Quán cơm 2k "tiếp sức" bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.

Xã hội 11/04/2023 10:48

Với suất ăn chỉ 2K, quán cơm "Nụ cười Shinbi" đã nhiều năm "tiếp sức" cho bệnh nhân ung thư, người nhà bệnh nhân và người lao động nghèo tại Tân Triều - Hà Nội.

Quán cơm đặc biệt nơi Bệnh viện K

Cứ 14 giờ từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, quán cơm "Nụ cười Shinbi" (Tập thể Trạm bơm Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại bắt đầu trở nên nhộn nhịp, tấp nập tình nguyện viên chuẩn bị nguyên liệu, thực phẩm để kịp phát những suất cơm với giá 2.000 đồng tại khu vực gần Bệnh viện K3 Tân Triều.

"Nụ cười Shinbi" là quán cơm từ thiện xã hội được thành lập bởi cặp vợ chồng anh Võ Tiên Lâm (SN 1978) và chị Nguyễn Trà My (SN 1986, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhằm giúp đỡ những bệnh nhân ung thư, người nhà bệnh nhân và người lao động nghèo vượt qua khó khăn trong quá trình chữa bệnh, mưu sinh.

Quán cơm 2k 'tiếp sức' bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.  - Ảnh 1
"Nụ cười Shinbi" là quán cơm từ thiện xã hội được thành lập bởi cặp vợ chồng anh Võ Tiên Lâm (SN 1978) và chị Nguyễn Trà My (SN 1986, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh minh họa

 

Trước đây, quán có tên là Yên Vui Tân Triều và vợ chồng anh Lâm đều là những tình nguyện viên năng nổ, gắn bó với quán trong suốt thời gian dài. Khi nhận được thông tin quỹ từ thiện cũ ngưng tài trợ, quán buộc phải ngừng hoạt động, vợ chồng anh chị không ngừng trăn trở về việc những bệnh nhân ung thư thiếu đi một nơi nhận cơm từ thiện mỗi ngày.

Với tấm lòng và tinh thần nhân ái, anh chị đã quyết định thuê lại mặt bằng, lên kế hoạch mở quán, sửa sang lại không gian và đứng lên kêu gọi nguồn tài trợ và nhân lực xung quanh nên đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của đông đảo bạn bè cũng như các nhà hảo tâm để thực hiện dự án.

"Nếu chỉ có một mình chúng tôi thì không thể làm được mà còn có rất nhiều tình nguyện viên, nhà tài trợ đến chung tay, góp sức thực hiện dự án. Những thành viên đều là những người tâm huyết, có trách nhiệm cao trong công việc để giúp đỡ cho bà con khó khăn", chị Trà My chia sẻ.

Quán cơm 2k 'tiếp sức' bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.  - Ảnh 2
Những suất cơm ngon lành, đủ dưỡng chất được các tình nguyện viên chuẩn bị tại NỤ CƯỜI SHINBI. Ảnh minh họa

 

Hàng ngày, quán cơm "Nụ cười Shinbi" phục vụ từ 150 đến 200 suất cơm dành cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó 30 suất được dành ra để chuyển vào Khoa nhi của bệnh viện K Tân Triều.

Mỗi khay cơm đều đầy đủ 4 món: mặn, xào, món phụ và canh với cơm gạo dẻo tám thơm và hoa quả tráng miệng, được chuẩn bị chu đáo, cẩn thận và thay đổi thực đơn theo ngày với đầy đủ chất dinh dưỡng.

Trong thời buổi giá cả có nhiều biến động, quán cơm Nụ cười Shinbi đảm bảo nguyên liệu, thực phẩm được lựa chọn một cách kỹ lưỡng, tươi sạch nhưng vẫn duy trì mức giá 2.000 đồng/suất. Chính điều này đã tiếp thêm nhiều động lực cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vượt qua khó khăn về mặt thể chất và tinh thần.

Quán cơm 2k 'tiếp sức' bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.  - Ảnh 3
Quán cơm Nụ cười Shinbi đảm bảo nguyên liệu, thực phẩm được lựa chọn một cách kỹ lưỡng, tươi sạch nhưng vẫn duy trì mức giá 2.000 đồng/suất. Ảnh minh họa

“Các thành viên trong quán đều dành nhiều tâm huyết từ việc lên thực đơn hàng ngày, trang trí không gian quán sạch sẽ đến thái độ phục vụ tốt để mang đến cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân những suất cơm nóng hổi, ngon lành; vừa tiết kiệm kinh tế vừa giúp họ trường kỳ kháng chiến với căn bệnh quái ác”, chị Trà My tâm sự.

Những người phục vụ trong quán cơm cũng đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi từ những người hàng xóm đến những người trẻ ở khu vực Long Biên, Ngọc Hồi hay thậm chí là người nhà bệnh nhân, người khuyết tật cũng hăng hái tham gia góp sức để lan toả tinh thần nhân ái đến cộng đồng.

Hàng ngày, mọi người phân chia, hỗ trợ nhau công việc trong bếp một cách nhịp nhàng từ rửa rau, thái bí, xào thịt, phân chia suất cơm, vận chuyển cơm đến bệnh viện… Đối với họ, những phản hồi như: “Cơm hôm nay ngon miệng lắm bác ạ” hay “Tôi ăn đến tận hai suất cơm vì quá ngon” từ những vị khách đặc biệt của quán chính là động lực để họ tiếp tục công việc thiện nguyện, giúp đỡ bà con.

Quán cơm 2k 'tiếp sức' bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.  - Ảnh 4
Tình nguyện viên đặc biệt Nguyễn Thế Dương chuyển 30 suất cơm đến khoa Nhi bệnh viện K Tân Triều. Ảnh minh họa

 

Là tình nguyện viên lớn tuổi nhất của quán cơm, bà Nguyễn Thị Bính (SN 1944, ở Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Từ ngày quán cơm Nụ cười Shinbi mở, ngày nào tôi cũng sang hỗ trợ các anh chị sơ chế thực phẩm, nấu cơm, quét dọn quán. Hễ là công việc nào giúp đỡ được quán cũng như bà con, tôi cố làm hết sức để mong sao bà con cảm thấy vui vẻ, hài lòng là tôi cũng vui lây”.

Chính vì những giá trị tốt đẹp mang lại cho cộng đồng, quán cơm "Nụ cười Shinbi" đã kêu gọi được sự giúp đỡ của nhiều tình nguyện viên, trong đó phải kể đến tình nguyện viên đặc biệt là vợ chồng anh Nguyễn Thắng Dương, phụ trách việc đưa 30 suất cơm sang khoa Nhi của bệnh viện K.

Gọi là "tình nguyện viên đặc biệt" vì vợ chồng anh Dương đều là người khuyết tật, hàng ngày bán rau để kiếm tiền mưu sinh nhưng vẫn luôn vui vẻ và sẵn sàng phụ giúp quán ăn trong khi chính bản thân họ là những hoàn cảnh cần được giúp đỡ.

Có người nhà bệnh nhân sau vài lần đến dùng cơm tại quán rồi cũng ngỏ ý muốn trở thành tình nguyện viên tại quán. Ông Nguyễn Văn Minh (SN 1962, ở Song Mai, Bắc Giang) cho biết, người vợ của ông đang điều trị bệnh tại Bệnh viện K hơn một năm nay, ông tranh thủ các buổi chiều dành thời gian hỗ trợ quán và phục vụ khách.

Ông Minh xúc động chia sẻ: “Một vài lần ghé quán cơm ở đây thấy được sự nhiệt tình của mọi người nên cũng quyết định làm tình nguyện viên, hỗ trợ tại quán cơm để giúp cho nhiều gia đình bệnh nhân giống như gia đình tôi bớt được phần nào khó khăn về mặt kinh tế. Những suất cơm ấy đã khiến cho chúng tôi cảm thấy ấm lòng vì có cả sự chung tay của cộng đồng và rồi cũng sẽ có nhiều tình nguyện viên như tôi đến đây hỗ trợ để đưa dự án phát triển hơn nữa”.

Cách tính tiền độc đáo

Hiện nay có rất nhiều tổ chức thiện nguyện, mô hình quán cơm 0 đồng nhưng quán cơm "Nụ cười Shinbi" lại lấy mức giá rất đặc biệt khi chỉ có 2.000 đồng/suất cơm. Giải thích về cách tính tiền độc đáo này, chị Trà My cho biết, việc lấy 2.000 đồng mỗi suất cơm xuất phát từ ý nghĩ “không ai mắc nợ ai”, vừa cho những người đến đây ăn cơm cảm thấy tự trọng khi được trả tiền, vừa hỗ trợ được kinh tế cho họ.

Có những câu chuyện rất thú vị tại quán cơm được chị Trà My kể lại: "Nhiều lần trong lúc thu tiền cơm, tôi nhận được tờ 10.000 đồng hoặc tờ 20.000 đồng với lời nhắn: “Cô/chú trả cho cả bàn nhé. Rồi họ quay sang nói vui với mọi người “Hôm nay tôi mời” và tất cả đều cười rất vui vẻ. Hôm sau, lại đến lượt một người khác đến “bao bàn” như thế vì mọi người thường rủ nhau đi theo nhóm".

Quán cơm 2k 'tiếp sức' bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.  - Ảnh 5
Cách tính tiền cơm độc đáo của quán cơm "Nụ cười Shinbi" khiến nhiều người cảm thấy thoải mái như bữa cơm trong gia đình. Ảnh minh họa

 

Cách tính tiền cơm độc đáo của quán cơm "Nụ cười Shinbi" khiến nhiều người cảm thấy thoải mái như bữa cơm trong gia đình.

"Hầu hết những người khác đều không cảm thấy ‘’áy náy’’ vì được mời cơm, chỉ thi thoảng lắm, nếu có 2 người với nhau, người kia sẽ bảo: Thôi, để tôi trả. Đã đến đây rồi, ai chẳng khó khăn. Nhưng đời người, có mấy lần được mời nhau sảng khoái, vô tư như vậy", chị Trà My chia sẻ.

Trong quá trình nấu ăn và phục vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, chị Trà My có cơ hội được trò chuyện, lắng nghe những tâm sự của họ về hành trình đánh vật với căn bệnh ung thư quái ác. Họ phải đánh đổi thời gian, tiền bạc, sức khỏe để nắm lấy hy vọng sống của mình, vượt qua hoàn cảnh éo le của bản thân.

Bởi vậy những bữa cơm 2.000 đồng đầy đủ, ngon lành sẽ có ý nghĩa rất đặc biệt đối với mọi người khi vừa cho họ cảm giác được tôn trọng, ăn uống thoải mái, thong thả như những bữa cơm gia đình.

Quán cơm 2k 'tiếp sức' bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.  - Ảnh 6
Bữa cơm 2.000 đồng đầy đủ, ngon lành sẽ có ý nghĩa rất đặc biệt đối với mọi người khi vừa cho họ cảm giác được tôn trọng, ăn uống thoải mái, thong thả như những bữa cơm gia đình. Ảnh minh họa

 

Chị Lục Thị Bùi (SN 1985, quê Cao Bằng) là bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện K cho biết, chị xuống đây từ tháng 6 năm ngoái để điều trị ung thư vú và đã trải qua nhiều đợt hóa trị, xạ trị.

"Từ ngày có quán cơm 2.000 đồng gần bệnh viện K3 Tân Triều, mỗi buổi chiều, tôi lại cùng mọi người rủ nhau đến đây ăn cơm bởi cơm ở đây nóng hổi, ngon lành, mọi người phục vụ nhiệt tình, chu đáo, lại còn có một suất quà nhỏ mang về nữa", chị Bùi chia sẻ.

Trong khi đó, bà Trần Thị Len (SN 1974, quê Ninh Bình) không giấu khỏi xúc động: "May mà có những nhà hảo tâm giúp đỡ những người bệnh nhân như tôi vượt qua được căn bệnh ung thư quái ác. Nhiều lúc ăn cơm mà tôi chảy nước mắt khi nhìn những tấm lòng hảo tâm của các anh chị như tiếp thêm động lực và niềm tin cho chúng tôi trong hành trình vượt qua khó khăn này".

Hàng ngày, tại "Nụ cười Shinbi" có rất nhiều câu chuyện về những bệnh nhân ung thư được lan tỏa đã nhận được sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, nhà hảo tâm. Mỗi ngày, nhiều hiện vật, hiện kim được gửi đến quán cùng với lời cam kết sẽ đồng hành với hoạt động này tổ chức bữa cơm 2.000 đồng dài lâu.

Nhờ những tấm lòng hảo tâm đấy, quán đã dần ổn định, tiếp tục đưa những bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng tới cho bệnh nhân ung thư. Chị Trà My cho biết, trong tương lai, khi dự án phát triển ổn định, nhận được sự hài lòng và tài trợ của nhiều nhà hảo tâm, anh chị sẽ nhân rộng mô hình đến các khu vực khác để giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

Hồng Ngọc

Hoàn cảnh đáng thương của nam thanh niên 28 tuổi trong vụ tai nạn tông xe liên hoàn ở Hà Nội: Là anh cả trong gia đình, nuôi em trai học năm 2 đại học

Anh Đỗ Văn Chương (28 tuổi) là nạn nhân được xem là nặng nhất trong vụ tai nạn liên hoàn 17 xe bị tông trên đường Võ Chí Công.

TIN MỚI NHẤT