Cùng một câu hỏi, 4 cách trả lời tạo 4 số phận khác nhau cho trẻ

Nuôi dạy con 04/07/2025 07:01

Khi trẻ hỏi: “Nhà mình có bao nhiêu tiền”, nhiều cha mẹ thường lúng túng hoặc chọn cách trả lời qua loa. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, chính cách phản hồi tưởng chừng đơn giản ấy lại có thể định hình nên tư duy, cảm xúc và cách nhìn nhận của trẻ về tiền bạc, giá trị bản thân và cuộc sống.

Trong quá trình trẻ lớn lên, đôi khi đặt ra những câu hỏi khiến bố mẹ bất ngờ. Một trong số đó trẻ thường hỏi “Nhà mình có bao nhiêu tiền?”. Câu hỏi tưởng đơn thuần là sự tò mò nhưng thực chất lại phản ánh quá trình trẻ bắt đầu quan sát, so sánh và hình thành nhận thức về thế giới xung quanh.

Đối với cha mẹ, đây không chỉ là một câu hỏi về con số mà còn là cơ hội hoặc thách thức để truyền đạt cho con những giá trị đúng đắn về tiền bạc, sự nỗ lực và lòng biết ơn. Trả lời quá thật có thể khiến trẻ lo lắng. Trả lời quá chung chung, trẻ dễ hiểu sai. Và chính ở giữa những ranh giới mong manh ấy, phản ứng của người lớn có thể tác động lâu dài đến nhân cách và thái độ sống của con trong tương lai.

Cùng một câu hỏi, 4 cách trả lời tạo 4 số phận khác nhau cho trẻ - Ảnh 1
Ảnh minh họa/Nguồn: Canva

"Nhà mình nghèo lắm, không có tiền đâu!"

Nhiều cha mẹ nói câu này với mục đích dạy con biết tiết kiệm, không đua đòi. Tuy nhiên, dưới góc nhìn tâm lý học, cách trả lời này có thể vô tình gieo vào trẻ cảm giác tiêu cực về tiền bạc và giá trị bản thân.

Khi thường xuyên nghe bố mẹ nói “nhà mình nghèo”, trẻ có thể hình thành nỗi lo sợ mơ hồ rằng gia đình không đủ khả năng để tồn tại. Điều này dễ dẫn đến cảm giác bất an, thiếu an toàn – một nền tảng tâm lý không lành mạnh trong quá trình trưởng thành.

Không chỉ vậy, trẻ còn có xu hướng cho rằng mình không xứng đáng với những điều tốt đẹp, từ một món đồ chơi nhỏ cho đến những cơ hội phát triển lớn hơn sau này. Khi lớn lên, cảm giác "mình không xứng đáng" ấy có thể khiến trẻ tự thu hẹp bản thân và dễ bỏ lỡ nhiều cơ hội trong học tập, công việc và cuộc sống.

Thậm chí, việc bị kìm nén nhu cầu tiêu dùng quá mức khi còn nhỏ còn có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái "chi tiêu bù đắp" khi trưởng thành, tức là mua sắm quá đà để lấp đầy khoảng trống tâm lý. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thói quen chi tiêu mất kiểm soát, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng quản lý tài chính và sự ổn định sự nghiệp trong tương lai.

"Nhà mình rất nhiều tiền, dùng cả đời cũng không hết!"

Nghe có vẻ là một câu nói đầy yêu thương và hào phóng nhưng nếu cha mẹ thường xuyên trả lời con như vậy, điều đó có thể khiến trẻ hình thành nhận thức sai lệch về giá trị của tiền bạc. Khi trẻ tin rằng tài chính là vô hạn, chúng dễ rơi vào tâm lý chủ quan, tiêu xài không kiểm soát và thiếu trân trọng những gì mình đang có.

Lớn lên với suy nghĩ “tiền lúc nào cũng sẵn”, trẻ có thể thiếu ý thức về sự cố gắng để kiếm tiền, dẫn đến thái độ thụ động, ỷ lại. Việc không được dạy về tiết kiệm hay lập kế hoạch tài chính còn khiến trẻ không hiểu rằng sự ổn định trong tương lai là kết quả của những quyết định khôn ngoan ở hiện tại.

Nếu không được rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính từ nhỏ, trẻ có thể gặp khó khăn khi đối mặt với những tình huống thực tế như tự chi trả học phí, quản lý chi tiêu cá nhân hay xây dựng một cuộc sống độc lập. Đó là những bài học cuộc đời mà tiền bạc dù nhiều đến đâu cũng không thể thay cha mẹ truyền đạt.

Cùng một câu hỏi, 4 cách trả lời tạo 4 số phận khác nhau cho trẻ - Ảnh 2
Ảnh minh họa/Nguồn: Canva

"Con còn nhỏ không nên hỏi về tiền, lớn lên sẽ tự biết"

Nhiều phụ huynh thường chọn cách né tránh khi trẻ hỏi về tiền bạc, nghĩ rằng con còn quá nhỏ để hiểu. Nhưng việc im lặng hay gạt đi có thể khiến trẻ cảm thấy bị phớt lờ, không được tôn trọng, thậm chí nghĩ rằng bố mẹ không tin tưởng mình.

Thực tế, khi trẻ đặt câu hỏi, nghĩa là chúng đã bắt đầu chú ý và muốn hiểu hơn về thế giới xung quanh, trong đó có chuyện tiền nong. Trẻ có thể đã quan sát cách bố mẹ tiêu tiền, tiết kiệm hay nghe thấy những cuộc trò chuyện tài chính trong gia đình.

Nếu cha mẹ không giải thích rõ ràng, trẻ dễ cảm thấy bối rối, bất an và hình thành suy nghĩ sai lệch rằng tiền là điều gì đó khó hiểu, thậm chí đáng sợ. Về lâu dài, điều này có thể khiến trẻ thiếu kỹ năng tài chính cơ bản, tiêu xài không kiểm soát hoặc rơi vào nợ nần khi trưởng thành.

“Bố mẹ làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, con thử nghĩ xem chúng ta nên tiêu thế nào cho hợp lý?”

Đây là cách trả lời vừa chân thật vừa giáo dục, giúp trẻ dần hình thành tư duy tài chính ngay từ nhỏ. Khi trẻ hỏi về tiền bạc, thay vì né tránh hay đơn giản hóa, cha mẹ có thể chọn cách chia sẻ rõ ràng và minh bạch về thu nhập và các khoản chi tiêu trong gia đình như tiền nhà, ăn uống, học phí, dự phòng ốm đau và phần nhỏ cho tiêu vặt.

Cách phản hồi này không chỉ giúp trẻ hiểu rằng tiền là một nguồn lực hữu hạn, cần được tính toán và sử dụng hợp lý mà còn dạy con biết trân trọng công sức lao động của cha mẹ. Trẻ sẽ dần nhận ra rằng mỗi đồng tiền kiếm được đều có giá trị và việc chi tiêu cũng cần được lên kế hoạch cẩn thận.

Điều quan trọng là dù gia đình có điều kiện hay không, cha mẹ vẫn nên chia sẻ một cách phù hợp với độ tuổi của con giúp con hiểu rõ tình hình tài chính và học được cách tiêu dùng thông minh. Khi được đối thoại một cách cởi mở, trẻ không chỉ cảm thấy được tin tưởng mà còn có cơ hội rèn luyện sự chủ động, biết tiết chế nhu cầu và dần phát triển trách nhiệm với những quyết định tài chính của mình trong tương lai.

Nhập viện nguy kịch sau 3 ngày ăn tiết canh

Sau 3 ngày ăn tiết canh, nam thanh niên rơi vào tình trạng lơ mơ, tím tái toàn thân, tiêu chảy kèm máu, ngay lập tức được gia đình đưa đi cấp cứu.

TIN MỚI NHẤT