'Khát' đơn hàng, công ty dệt may 'điêu đứng': Gần 4.000 nhân sự nay còn 37 người, công nhân đau đáu nỗi lo cơm áo gạo tiền

Xã hội 27/10/2023 20:35

Ngành dệt may tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm. Báo cáo tài chính quý 3/2023 nhiều doanh nghiệp vừa công bố cho thấy, doanh thu sụt giảm khi vắng bóng đơn hàng.

Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, trong quý 3, năm 2023, Garmex Sài Gòn - một trong những công ty dệt may từng rất lớn ở TP.HCM không ghi nhận đơn hàng nào. Khoản doanh thu ít ỏi có được đến từ dịch vụ.

Doanh thu hợp nhất vỏn vẹn 73 triệu đồng quý 3/2023 - nối dài 5 quý liên tiếp khó khăn. Giải trình về kết quả kinh doanh, bà Nguyễn Minh Hằng - tổng giám đốc Garmex Sài Gòn - cho biết "công ty không có đơn hàng", doanh thu trong quý 3/2023 đến từ dịch vụ.

Dù đã tiết giảm chi phí, song công ty này cho biết giá thuê đất tăng làm tăng chi phí trong kỳ. Garmex Sài Gòn tiếp tục lỗ gần 11 tỉ đồng trong quý 3/2023, xấp xỉ mức năm trước.

Lãnh đạo Garmex Sài Gòn cho biết công ty đã cân đối lại nhân sự, thu hẹp hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, thực hiện tiết giảm chi phí để giảm thiệt hại.

"Công ty sẽ tiếp tục tiết kiệm chi phí, rà soát tài sản, tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có hoặc thanh lý tài sản không cần dùng", bà Hằng nêu lộ trình khắc phục lỗ lũy kế.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, Garmex Sài Gòn ghi nhận doanh thu đạt 8,1 tỉ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 44 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 6,8 tỉ đồng.

Đi cùng với sự khó khăn về kinh doanh là cắt giảm nhân sự. Tại thời điểm 30/9/2023, Garmex Sài Gòn chỉ còn 37 nhân sự, giảm 4 người so với cuối quý 2/2023 nhưng giảm hơn 1.900 người so với cuối năm 2022 và hơn 3.700 người so với cuối 2021.

'Khát' đơn hàng, công ty dệt may 'điêu đứng': Gần 4.000 nhân sự nay còn 37 người, công nhân đau đáu nỗi lo cơm áo gạo tiền - Ảnh 1
Ảnh minh họa: VOV

Trước đó, lý giải về nguyên nhân khiến cho ngành may mặc trong năm 2023 vô cùng "ảm đạm", dẫn tin từ tạp chí Thương Trường, đại diện hãng nghiên cứu thị trường GoodGood nhận định có 3 lý do chính: 

Kinh tế thế giới suy giảm 

Ở giai đoạn kinh tế thế giới suy giảm như hiện nay, không chỉ ngành dệt may gặp khó khăn mà các ngành xuất khẩu khác cũng không nằm ngoại lệ.

Một năm kể từ ngày Nga phát động chiến “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, đến nay tình hình xung đột vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí đang gia tăng căng thẳng. Đây là nguyên do kéo đến sự sụt giảm về tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới.

Cùng với đó, những tác động tiêu cực từ chính sách thắt chặt tiền tệ gia tăng, gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thiệt hại do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới nền tảng kinh tế nói chung và lực lượng lao động của ngành dệt may trong nước nói riêng.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp, sau 2 năm giãn cách xã hội, người tiêu dùng tại nhiều quốc gia bắt đầu xuất hiện tâm lý “quá mua” - mua nhiều hơn thông thường. Phía các nhà phân phối thì do lo sợ tình trạng giao hàng chậm vì tắc nghẽn chuỗi cung ứng, vì thế ở thời điểm diễn ra dịch bệnh, đã tăng lượng đặt hàng số lượng cao hơn để đáp ứng nhu cầu lớn của nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Nhưng tâm lý “quá mua” không kéo dài lâu bởi những bất ổn chính trị, xung đột Nga-Ukraine, tình trạng thiếu hụt năng lượng... đã khiến kinh tế thế giới lại rơi vào lạm phát.

Chính những vấn đề đó đã khiến người dân từ các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, châu Âu… bắt đầu siết chặt hầu bao với các sản phẩm không thiết yếu như dệt may, trong khi đây là những thị trường xuất khẩu mặt hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam.

'Khát' đơn hàng, công ty dệt may 'điêu đứng': Gần 4.000 nhân sự nay còn 37 người, công nhân đau đáu nỗi lo cơm áo gạo tiền - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ

Đối thủ ‘xanh’ hơn

Một lý do không kém phần quan trọng là nhiều đối thủ cạnh tranh của dệt may Việt Nam như Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ… đang trên đà tăng tốc để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong những năm diễn ra đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Việt Nam lại được cho là đi chậm hơn so với đối thủ trên thế giới như Bangladesh hay Trung Quốc về sản xuất may mặc theo xu hướng bền vững, bảo vệ môi trường.

Ví dụ điển hình Bangladesh, đây là quốc gia từng “đi sau” Việt Nam trên thị trường dệt may, nhưng đến nay, họ luôn vững vàng trước các biến động, các nhà máy làm hàng liên tục, “không kịp nghỉ”, trong khi Việt Nam lại rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng. Bangladesh hiện cũng là quốc gia đang dẫn đầu xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành may mặc toàn cầu.

Hiện tại, Bangladesh đang sở hữu 9 trong 10 nhà máy dệt may xanh nhất thế giới. Các doanh nghiệp tại quốc gia này áp dụng những cải tiến nhằm tận dụng năng lượng tái tạo, trồng cây xanh, rau màu trong khuôn viên nhà máy. Bên cạnh đó, công nhân tại các nhà máy của Bangladesh còn được cung cấp bữa ăn miễn phí cùng mức lương tương xứng với công sức lao động trong thời điểm kinh tế khó khăn. Điều này được cho là một nỗ lực tích cực đáng kể trong ngành công nghiệp dệt may trên thế giới.

Tiếp đến là đối thủ Trung Quốc, “ông trùm” xuất khẩu dệt may toàn cầu cũng đang phát triển dự án mang tên Tái sinh (Reborn), dự án này được tiến hành nhằm triển khai các cải tiến để đạt chứng nhận tiêu chuẩn xanh.

Trung Quốc hiện nay cũng là quốc gia tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ mới nhằm hạn chế rác thải ngành dệt may, có thể kể đến như công nghệ nhuộm khô giúp giảm 95% nước và 40% năng lượng sử dụng trong quá trình nhuộm.

'Khát' đơn hàng, công ty dệt may 'điêu đứng': Gần 4.000 nhân sự nay còn 37 người, công nhân đau đáu nỗi lo cơm áo gạo tiền - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

Dẫn tin từ VOV, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, phán đoán tổng thể thị trường dệt may 2024 có nhiều khả năng cải thiện, tuy nhiên ông Trường cho rằng, mức độ cải thiện nhỏ, tổng cầu dự kiến vẫn thấp hơn 2022 từ 5%-7%. Nhiều khả năng đơn giá có thể tăng hơn trên nền số lượng giảm và yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn phi tài chính khác cao lên.

Mặc dù vậy, ông Lê Tiến Trường cũng chỉ ra những cơ hội mới cho ngành như sự dịch chuyển nguồn sợi từ Trung Quốc, đầu tư FDI tăng cường sản xuất vải ở Việt Nam từ sợi trong nước; các sản phẩm chuyên dụng, cao cấp, kể cả nguồn nguyên liệu cao cấp dự báo khả năng tăng trưởng theo thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nội địa.

“Để thực hiện kế hoạch sản xuất, các DN, đơn vị thuộc ngành may cần tiếp cận khách hàng với sản phẩm đặc thù mới. Nâng cao năng suất lao động, linh hoạt bố trí sản xuất, cơ cấu lại hệ thống sản xuất, hạn chế mở rộng để tái cấu trúc sản xuất. Ngành sợi dự báo tần suất cao hơn cho đơn vị, hợp lực tài chính, cải thiện chất lượng liên tục, phấn đấu tạo ra những sản phẩm khác biệt… Trong quá trình thực hiện, Tập đoàn sẽ tăng cường hỗ trợ các DN đơn vị trực thuộc”, ông Trường nói.

Thanh niên Trung Quốc thất nghiệp kỷ lục, doanh thu xổ số tăng vọt 49% trong năm nay

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc hơn 20% và những người trẻ tuổi khó tìm được việc làm ngay cả khi đã tốt nghiệp đại học đang đặt hy vọng vào xổ số.