Ăn chay đúng cách, duy trì sức khỏe, sống thọ sống đẹp!

Vào bếp 15/09/2019 12:53

Ngày nay ăn chay là thuật ngữ vô cùng quen thuộc, bởi nó không đơn thuần chỉ là trào lưu, vậy bạn hiểu thế nào là ăn chay đúng cách chưa?

Ăn chay là gì?

Ăn chay hay còn gọi là trai giới hay ăn lạt là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (trái cây, rau quả,..), có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, bơ, phô mai, kem, đạm váng sữa. Hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản,…) hoặc kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ như (chả, giò, mắm, ruốc, thịt hun khói...).

an-chay-dung-cach-1

Ăn chay là thuật ngữ không hề xa lạ - Ảnh minh họa: Internet

Ăn chay không phải là trào lưu nhất thời mà nó là phương pháp ăn uống khoa học suốt từ bao đời nay và ngày nay phong trào này đang lan tỏa rất rộng, kể cả trong giới trẻ. Ăn chay đã được thực hiện từ nhiều ngàn năm. Những năm gần đây phong trào không ăn thịt, chỉ ăn rau trái được nhiều người quan tâm, ngay cả các nhà nghiên cứu khoa học và giới y học. Và do có nhiều kết quả tích cực mang lại sức khỏe đã được chứng minh, nên việc ăn chay hiện đang được rất nhiều người áp dụng.

Vậy ăn chay đúng cách là như thế nào? Nếu bạn đang muốn từ bỏ thói quen ăn mặn hoặc tìm hiểu một phương pháp ăn thanh lọc cơ thể, hạn chế bệnh tật. Đây là bài viết dành cho bạn.

Ý nghĩa của việc ăn chay

Nhiều lý do khác nhau để ăn chay tùy thuộc vào sắc tộc và văn hóa. Những người ăn chay đa phần vì vấn đề đạo đức vì không muốn gây khổ đau cho động vật, hoặc đấu tranh vì quyền động vật.

Cũng có một số tổ chức, cá nhân ăn chay để bảo vệ hệ sinh thái vì họ tin rằng sản xuất chăn nuôi trong các trại gây hại cho môi trường. Họ cũng cho rằng giảm lượng tiêu thụ thịt sẽ cải thiện đáng kể tình hình lương thực toàn cầu.

an-chay-dung-cach-2

Ăn chay không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường - Ảnh minh họa: Internet

Trong điều luật của một số tôn giáo yêu cầu tín đồ phải ăn chay. Mỗi tôn giáo có thể hiểu về ăn chay theo cách hơi khác nhau. Chẳng hạn ăn chay theo Hồi Giáo khác với ăn chay theo Thiên Chúa Giáo và cũng không giống với ăn chay theo Phật Giáo.

Vấn đề sức khỏe cũng được nhiều người quan tâm, sau khi thấy được ăn chay mang lại rất nhiều lợi ích.

Ăn chay có lợi ích gì?

Số lượng người ăn chay trên thế giới hiện nay không ngừng tăng lên. Về những tác dụng tích cực của ăn chay đối với sức khỏe, nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng có nhận định  tóm tắt như sau: “Có nhiều dữ kiện cho thấy ăn chay rất tốt để làm giảm nguy cơ thừa cân, táo bón, ung thư phổi... Cũng có bằng chứng là nguy cơ về cao huyết áp, bệnh động mạch vành, tiểu đường, sạn túi mật cũng giảm thiểu. Một số bằng chứng khác cũng cho thấy ăn chay có thể giảm nguy cơ ung thư vú,  ung thư ruột già, loãng xương, hư răng” Tuy nhiên hiên nay vẫn có nhiều luồng tranh cãi về ăn chay hay không ăn chay suốt hàng ngàn năm nay.

Ăn chay có tốt không?

Ăn chay không chỉ giúp thanh lọc cơ thể, dễ dàng tiêu hóa, giữ sức khỏe dẻo dai lâu bền mà nó còn có những lợi ích được khẳng định bằng các bằng chứng khoa học.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Hầu hết các loại thực vật đều không có Cholesterol và chất béo bão hòa. Các chất béo này chỉ có nhiều trong thịt động vật. Vì vậy, người ăn chay ít bị cao Cholesterol, một chất dinh dưỡng mà nếu có tỷ lệ quá cao trong máu, đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch, vữa xơ động mạch, nhồi máu cơ tim.

Giảm nguy cơ béo phì

Thức ăn thực vật thường có rất ít chất béo. Chất béo cung cấp một lượng Calo nhiều hơn các chất dinh dưỡng khác như tinh bột, đạm. Năng lượng do rau trái cung cấp chỉ đủ dùng cho cơ thể mà không có dư thừa để tích trữ dưới dạng mỡ béo. T có nhiều chất xơ với rất ít Calo, làm cho người ăn mau no nên không ăn quá nhiều. Tuy nhiên, nếu không ăn thịt mà lại ăn nhiều sữa, bơ, phó mát thì cũng khó mà giữ cho cơ thể được mảnh mai.

Ít bị rối loạn tiêu hóa

Ăn chay đã được chứng minh là rất tốt để không bị táo bón, tiêu hóa hiệu quả. Nhà nghiên cứu J. S. Gear nhận thấy chỉ có 12% người ăn chay bị bệnh này trong khi tỷ lệ mắc bệnh này ở người không ăn chay là 33%. Lý do là chất xơ trong rau củ quả hút nhiều nước, giúp cho phân lớn, mềm, dễ dàng cho việc đại tiện, đồng thời lại kéo theo chất cặn bã độc trong ruột già để thải ra ngoài.

Giảm nguy cơ bị cao huyết áp

Huyết áp cao có thể đưa tới bệnh tim, tai biến động mạch não, suy thận. Các nghiên cứu cho thấy ăn chay cũng có thể làm giảm huyết áp ở người đang bị bệnh cao huyết áp. Hiện tượng này được giải thích là có thể do ăn chay con người thường ít bị béo phì hoặc do ăn củ quả  có chứa ít muối, hoặc cũng có thể do người ăn chay thường có nếp sống điều độ, lành mạnh hơn.

Sỏi túi mật

Thành phần hóa học của sạn túi mật là Cholesterol, mật và muối Calci. Các sạn này được tạo ra trong túi mật và gây đau cho người bệnh. Nghiên cứu ở một nhóm 750 phụ nữ, người ta thấy nhóm ăn chay chỉ có 12% bị sỏi túi mật, trong khi đó nhóm không ăn chay tỷ lệ lên tới 25%. Các nhà nghiên cứu giải thích là người ăn chay tương đối ít tích trữ mỡ hơn, thực phẩm của họ ít Cholesterol và nhiều chất xơ, tất cả đều giúp giảm nguy cơ sỏi túi mật.

Giảm nguy cơ loãng xương

Loãng xương gây ra do mất khoáng Calci trong xương, làm cho xương trở nên giòn, dễ gãy. Bệnh thường thấy ở nữ giới vào thời kỳ mãn kinh. Chất đạm động vật có nhiều Sulphur, chất này làm tăng độ acid trong máu, đưa đến tăng lượng Calci thải ra trong nước tiểu, do đó làm giảm Calci trong xương.

Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư

Đã có nhiều chứng minh là việc ăn uống có nhiều liên hệ nhân quả với các loại ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở người ăn thịt động vật cao hơn so với ở những người ăn nhiều rau củ quả hoặc ăn chay.

Ăn chay gồm những món gì?

Tất cả các hình thức của chế độ ăn chay đều dựa trên thức ăn thực vật, nấm và các sản phẩm từ vi khuẩn. Có nhiều hình thức ăn chay khác nhau tùy theo tôn giáo và mục đích của người ăn chay như:

an-chay-dung-cach-3

Ăn chay dựa trên chủ yếu là thức ăn từ thực vật - Ảnh minh họa: Internet

Ăn chay theo Phật giáo đại thừa: là không ăn tất cả các sản phẩm từ động vật cũng như một số loại rau trong chi Hành (có mùi thơm đặc trưng của hành và tỏi), có thể tương ứng với các loại cây hành, hẹ, tỏi, nén và kiệu 

Ăn chay có trứng: có thể ăn trứng nhưng không ăn các sản phẩm từ sữa.

Ăn chay có sữa: có thể ăn các sản phẩm từ sữa, nhưng không ăn trứng.

Ăn chay có cả sữa và trứng: có thể ăn một số sản phẩm từ động vật hoặc từ sữa như trứng, sữa và mật ong.

Ăn chay hoàn toàn không sử dụng bất cứ thứ gì từ động vật (thuần chay - vegan): không dùng tất cả các loại thịt động vật và sản phẩm từ động vật, bao gồm cả sữa, mật ong, và trứng, và cũng có thể loại trừ bất kỳ sản phẩm nào được thử nghiệm trên động vật, hoặc sử dụng các trang phục có nguồn gốc từ động vật (như giày da, áo da, áo lông thú, lông vũ..)

an-chay-dung-cach-4

Ăn thuần chay ngày nay là phương pháp được rất nhiều bạn trẻ áp dụng - Ảnh minh họa: Internet

Ăn chay theo chế độ thực dưỡng: chủ yếu ăn các loại ngũ cốc nguyên cám và đậu hoặc theo phương pháp dưỡng sinh của Ohsawa (chế độ ăn gạo lức muối mè).

Ăn chay thế nào cho đúng

Dù là ăn chay thuần túy, chay kỳ hay chay trường, nếu nắm rõ được nguyên tắc dinh dưỡng thì bạn hoàn toàn có thể tự tin với phương pháp ăn chay của mình. Ăn chay đúng cách tưởng dễ mà khó, tưởng đơn giản mà phức tạp, nhưng sẽ thật giản đơn với những ai thực lòng muốn ăn chay, thực lòng tin tưởng vào sự thay thế của ăn chay cho ăn mặn.

Thực tế đã cho thấy, hầu hết sư tăng ở chùa đều ăn chay. Rất nhiều doanh nhân, nhà giáo, nghệ sĩ…trên thế giới này ăn chay trường và họ đều công nhận đây là chế độ ăn uống thanh lọc cơ thể và tâm hồn tốt nhất, là phương thức ăn uống hạnh phúc nhất. Ăn chay đúng cách thì bạn sẽ có thể trạng hoàn toàn khỏe mạnh.

ăn-chay-dung-cach-5

Từ xưa đến nay rất nhiều vĩ nhân, nhà khoa học và người nổi tiếng ăn chay - Ảnh minh họa: Internet

Ăn chay nên ăn gì?

Ăn chay không đơn thuần chỉ sử dụng rau củ mà đòi hỏi phải tỉ mẩn trong lựa chọn và chế biến món ăn. Vì lý do này, bữa cơm chay thường được chuẩn bị kỳ công, kết hợp nhiều thực phẩm khác nhau để đảm bảo dinh dưỡng.

an-chay-dung-cach-6

Các món chay là cả một nghệ thuật và sự kết hợp đồng điệu - Ảnh minh họa: Internet

Với người mới bắt đầu ăn chay, để cơ thể làm quen với chế độ dinh dưỡng mới, bạn cần thay thế dần dần. Trước tiên vẫn có thể ăn những động vật không có máu như tôm cua sò ốc…(ăn chay bán phần), rồi vẫn sử dụng sữa, trứng trong khẩu phần của mình. Tùy điều kiện thích ứng của bản thân mà gia giảm dần và ngưng hoàn toàn khi cơ thể đã bắt đầu thích nghi với thực phẩm chay.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chế độ ăn hàng ngày cần phải đảm bảo 4 nhóm dinh dưỡng. Thứ nhất là bột đường có trong gạo, Khoai, Bắp, Lúa Mì và các loại ngũ cốc. Thứ hai là chất đạm, có nhiều trong các loại đậu. Thứ ba là chất béo có từ các loại hạt có dầu như đậu Nành, Mè, đậu Phộng, hạt hướng dương, hạt gấc... Nhóm còn lại là Vitamin và khoáng chất có trong các loại rau, củ, quả và trái cây.

Đạm và Protein là nguồn dinh dưỡng giàu có nhiều nguồn ở đạm động vật. Với ăn chay đậu Nành chính là sự thay thế hoàn hảo nhất cho thịt động vật. Sử dụng đậu Nành và các sản phẩm từ nó như sữa, đậu hủ…để biến chúng thành nguyên liệu chính. Trong thực đơn chay có thể dùng gạo lức thay thế gạo trắng. Gạo lức rất nhiều vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, Magie, Mangan, Sắt và chất xơ.

an-chay-dung-cach-7

Ăn chay đúng cách không thể thiếu nguồn đạm chủ yếu từ đậu Nành - Ảnh minh họa: Internet

Mong bài viết này giúp bạn hiểu hơn về ăn chay, và chúc bạn ăn chay đúng cách để khỏe mạnh bền vững.

Chế độ ăn kiêng Low Carb, phương pháp giảm cân có thực sự hoàn hảo?

Chế độ ăn kiêng Low Carb, phương pháp giảm cân mới thịnh hành, phá vỡ mọi quy luật giảm cân truyền thống. Bạn đã nghe và hiểu hết về nó chưa?

TIN MỚI NHẤT