Hy hữu: Bé gái sinh ra với 24 ngón tay, chân, phải phẫu thuật mới có thể cầm nắm

Tin y tế 17/08/2023 10:45

Sáng 17/8, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM) cho hay vừa phẫu thuật trả hình hài lại bình thường cho bé gái T.T (7 tháng tuổi, ở Long An) có 24 ngón tay, chân.

Cụ thể, dẫn tin từ Người Lao Động, bé T. được đưa đến trong tình trạng bàn tay và bàn chân bị dư ngón phức tạp. Cụ thể, ngón út bàn tay trái và phải của bé thừa một mẩu thịt nhỏ, ngón cái bàn tay phải tách làm đôi; bàn chân phải có 2 ngón cái, ngón cái và ngón trỏ bàn chân trái dính nhau. Tổng cộng cả 4 bàn tay, chân của cháu có 24 ngón thay vì 20.

Sau nhiều giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ những ngón dư, tạo hình lại ngón tay - chân, đưa bàn tay - chân trở về hình dạng bình thường, đảm bảo chức năng vận động cho bé.

Hy hữu: Bé gái sinh ra với 24 ngón tay, chân, phải phẫu thuật mới có thể cầm nắm - Ảnh 1
Bàn tay của bé gái - Ảnh: VnExpress

Dẫn tin từ VnExpress, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thừa ngón tay hoặc chân là dị tật bẩm sinh phổ biến, tỷ lệ 1/1.000 trẻ sinh ra. Tuy nhiên, tỷ lệ thừa ngón bàn chân chỉ 0,4 trên 10.000 bệnh nhân. 

Dị tật thừa ngón được chia thành ba loại gồm thừa ngón về phía trong (phía xương quay cẳng tay hay xương chày cẳng chân), thừa ngón về phía ngoài (ngón thừa nằm ngoài ngón út) và thừa ngón trung tâm (ngón thừa nằm giữa các ngón khác).

Một số ngón thừa chỉ là da và mô mềm nhô ra từ bàn tay hoặc bàn chân. Trong khi đó, có trường hợp ngón phụ cũng có da, mô mềm và xương khớp tương tự như một ngón tay, chân bình thường. Ít trường hợp các ngón tay, chân dính nhau một phần hoặc toàn bộ, khiến trẻ sinh hoạt, vận động khó khăn. Trường hợp của bé Trang là dị tật thừa ngón về phía trong, xảy ra ở ngón tay cái.

Theo bác sĩ Trọng, nguyên nhân thừa ngón, dính ngón phổ biến nhất là do di truyền, tức bất thường về gene trong giai đoạn bào thai. Cụ thể, đột biến ở cụm gene Hoxa (hình thành và phát triển cơ quan, kiểm soát trưởng thành, tăng sinh tế bào, chu kỳ tế bào, biệt hóa tế bào và di truyền tế bào), gene GLI3 (tham gia định hình của nhiều mô và cơ quan trong giai đoạn phát triển bào thai), đột biến Hemingway trong gene Shh (đảm nhận quá trình hình thành các chi, nhưng khi đột biến làm sai chức năng gây thừa ngón)... Nếu người mẹ bị thừa ngón (gene trội), con có nguy cơ cao mắc dị tật này.

Ngoài yếu tố di truyền, thai phụ hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, thủy đậu, rubella... cũng có nguy cơ sinh con dị tật thừa ngón.

Dị tật thừa ngón tay, dính ngón tay có thể phát hiện từ giai đoạn bào thai bằng phương pháp siêu âm hình thái học thai nhi ở tuần thứ 18-21.

Bác sĩ Trọng cho biết phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị dị tật thừa ngón. Trẻ nên được phẫu thuật trước 12 tháng tuổi nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ, bảo tồn chức năng ngón cái, tránh ảnh hưởng tâm lý khi nhận thấy bản thân khác biệt bạn bè.

Để phòng ngừa nguy cơ trẻ sinh ra thừa ngón, 6 tháng trước khi mang thai và trong thai kỳ, phụ nữ tránh uống rượu bia, hút thuốc lá, chất kích thích. Thai phụ tiêm ngừa đầy đủ, bổ sung vitamin, khoáng chất (nhất là canxi, sắt, axit folic) theo chỉ định của bác sĩ.

Theo bác sĩ Trọng, vợ chồng bị dị tật thừa ngón nên sàng lọc phôi và thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp này nhằm loại trừ phôi bất thường nhiễm sắc thể do di truyền, chọn phôi tốt tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh.

Tin quảng cáo trên mạng, cô gái trẻ ở Hà Nội nổi u cục chi chít, ổ mủ dày đặc sau khi tiêm tan mỡ được 1 tuần

Sau tiêm tan mỡ một tuần, thì vùng bụng, đùi của bệnh nhân nổi nhiều nốt đỏ, sưng, cứng, tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn, sau vài ngày các ổ mủ xuất hiện dày đặc hơn, gây đau nhức...

TIN MỚI NHẤT