Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương vào ngày 8/6 đã có báo cáo từ Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về loạt nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam đã chính thức dừng hoạt động vì thời tiết nắng nóng gay gắt, mưa ít khiến mực nước ở hàng loạt hồ thủy điện tại Việt Nam xuống mực nước chết, ảnh hưởng lớn đến việc vận hành, cung cấp điện và sinh kế của người dân.
- Chính thức khởi tố người đàn ông U60 dùng dây điện tra tấn dã man vợ hờ vì ghen tuông
- Không còn bãi giữ xe, người dân TP.HCM nơm nớp lo trộm 'ghé thăm' khi đi tập thể dục
11 nhà máy thủy điện lớn dừng hoạt động
Dẫn theo thông tin từ báo Tiền Phong, trong báo cáo gửi Bộ trưởng Công Thương ngày 8/6, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, đã có tổng cộng 11 nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam phải dừng phát điện vì thiếu nước gồm: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.
Điều lo ngại nhất, tình trạng hạn hán nghiêm trọng đã khiến tất cả các hồ chứa ở khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ ở mức rất thấp. Hàng loạt hồ thủy điện đã ở mực nước chết: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An.

Theo Cục Điều tiết điện lực, dù đang đối mặt tình trạng cạn kiệt nước, dưới mực nước chết, nhưng nhiều nhà máy thủy điện vẫn phải duy trì việc phát điện. Theo tính toán, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ông Khương Thế Anh, tổng giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, cho biết kể từ khi đưa vào vận hành đến nay, lần đầu tiên cả Nhà máy thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu vận hành dưới mực nước chết.

"3-4 ngày qua, Nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu gần như không hoạt động, nhưng 9 tổ máy luôn sẵn sàng hoạt động khi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) yêu cầu hoặc nhà máy cài đặt giới hạn cảnh báo tần số gây nguy hiểm cho hệ thống thì các tổ máy chủ động vận hành để đáp ứng sự thay đổi của hệ thống bất cứ lúc nào. Thời điểm thiếu nước như thế này, chúng tôi không cần sản lượng mà cần để đáp ứng những tình huống như vậy" - ông Thế Anh chia sẻ.

EVN yêu cầu lập lịch cắt giảm theo cấp ưu tiên
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản khẩn gửi Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), yêu cầu EVNNPC tính toán, phân bổ công suất cho các Công ty Điện lực cấp tỉnh và nguyên tắc điều hoà, tiết giảm điện.
EVNNPC cũng được lưu ý ưu tiên cấp điện cho các khách hàng sử dụng điện quan trọng được UBND cấp tỉnh phê duyệt; ưu tiên cấp điện phục vụ các hoạt động chính trị - xã hội quan trọng và các sự kiện khác trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh.
EVN yêu cầu hạn chế tiết giảm điện quá 8h đối với khách hàng sinh hoạt, hạn chế việc tiết giảm vào các khung giờ sinh hoạt của các phụ tải sinh hoạt và vào các ngày cuối tuần của các phụ tải tại các khu du lịch dịch vụ.