Hành vi bơm tạp chất vào thủy sản không chỉ là thủ đoạn gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
- NÓNG: Cận cảnh người phụ nữ trực tiếp bơm thạch rau câu vào tôm hùm đã chết để bán ra thị trường
- Nóng: Tiêu hủy 850.000 con tôm hùm giống nhập lậu, trị giá 34 tỉ đồng ở Khánh Hòa
Như trước đó báo Người Lao Động, ngày 9/6, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin ở tỉnh Phú Yên vừa phát hiện vụ bơm tạp chất vào tôm hùm.
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Chi cục QLTT tỉnh Phú Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh vừa tiến hành kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh thủy sản N.T.X. do bà N.T.X. làm chủ, đang hoạt động thu mua tôm hùm tại địa bàn thị xã Sông Cầu.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà X. đang trực tiếp dùng bơm tiêm để đưa tạp chất (thạch rau câu) vào 45kg tôm hùm đã chết nhằm mục đích tăng trọng lượng và giữ hình thức tôm tươi để đánh lừa người mua.

Bà X. khai nhận toàn bộ hành vi, cho biết đã thu mua tôm chết từ trước và tự thực hiện việc bơm tạp chất để tiêu thụ ra thị trường.
Chia sẻ trên báo Pháp Luật TP.HCM, một cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa cho biết tạp chất thạch rau câu có chứa chất agar- thường được biết đến là chất làm thạch rau câu.
Agar có giá rất rẻ, dễ chế biến nên được nhiều người dùng để bơm vào tôm để làm tăng trọng lượng, giữ màu sắc tươi hơn.
“Agar là bột thạch để làm thạch. Khi mua về chỉ cần pha nước nấu lên sẽ thành thạch rau câu. Chất này không có độc. Khi bơm agar vào sẽ giúp tôm tăng trọng lượng, căng phồng, bắt mắt hơn chứ không hề có tác dụng làm tôm đã chết tươi ngon trở lại”- vị cán bộ giải thích.
Tuy nhiên, khi tôm đã chết, hỏng, vi khuẩn gây hại tồn tại bên trong tôm. Nếu tôm hùm đã chết mà còn bơm tạp chất khi người tiêu dùng ăn ít nhiều sẽ gây hại đối với sức khỏe.

"Không chỉ tôm mà các loại thủy hải sản khác nếu bị bơm tạp chất vào, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh, như vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, tiêu chảy, nhiễm trùng máu; vibrio cholarae gây bệnh thổ tả, vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa"- vị cán bộ khuyến cáo.
Theo một số thương lái hải sản, không khó để nhận biết tôm hùm bị bơm tạp chất. “Tôm hùm còn sống chắc chắn không bị bơm tạp chất; bởi không ai đi bơm tạp chất vào tôm hùm đang sống vì khiến tôm chết nhanh hơn, mất giá trị khi bán”- anh Hà Tiến, chủ vựa hải sản trên đường Nguyễn Tất Thành, TP Nha Trang chia sẻ trên báo Pháp Luật TP.HCM.
Theo anh Tiến, tôm bị bơm tạp chất sẽ phồng lên, đuôi căng xòe ra chứ không mềm mại, cong đẹp như tôm đang tươi sống.
“Tôm bị bơm thạch rau câu sẽ phồng lên ở phần lưng giáp với đầu. Đoạn này sẽ bị tách ra, cảm giác như đầu con tôm sắp rụng ra khỏi thân. Nếu cầm con tôm mà đuôi xòe rộng, chỗ nối giáp đầu và thân lủng lẳng, trương phình thì gần như 90% là bị bơm tạp chất”- anh Tiến nói.
Cũng theo một số thương lái, khi tôm bị bơm tạp chất lúc luộc lên sẽ có màu vàng nhạt, không vàng thẫm như tôm còn sống. Ngoài ra, lúc luộc tôm sẽ ra nhiều nước hơn, phía vỏ ở phần lưng có một lớp mỏng trong suốt, đó chính là chất thạch đã được bơm vào trước đó.