thể áp dụng

Nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong việc hướng dẫn con ăn uống lành mạnh, nhất là với trẻ biếng ăn. Dưới đây là một số mẹo có thể giúp con bạn ăn uống lành mạnh hơn.

TIN MỚI NHẤT