6 quy tắc cha mẹ cần biết trước khi cho con sử dụng điện thoại

Bài học làm mẹ 04/05/2020 05:00

Trước khi cho con dùng điện thoại di động, cha mẹ cần đặt ra những quy tắc để con có thể sử dụng smartphone một cách an toàn, hiệu quả.

Đối với nhiều phụ huynh, một trong những điều đau đầu nhất là việc có nên mua điện thoại di động cho con đang ở độ tuổi đi học hay không. Rốt cuộc, có rất nhiều ưu và nhược điểm đi kèm với việc cho một đứa trẻ sử dụng điện thoại di động. Một mặt, bạn có thể gọi cho con và đảm bảo rằng con luôn an toàn. Mặt khác, nó có thể trở thành một vấn đề lớn và gây mất tập trung trong việc học tập, thậm chí trong bữa ăn.

Độ tuổi nào trẻ nên sử dụng điện thoại di động?

Theo một thống kê trên Lookout thì kết quả cho thấy 77% trẻ độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi hiện nay đang sở hữu chiếc điện thoại thông minh của riêng chúng. Và có 56% phụ huynh cho biết con họ có độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi cũng đang sở hữu điện thoại thông minh.

Không giống như con số cố định là 18 tuổi, độ tuổi giới hạn để trẻ đủ tư cách hợp pháp trở thành một người độc lập, trưởng thành, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, thì việc cha mẹ cho con một chiếc điện thoại thông minh để sử dụng lại không có một độ tuổi xác định. Những con số trên thu thập từ nhiều nơi nhưng chúng có thể là một mốc để bạn suy nghĩ đến việc đưa ra quyết định cho con sử dụng điện thoại riêng.

6 quy tắc cha mẹ cần biết trước khi cho con sử dụng điện thoại - Ảnh 1

Cha mẹ cần đặt ra những quy tắc để con sử dụng điện thoại 1 cách an toàn (Ảnh minh họa)

6 quy tắc cha mẹ cần biết trước khi cho con sử dụng điện thoại

Đặt ra giới hạn và ranh giới khi con sử dụng điện thoại

Điều đầu tiên và quan trọng nhất, cha mẹ cần thiết lập giới hạn và ranh giới. Một số cha mẹ cho phép con cái họ chỉ sử dụng điện thoại di động trong những ngày cuối tuần, buổi tối hoặc sau khi hoàn thành bài tập về nhà. Đó cũng là một ý tưởng rất tốt để giới hạn thời gian dùng điện thoại. Hãy chắc chắn rằng bạn đã truyền đạt những mong đợi của bạn trước khi đưa điện thoại cho con sử dụng.

Thời gian và địa điểm sử dụng điện thoại

Trẻ cần có thời gian và địa điểm sử dụng điện thoại rõ ràng. Ví dụ, nếu trẻ đang ngồi học, đang ăn tại nhà hàng, trẻ cần cất điện thoại đi.

Nếu con đang nói chuyện với người lớn, con không nên nhắn tin hoặc chơi trò chơi trong lúc đó.

Con cần trả lời điện thoại của bố mẹ ngay lập tức

Nếu bố mẹ gọi, một đứa trẻ nên biết rằng đó là nhiệm vụ của chúng cần trả lời điện thoại ngay lập tức. Nếu có cuộc gọi nhỡ, trẻ cần gọi lại ngay cho bố mẹ và điện thoại lúc nào cũng mở khi ra khỏi nhà để gia đình có thể liên lạc.

Không cho người lạ biết số điện thoại cá nhân

Đây có lẽ nên là quy tắc quan trọng nhất đối với thanh thiếu niên: không bao giờ đưa số điện thoại của mình cho những người mà con không biết. Những người duy nhất nên có số điện thoại của trẻ là các thành viên gia đình, ông bà, cô dì, chú bác và bạn bè thân thiết. Thanh thiếu niên và trẻ em ở mọi lứa tuổi không nên liên lạc với những người mà họ không biết.

Bên cạnh đó, trẻ không được chụp hoặc gửi các hình ảnh nhạy cảm, không thích hợp với lứa tuổi và cũng không gửi, chuyển tiếp tin nhắn hoặc email có nội dung không đứng đắn.

Không sử dụng điện thoại vào ban đêm

Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng nhiều thanh thiếu niên bị rối loạn giấc ngủ do thường xuyên xem điện thoại vào ban đêm hoặc khó ngủ vì dán mắt vào màn hình. Kết quả là, trẻ gặp khó khăn khi thức dậy đi học cũng như ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Tôn trọng nội quy của nhà trường về việc sử dụng điện thoại di động

Nếu trường học của con không cho phép mang điện thoại di động, cha mẹ cần đảm bảo con đã để điện thoại ở nhà trước khi đến trường. Khi con cố tình mang điện thoại đến lớp, giáo viên sẽ được quyền thu điện thoại của con.

Cách vận động tại nhà giúp trẻ tránh trì trệ, stress và béo phì

Nghỉ học ở nhà để phòng dịch trong thời gian dài, không tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa, sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều có thể khiến trẻ bị mệt mỏi, stress, ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ.

TIN MỚI NHẤT